Theo giới chức Liên Hợp Quốc, kế hoạch xây dựng mỏ kim loại lớn nhất trong lịch sử Papua New Guinea (PNG) có nguy cơ hủy hoại môi trường và sự sống nghiêm trọng, đồng thời “dường như coi thường quyền lợi của những người bị ảnh hưởng”.
Mỏ kim loại quý ước tính trị giá 1,5 tỷ USD/năm
Trong một nỗ lực can thiệp bất thường, 10 báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc đã viết thư bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc” tới các chính phủ của Papua New Guinea (PNG), Australia, Trung Quốc và Canada, cũng như các nhà đầu tư Trung Quốc đang tham gia xây dựng mỏ kim loại quý ở khu vực sông Frieda xa xôi phía bắc PNG.
Một đoạt sông Sepik ở Papua New Guinea. Ảnh:Alamy Stock. |
Vào tháng 7, cựu báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc chuyên về chất thải độc hại, Baskut Tuncak, cùng 9 quan chức cấp cao khác của tổ chức này đã cùng ký những bức thư “bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về các mối đe dọa tiềm tàng và hiện hữu đối với cuộc sống, sức khỏe, sự nguyên sơ, nguồn nước và thức ăn” của khu vực xung quanh mỏ.
Những bức thư này đề nghị các chính phủ và công ty PanAust trả lời các câu hỏi liên quan đến cáo buộc “không minh bạch thông tin và chưa được sự nhất trí của người dân bản địa” đối với việc khai mỏ.
Mỏ kim loại này, với diện tích 16.000 ha, nếu được phê duyệt và xây dựng, sẽ là mỏ lớn nhất trong lịch sử của PNG và là một trong những mỏ lớn nhất thế giới. Được xây dựng trên sông Frieda, một nhánh của sông Sepik ở phía bắc đảo New Guinea, nó được dự báo mang lại sản lượng vàng, bạc và đồng ước tính trị giá 1,5 tỷ USD/năm trong hơn 30 năm.
PanAust, cổ đông chiếm 80% dự án, là một công ty khai thác mỏ thuộc Công ty quản lý tài sản tăng trưởng Quảng Đông, thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc.
Vị trí mỏ kim loại trên bản đồ sông Sepik. Ảnh:Supplied. |
Lo ngại nguy cơ vỡ đập
Các báo cáo viên của Liên Hợp Quốc cho rằng “bản thân dự án và quá trình thực hiện, cho đến nay, dường như coi thường quyền lợi của những người bị ảnh hưởng”.
Họ đặc biệt lo ngại con đập chứa chất thải của mỏ có thể bị vỡ, tàn phá làng mạc ở hạ nguồn.
“Chúng tôi lo ngại rằng những thông tin quan trọng về đập chất thải, bao gồm cả phân tích khả năng vỡ đập, đã không được công bố đại chúng hay minh bạch với các cộng đồng bị ảnh hưởng và các nhà hoạt động”, ông Tuncak viết.
“Vị trí đập vẫn nằm trong khu vực có nhiều hoạt động địa chấn. Nguy cơ xảy ra động đất lớn gây thiệt hại đập vẫn sẽ tồn tại hàng triệu năm”.
“Mặc dù nhà đầu tư nói nó ‘rất khó xảy ra’, nhưng việc vỡ đập giải phóng các chất thải độc hại sẽ rất thảm khốc, hủy hoại sự sống và môi trường, giống như trường hợp thảm họa Ok Tedi”.
Ông Tunak lo ngại dự án sẽ “xâm phạm nền văn hóa của người Sepik… và có thể đe dọa môi trường sống, quyền được chăm sóc sức khỏe, được tiếp cận với nền văn hóa và môi trường trong lành của trẻ em Sepik”.
Các lá thư cho biết một số nhà hoạt động trong khu vực đã bị dọa giết, song không ám chỉ có liên quan đến PanAust.
Dự án mỏ ở sông Frieda đang trong giai đoạn phê duyệt cuối cùng. Nghiên cứu tác động môi trường do PanAust đệ trình hiện do Cơ quan Bảo tồn và bảo vệ môi trường (CEPA) của chính phủ PNG thụ lý và sẽ sớm ra quyết định cuối cùng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bảo tồn và Môi trường PNG, Wera Mori, nói với tờ Guardian: “Chúng tôi không muốn sông Sepik bị ô nhiễm. Vì vậy, chúng tôi phải được đảm bảo dù ở bất kỳ hình thức nào con đập chất thải sẽ không tác động tiêu cực đến sông Sepik và những người ở khu vực đó".
Chính phủ PNG đã không trả lời thư của các báo cáo viên Liên Hợp Quốc trong thời hạn phản hồi 60 ngày theo quy định. Tuy nhiên, ông Mori cho biết: “Chính phủ tiếp thu ý kiến của các nhà quan sát quốc tế và đang nỗ lực để đảm bảo một thỏa thuận có lợi cho tất cả các bên liên quan”.
Richard Pearshouse, đứng đầu bộ phận đối phó khủng hoảng và thiên tai của Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho biết sự can thiệp sớm của các báo cáo viên đặc biệt ngay từ quy trình phê duyệt dự án là "chưa từng có".
“Rõ ràng là họ lo ngại vì có quá nhiều điều chưa được làm rõ về viễn cảnh mỏ kim loại lớn hàng đầu thế giới với một đập chất thải khổng lồ ngay trong khu vực còn nhiều hoạt động địa chấn sẽ như thế nào”.
Nhiều người sống bên sông Sepik kiên quyết phản đối dự án.
Vào tháng 6, các thủ lĩnh từ 28 nhóm người đại diện cho 78.000 cư dân sống bên sông Sepik chính thức tuyên bố họ muốn dừng khai thác mỏ.
Người dân sống xung quanh sông Sepik biểu tình phản đối dự án mỏ. Ảnh:Supplied. |
Vernon Gawi, một sinh viên đại học, cho biết: “Tôi lớn lên với dòng sông, uống nước, ăn cá và ngũ cốc từ nó. Nhờ nó mới có tôi của hôm nay. Tôi lo lắng cho thế hệ tương lai, và nếu khu mỏ đi vào hoạt động, chúng sẽ còn lại gì?”.
Trong báo cáo tác động môi trường của khu mỏ sông Frieda, PanAust gọi đây là “dự án xây dựng quốc gia” sẽ “mang lại cơ hội vàng để phát triển kinh tế - xã hội và thương mại cho PNG”.
Dự án mỏ này cũng bao gồm một nhà máy thủy điện, lưới điện, nâng cấp đường sá, sân bay và cảng biển.
PanAust cho biết họ đã “hoạt động liên tục và bên bỉ suốt vài thập kỷ” với những người bị ảnh hưởng bởi khu mỏ, tổ chức các buổi phổ biến thông tin ở gần 140 ngôi làng, với hơn 18.000 người tham dự.
“Các ý kiến và vấn đề của địa phương đã được thu thập thông qua các chiến dịch vận động, các cuộc họp chính thức và không chính thức với các trưởng thôn, và thông qua các cuộc điều tra kinh tế - xã hội được thực hiện ở các thôn từ năm 2010 đến năm 2018”.