(ĐTTCO) - Ngược lại với diễn biến đã kéo dài nhiều năm qua, giá vàng trong nước đang thấp hơn giá vàng thế giới, khiến thị trường vàng trầm lắng. Nhưng điều lo ngại là đang có hiện tượng vàng xuất lậu ra nước ngoài. Xung quanh vấn đề này, ĐTTC đã trao đổi với ông TRẦN THANH HẢI (ảnh), Chủ tịch Hội đồng thành viên CTCP Đầu tư - Kinh doanh Vàng Việt Nam.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, ông nhận định như thế nào việc giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới?
![]() |
Ông TRẦN THANH HẢI: - Nhìn vào thị trường vàng thế giới có thể nhận thấy giá vàng từ đầu năm dao động trong khoảng 1.050-1.280USD/ounce. Đây là biên độ dao động khá ấn tượng với 230USD/ounce. Tuy nhiên, giá vàng ở Việt Nam từ đầu năm đến nay dao động ở một biên độ rất hẹp. Lấy thí dụ từ ngày 1 đến 12-4, trong khi giá vàng thế giới dao động 1.220-1.256USD/ounce, tức tăng 36USD/ounce, tương đương hơn 850.000 đồng/lượng, nhưng giá vàng trong nước chỉ tăng 330.000 đồng/lượng, thấp hơn giá vàng thế giới khoảng 200.000 đồng/lượng. Nguyên nhân trước nay giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới nhưng hiện tại thấp do kể từ năm 2012 Chính phủ ban hành Nghị định 24, thị trường vàng đã trở nên trầm lắng. Trong khi đó, vàng thế giới vẫn biến động theo cung cầu của thị trường tài chính, theo chỉ số USD Index và theo đánh giá trong quan hệ giữa các loại hàng hóa khác với đồng USD. Trong 12 ngày đầu tháng 4, giá vàng thế giới biến động nhanh, trong nước biến động chậm làm cho giá trong nước thấp hơn so với thế giới. Điều đó cũng lý giải tại sao ngày 12-4, tỷ giá chợ đen thấp hơn tỷ giá chính thức do Vietcombank công bố.
- Theo NHNN chi nhánh TPHCM, giá trong nước có chiều hướng thấp hơn thế giới những ngày qua dẫn đến hiện tượng xuất lậu vàng qua biên giới ở quy mô nhỏ. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?
- Mấy ngày qua, khi giá vàng trong nước thấp hơn thế giới hiện tượng vàng bóng ký chảy ra nước ngoài với quy mô nhỏ là có thật. Điều này được nhìn thấy qua tỷ giá USD chợ đen thấp hơn giá USD niêm yết tại NH. USD chợ đen thấp vì vàng chảy ra thì USD chảy về. Đó là một nguồn có thể gọi là xuất tiểu ngạch. Chúng ta không có thông tin chính thức nhưng bằng những hiện tượng kinh tế, các nhà nghiên cứu có thể dự đoán bản chất của sự việc.
- Việc siết thị trường vàng tại Việt Nam do tình trạng vàng hóa nền kinh tế. Ở các nước khác có tình trạng tương tự, thưa ông?
- Trong 1 thế kỷ trở lại đây, Việt Nam có 5 lần thay đổi hình thái kinh tế-xã hội. Mỗi lần thay đổi này kéo theo sự thay đổi một đồng tiền khác. Trong khi đó, các nước trên thế giới ít có thay đổi hình thái kinh tế-xã hội nên đồng tiền lưu hành của họ tương đối ổn định. Đồng tiền ổn định giúp vấn đề giữ gìn nền tảng quy theo đồng tiền của các nước sở tại tương đối bền vững. Việc 5 lần thay đổi đồng tiền dẫn đến xu hướng người dân tích trữ những tài sản bất biến theo tiền giấy đang lưu hành, đó là vàng. Chính vì thế, vàng từ trong hơn 1 thế kỷ qua đã nằm sâu trong tiềm thức người Việt Nam và trở thành kênh đầu tư của nhiều thế hệ, thậm chí là tài sản thừa kế, của hồi môn… Do đó, nhiều chuyên gia dự đoán vàng trong dân còn 300-500 tấn, nhưng số liệu này chưa được kiểm kê chính thức, còn theo tôi vàng trong dân không đáng kể. Nhiều trường hợp người dân bị mất trộm đến 200-300 lượng vàng, số lượng vàng như vậy rất lớn vì cứ 100 lượng vàng khoảng 200.000USD. Đây là tài sản không nhỏ so với mặt bằng chung thu nhập của người Việt Nam. Cho dù hiện nay mãi lực thấp do Nghị định 24, truyền thống cất giữ vàng của người dân vẫn là đặc điểm riêng có.
- Trên thế giới, vàng cũng là một kênh đầu tư tương tự chứng khoán hay các kênh tài chính khác. Nhưng với đặc điểm riêng của nó như ông đã nói, NHNN đã quản lý chặt thị trường vàng trong nước khiến vàng mất đi sức hấp dẫn?
- Về vấn đề này, tôi trở lại Nghị định 24, trong đó có ghi rõ giao cho NHNN tiến tới huy động, sử dụng vàng trong dân đưa vào các kênh khác. Quy định của Thông tư 24 rất hay nhưng từ đó đến nay mới thực hiện được mặt “chống”, tức là quản lý thị trường vàng, còn về mặt “xây” kênh huy động vàng để đóng góp vào nền kinh tế chưa làm được. Xét cho cùng, vàng là tài sản của xã hội nên không huy động được khoản này rất dở. Nhưng nếu huy động theo kiểu cũ, tức cho phép NHTM được huy động vàng sẽ dẫn đến xảy ra bong bóng về tài chính, điều đã gây sụp đổ một số NH trước đây. Vì vậy, chúng ta phải xây dựng một cơ chế huy động. Thí dụ, NHNN phát ra chứng chỉ vàng để huy động vàng trong dân với lãi suất bằng 0%, NH giữ hộ số vàng này và NH dùng hợp đồng swap ký quỹ vàng này để hoán đổi ngoại tệ về và phục vụ kinh tế dân sinh.
Hiện nay, NHNN quy định dân gửi vàng vào NH phải trả phí. Do thủ tục nhiêu khê, phải thuê két sắt trong NH, cầm chìa khóa về, lo ngại khi lấy ra có đúng vàng của mình hay không, cộng thêm không phải người dân nào cũng hiểu dịch vụ này của NH để gửi, nên mãi lực vàng rất chậm, dù người dân vẫn rất quan tâm đến vàng. Trên thực tế, đồng Việt Nam chưa phải là đồng tiền chuyển đổi, lạm phát của Việt Nam vẫn ở mức trung bình, tâm lý người dân chưa làm quen với các cơ chế tài chính mới thị trường chứng khoán, thị trường tài chính, nên vàng vẫn là kênh truyền thống. Tôi nghĩ nên thực hiện theo tinh thần Nghị định 24 huy động vàng trong dân với chi phí thấp nhất, đặc biệt trong điều kiện nước ta đang thiếu hụt nguồn ngoại tệ.
- Xin cảm ơn ông.