Chẳng hạn, Home Credit Việt Nam, công ty tài chính, vừa về tay ngân hàng Thái Lan ghi nhận lãi ròng hơn 375 tỷ đồng trong năm 2023. Mức lợi nhuận này giảm 70%.
Công ty tài chính MB Shinsei (Mcredit) lên kế hoạch đạt lợi nhuận 1.300 tỷ đồng trong năm 2023, nhưng kết quả, lợi nhuận ròng cả năm chỉ đạt 240 tỷ đồng, giảm lãi hơn 70%. Theo đó, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu bị giảm từ 40,65% trong năm 2022 xuống chỉ còn 8,2%.
Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán cho năm tài chính 2023 công ty tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit) cho thấy, thu nhập lãi thuần của công ty này đã giảm 30,4%, chỉ còn 915,8 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 22,06 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đã kiểm toán là 16,6 tỷ đồng, giảm 74%.
Trong khi đó, theo báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán MB, lũy kế cả năm 2023, FE Credit ghi nhận lỗ trước thuế 3.529 tỷ đồng, cao hơn 408 tỷ đồng so với mức lỗ của năm 2022.
Shinhan Finance, thành viên của Shinhan Card (Hàn Quốc) cũng đã báo lỗ hơn 460 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lãi trên 300 tỷ đồng.
Một công ty tài chính ngoại nữa là Mirae Asset Việt Nam, thành viên của Tập đoàn Mirae Asset, Hàn Quốc, ghi nhận lỗ đến 963 tỷ đồng sau thuế trong năm 2023 trong khi cùng kỳ năm trước lãi gần 130 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu trong năm 2023 bị âm 55,2% trong khi năm 2022 là 7,6%.
Nguyên nhân khiến lợi nhuận lao dốc theo lý giải của các công ty tài chính là do khó khăn chung của thị trường; nhu cầu vay tiêu dùng của khách hàng giảm, công ty tài chính phải chia sẻ khó khăn; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cơ cấu lại số tiền trả nợ, miễn giảm trong giai đoạn khách hàng gặp khó khăn.
Một nguyên nhân khác kéo lợi nhuận đi xuống là do nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống có xu hướng gia tăng. Đến nay, tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính có nguy cơ tăng trên 15%, nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.
Khó khăn đã và đang bao trùm, song với quy mô tài chính tiêu dùng chỉ mới đạt khoảng 10% GDP, thấp hơn nhiều thị trường khác trong khu vực ở châu Á - Thái Bình Dương. Do vậy,. các tổ chức dự báo đánh giá dư địa thị trường vẫn còn lớn và kỳ vọng kinh tế phục hồi sẽ thúc đẩy thu nhập người dân nâng cao, sức mua phục hồi giúp nhóm công ty tài chính tiêu dùng sớm lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2024.