Mặc dù thị trường BĐS đã phục hồi và đang dần lấy lại đà tăng trưởng nhưng Bộ Xây dựng vẫn bảo lưu kiến nghị tạm dừng cấp phép mới các dự án nhà ở thương mại trong năm 2014.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định nhà xã hội vẫn là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình phát triển nhà ở để đảm bảo trách nhiệm Nhà nước lo nhà ở cho người dân.
Cư xá Thanh Đa, quận Bình Thạnh, TPHCM đã xuống cấp nghiêm trọng. ( Ảnh: TTXVN) |
Bất động sản đã phục hồi
Thị trường BĐS đã ấm lên từ cuối năm 2013, đặc biệt là trong 4 tháng đầu năm nay lượng giao dịch đã tăng gấp 2 lần so với quý I-2013. Thời điểm này, giá giao dịch không giảm và thậm chí nhiều nơi còn tăng so với giai đoạn trước. Việc chuyển động tích cực trong giao dịch đã góp phần đưa lượng tồn kho giảm đáng kể, tương đương 34,4%.
Các thông số này là minh chứng thuyết phục về sự phục hồi tích cực của thị trường BĐS. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhận định rằng thị trường vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn vì vẫn còn nhiều dự án do các chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện. Vì vậy, không thể chủ quan mà phải xây dựng giải pháp phù hợp, điều chỉnh kịp thời và làm cho thị trường BĐS phát triển đồng bộ, lành mạnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Giai đoạn thị trường BĐS trầm lắng đã thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia kinh tế với các góc nhìn khác nhau. Ngay cả quan điểm “cứu” hay “buông” thị trường BĐS cũng được tranh cãi nhiều. Với chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực này, Bộ Xây dựng đã căn cứ vào thực tế của nền kinh tế để phân tích, tìm ra nguyên nhân gây khó khăn; từ đó, kiến nghị Chính phủ để đề ra một hệ thống giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường.
Các giải pháp của Bộ Xây dựng tôn trọng nguyên tắc khắc phục lệch pha cung cầu về BĐS. Theo đó, đặc biệt chú trọng gắn tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản với thực hiện chiến lược quốc gia về nhà ở.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng diễn giải: BĐS và nhà ở làm ra là phải hướng đến người dân và phải hướng đến mục tiêu dân nghèo cũng có nhà ở. Từ đó, các hệ thống giải pháp đã được đưa ra khá phù hợp với đòi hỏi thực tiễn, đặc biệt là Nghị quyết 02 của Chính phủ năm 2013 với giải pháp cơ cấu lại các dự án, chính sách về tài khóa, tín dụng, cũng như yêu cầu trách nhiệm của các chủ thể tham gia thị trường.
Tạm dừng cấp phép nhà thương mại
Cùng với việc tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý thị trường BĐS, Bộ Xây dựng đã đề xuất không cấp phép đầu tư mới đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, các khu đô thị mới trong năm nay, trừ các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích dưới 70m2 và giá bán không quá 15 triệu đồng/m2.
Thông tin này được công bố khi thị trường BĐS đang có dấu hiệu phục hồi tích cực khiến nhiều người thắc mắc về tình huống này. Tuy nhiên, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã đưa ra phân tích: Việt Nam đang phát triển một nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước nên vừa phải tôn trọng yếu tố thị trường nhưng cũng không thể né tránh can can thiệp của nhà nước. Tất cả đều hướng tới mục tiêu đưa thị trường BĐS phát triển lành mạnh.
“Suốt một thời gian dài chúng ta đã quá tôn trọng thị trường, đây cũng là một bài học cần rút kinh nghiệm bởi tư tưởng thị trường hóa đã đẩy BĐS phát triển tự phát theo phong trào nên khiến cung vượt xa cầu, phân khúc lệch lạc dẫn đến dư thừa, tồn kho cao... Hiện nay, việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS đang rất nặng nề” - Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhận định.
Cả nước hiện có trên 4.000 dự án nhà ở với diện tích sử dụng đất khoảng 102.000ha. Nếu dồn nguồn lực thực hiện số dự án này phải mất 4,5 triệu tỷ đồng để tạo ra xấp xỉ 3 triệu căn hộ. Với khả năng của nền kinh tế như hiện nay, không thể nào trong trung hạn giải quyết được khối lượng lớn các dự án này.
Do đó, bản thân nhiều dự án đã được cấp phép rồi cũng phải cân nhắc lại để dừng. Trong số này TPHCM có 689 dự án, tương ứng hơn 7.000ha đất và Hà Nội gần 100 dự án tạm dừng. Tại hai đô thị trung tâm với nhu cầu nhà ở rất cao mà còn đang phải tạm dừng dự án thì không có lý do gì đi cấp phép mới thêm cho các dự án khác.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết đề nghị này chỉ thực hiện trong năm nay và là biện pháp can thiệp của cơ quan nhà nước, thực hiện quản lý kinh tế thị trường có sự quản lý của cơ quan nhà nước. Như vậy, những dự án đặc biệt vẫn được xem xét nếu có đề nghị nhưng phải được Chính phủ cho phép. Nếu thị trường BĐS tiếp tục có chuyển biến, cũng sẽ có thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với những giải pháp cụ thể hơn.
Lo nhà cho dân là nhiệm vụ trọng tâm
Chính sách phát triển nhà ở xã hội vẫn được xác định là trọng tâm trong Chiến lược nhà ở Quốc gia và được người dân ủng hộ bởi nó mang đậm ý nghĩa nhân văn và đảm bảo an sinh xã hội.
Bộ trưởng Trịnh Đình Đũng khẳng định nhà ở là một nhân tố để phát triển con người và công dân có nhà ở là quyền đã được ghi tại Hiến pháp. Đặc biệt, điều 59 Hiến pháp sửa đổi cũng yêu cầu phải có chính sách phát triển nhà ở để tạo điều kiện cho người dân có nhà ở. Thực hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước, cũng như Hiến pháp, Chính phủ đã xây dựng Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia. Đây là điểm đột phát trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Yêu cầu đặt ra là phải phát triển đồng thời 2 loại hình nhà ở. Nhà ở thương mại dành đáp ứng nhu cầu, thỏa mãn khả năng thanh toán của người dân có thu nhập và chi trả theo cơ chế thị trường. Loại hình thứ 2 cần có sự quan tâm đặc biệt và tập trung phát triển nhà ở xã hội với sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhà ở xã hội dành cho những người dân không có đủ điều kiện tiếp cân với loại hình nhà ở thị trường những vẫn có thể có nhà ở phù hợp.
Thời gian qua, các chính sách phát triển nhà ở đã được triển khai rất mạnh. Ở nông thôn có chương trình nhà ở cho người nghèo, nhà ở cho người có công… Tại khu vực đô thị thì mới phát triển nhà thương mại, tạo bộ mặt đô thị nhưng xảy ra bất cập. Trong khi một bộ phận sở hữu nhiều nhà ở thì những người làm công ăn lương, công chức, công nhân khu công nghiệp… lại đang rất thiếu nhà ở, phải đi ở thuê trong những khu nhà chật chội, điều kiện kém.
Vì vậy, chiến lược quốc gia về nhà ở là một bước cụ thể hóa quan điểm của Đảng về phát triển một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để thực hiện mục tiêu tăng trưởng đi đôi với phát triển-phát triển đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội. Giai đoạn này, lĩnh vực nhà ở đã hoàn toàn xóa bỏ bao cấp.
Thay vì việc Nhà nước bỏ tiền ra xây nhà rồi phân phối thì nay Nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nhà ở xã hội. Người thu nhập thấp, người có khó khăn về nhà ở được mua nhà với giá thấp giao dịch ngoài thị trường do Nhà nước đã hỗ trợ tiền sử dụng đất, thuế VAT đầu ra, ưu đãi cho vay tín dụng lãi suất thấp. Nhà ở xã hội là nhà ở phi hàng hóa, các giao dịch theo cơ chế thị trường nhưng giá bán thì thấp hơn giá thị trường do có sự hỗ trợ của nhà nước thông qua doanh nghiệp.
Hiện Nhà nước khuyến khích không chỉ doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp sử dụng lao động nói riêng mà ngay cả người dân có điều kiện cũng nên tham gia xây dựng, phát triển nhà ở xã hội. Phát triển nhà ở xã hội chính là tạo ra quá trình xã hội hóa thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định.