Gặp khó vì “tắc” đường vận chuyển
Trong một động thái mới nhất, gần 10 DN bao gồm Công ty Dataogic, FPT Solfware, Intel Product Việt Nam, Sacom Chíp Sáng, Schneider Electric, Tiến Phước, Sonion… tại Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) đã gửi đơn thư kêu cứu vì nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất. Phần lớn đây đều là những DN sản xuất sản phẩm đầu cuối công nghệ cao và nguyên phụ liệu sản xuất được vận chuyển qua đường hàng không.
Thế nhưng, việc phong tỏa đường hàng không từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại từ ngày 1-2 đã khiến nhiều nguyên phụ liệu sản xuất của các DN không được vận chuyển kịp thời, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quy trình sản xuất.
Ở lĩnh vực khác, nhiều DN dệt may, da giày cũng đang trong tình trạng thấp thỏm, lo âu trước nguy cơ đứt nguồn cung ứng nguyên liệu sản xuất. Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Gia Định, cho biết nguồn nguyên phụ liệu sản xuất của ngành da giày chủ yếu nhập từ thị trường Trung Quốc.
Tình hình dịch bệnh kéo dài đang khiến cho các hoạt động sản xuất nguyên phụ liệu từ nhà máy Trung Quốc bị ngưng trệ, dẫn đến nguồn cung cũng thiếu hụt. Trước tết, công ty đã nhập đủ nguồn nguyên phụ liệu để sản xuất cho quý 1-2020 nhưng các tháng tiếp theo thì chưa biết tình hình sẽ ra sao.
Cùng tâm trạng, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty May Sài Gòn 3, lo lắng khi nguồn nguyên liệu sản xuất chỉ đáp ứng đủ đến hết tháng 2. Các tháng tới chưa biết thế nào khi diễn biến dịch bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Tình trạng thiếu nguyên phụ liệu sản xuất còn xảy ra nghiêm trọng hơn với DN có quy mô sản xuất vừa và nhỏ. Bởi nguồn nguyên phụ liệu sản xuất thường được nhập khẩu theo kiểu “ăn đong từng bữa”.
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, cho biết hiệp hội đã tổ chức khảo sát ghi nhận tình hình hoạt động sản xuất của các DN và phần lớn đều rất hoang mang. Trên thực tế, từ trước đến nay các DN trong nước thường thiếu chủ động trong việc tìm kiếm nguồn nguyên phụ liệu sản xuất ngoài Trung Quốc, vì thị trường này có nguồn nguyên liệu sản xuất dồi dào, phong phú, giá cả lại rất tốt so với các nước khác.
Do đó, ngay khi nguồn cung nguyên phụ liệu từ nước này rơi vào tình trạng ngưng trệ hoặc gián đoạn thì lập tức ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất của DN. Nhiều DN cho biết, nguồn nguyên phụ liệu sản xuất chỉ có thể cầm cự đến hết tháng 2, thậm chí có DN tuần sau đã không còn nguyên phụ liệu sản xuất.
Cần đảm bảo thông thương hàng hóa
Trước thực tế đó, nhiều DN đã và đang chủ động lên phương án nhập nguyên phụ liệu từ các quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Bangladesh… Ông Phạm Xuân Hồng cho biết đang trao đổi với các đối tác bạn hàng, các nhà cung cấp ở những thị trường khác như Ấn Độ, Bangladesh… nhằm bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung. Tuy nhiên, việc thiếu hụt nguồn cung từ Trung Quốc đã đẩy giá nguyên phụ liệu trên toàn cầu tăng mạnh, gây ảnh hưởng rất lớn đến những đơn hàng xuất khẩu mà DN trong nước đã ký kết trước đây.
Do vậy, các DN cho rằng, một mặt DN sẽ chủ động đàm phán lại giá trị, đơn giá hàng hóa xuất khẩu với những đối tác đã ký trước đó; mặt khác, các cơ quan chức năng cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời để chia sẻ khó khăn với DN.
Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ kịp thời như khoanh nợ, giãn nợ, giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất trong thời gian nhất định, cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và hoạt động sản xuất của DN ổn định.
Các tổ chức tín dụng có chính sách hỗ trợ lãi suất vay cho các DN có nhu cầu tái đầu tư mở rộng sản xuất, hoặc tăng khả năng nhập khẩu nguyên phụ liệu. Bộ Công thương cần chỉ đạo các tham tán thương mại tìm kiếm những nguồn cung nguyên liệu sản xuất, từ đó xúc tiến kết nối để hỗ trợ DN thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn cung ứng.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc các DN bị ngưng sản xuất sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Dễ thấy nhất là gia tăng tình trạng thất nghiệp của người lao động, cộng thêm chi phí về chính sách xã hội, tiền lương, trợ cấp thất nghiệp… liên quan mà DN sẽ phải chi trả sẽ làm gia tăng gánh nặng kinh tế cho DN và cả xã hội. |
Riêng các DN sản phẩm đầu cuối trong Khu công nghệ cao TPHCM cho rằng, việc phong tỏa đường hàng không đến Trung Quốc và ngược lại chỉ cần thiết đối với vận chuyển hành khách, giúp kiểm soát tình hình dịch bệnh hiện nay, không nên áp dụng với vận chuyển hàng hóa. Các cơ quan chức năng liên quan nên cho phép mở lại đường bay vận chuyển hàng hóa kết hợp buộc đơn vị vận chuyển tuân thủ tuyệt đối biện pháp phòng chống dịch bệnh, đảm bảo việc lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất tiếp diễn bình thường.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các DN khu công nghiệp TPHCM, nhấn mạnh thêm, ngoài vận chuyển qua đường hàng không thì việc mở cửa biên giới đường bộ, đường biển cho vận chuyển, thông thương hàng hóa cũng phải được tính thêm, để giảm áp lực thiếu nguồn nguyên phụ liệu sản xuất trong thời gian tới.