Logistics Việt: Cần kết nối hệ thống dữ liệu chung với khu vực và thế giới

Ngành logistics cần được đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt trong khía cạnh 'số hóa' để có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường, hỗ trợ tối đa thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác.
Logistics Việt: Cần kết nối hệ thống dữ liệu chung với khu vực và thế giới

“Là một trong những ngành then chốt, được ví như “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân, logistics cần được đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt trong khía cạnh “số hóa” để có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường, hỗ trợ tối đa thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác”.

Nhận định được đưa ra tại Hội thảo ‘‘Chuyển đổi số để xây dựng ngành logistics hiện đại, bền vững” do Bộ Công Thương tổ chức chiều 27/4, nhằm định hướng về chuyển đổi số trong phát triển việc tích hợp sâu dịch vụ logistics với các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa trong nước và các ngành dịch vụ khác nhằm phát triển bền vững.

Theo ông Nguyễn Triều Quang, Giám đốc Khối Vận hành miền Bắc - Lazada Logistics Việt Nam, logistisc là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam, với tốc độ bình quân từ 14% - 16%/năm với quy mô 40 - 42 tỷ USD/năm.

Để kiến tạo hệ sinh thái logistics bền vững cho thương mại điện tử, ông Nguyễn Triều Quang cho rằng, DN có thể tập trung đầu tư vào 3 điểm chính, đó là nâng cao trải nghiệm giao nhận hàng hóa từ mọi điểm chạm; ứng dụng công nghệ và chuẩn hóa quy trình để tối ưu hiệu suất vận hành; phát triển logistics xanh bền vững.

Khẳng định Việt Nam là điểm đến mới cho các nhà sản xuất hàng đầu thế giới, song ông Đinh Hoài Nam, Giám đốc phát triển kinh doanh, Công ty SLP Việt Nam cũng chỉ rõ chi phí logistics ở Việt Nam còn cao so với thế giới, chiếm khoảng 16,8% trong năm 2022 trong khi chi phí trung bình trên thế giới khoảng 10%. Đây là cơ hội cho các nhà cung cấp và phát triển dịch vụ logistics lớn của Việt Nam và thế giới.

“Phần lớn hạ tầng (nguồn cung) của các DN logistics Việt Nam là nhà kho và xưởng truyền thống, không đảm bảo yêu cầu của các nhà đầu tư. Dù trong 5 năm trở lại đây, với sự tham gia của các nhà phát triển hạ tầng logistics hàng đầu thế giới, song tỷ lệ kho truyền thống vẫn chiếm trên 50% tổng nguồn cung. Trong khi đó, trong năm 2021 tại thị trường Mỹ, kho hiện đại chiếm đến 65% nguồn cung của thị trường”, ông Đinh Hoài Nam chia sẻ.

Theo khảo sát của Bộ Công Thương và thông tin được xuất bản trong Báo cáo Logistics Việt Nam 2022, hơn 66% DN được khảo sát có chiến lược phát triển logistics xanh, nhưng chỉ có khoảng 31% DN có sử dụng năng lượng tái tạo trong các hoạt động kho bãi. Như vậy, mặc dù ý thức của DN trong phát triển bền vững đang ngày được nhận thức rõ, việc thực hành các hoạt động vì mục tiêu phát triển bền vững vẫn chưa có được hiệu quả lan tỏa rộng lớn.

Chậm chuyển đổi khó tăng năng lực cạnh tranh

Để phát triển ngành logistics hiện đại và bền vững, ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP) cho rằng, các DN logistics cần có sự chung tay, hợp tác đồng hành cùng phát triển, tăng cường liên kết gia tăng tính cạnh tranh của dịch vụ logistics Việt Nam.

“Các DN logistics cần thay đổi tư duy và cách làm cũ bằng sự đồng hành và hợp tác để giảm thiểu các rủi ro. Việc kết nối các DN liên vùng sẽ tạo ra mạng lưới kết nối hoàn chỉnh, đồng bộ và thông suốt. Đặc biệt, nếu xây dựng được hệ thống dữ liệu chung cho hệ thống cảng biển Việt Nam, kết nối với các cảng trong khu vực và trên thế giới sẽ góp phần tăng hiệu suất khai thác, tăng sức cạnh tranh của logistics Việt Nam”, ông Lộc nêu quan điểm.

Tại hội thảo, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, logistics là 1 trong 8 ngành cần được ưu tiên chuyển đổi số trước. Một trong những nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 là “Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số trong dịch vụ logistics”.

Ông Chinh cũng minh chứng, trước áp lực của dịch bệnh Covid-19 cùng với sự bùng nổ của nền kinh tế số và thương mại điện tử, các DN logistics đã phần nào nhận thức được việc đẩy nhanh chuyển đổi số. Đồng thời nhanh chóng ứng dụng những thành tựu công nghệ vào hoạt động kinh doanh, nhằm tăng cường hiệu quả kinh tế, cũng như tối ưu hóa trong các dây chuyền sản xuất, cung ứng sản phẩm.

“Hiện nay, một số DN logistics lớn đã áp dụng thành công giải pháp công nghệ mang lại hiệu quả cho dịch vụ logistics, giảm đáng kể chi phí liên quan. Đây là những kết quả rất đáng khích lệ, tạo động lực để triển khai quyết liệt hơn nữa chuyển đổi số trong ngành”, ông Chinh đánh giá.

Từ hoạt động thực tiễn của các DN cùng những kinh nghiệm được rút ra, nhiều ý kiến cho rằng việc chia sẻ về công nghệ và tự động hóa trong logistics, gắn logistics với thương mại điện tử trong thời đại số sẽ là các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của DN cung cấp dịch vụ logistics thông qua định hướng về chuyển đổi số nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa. Đây cũng là một trong những cơ sở quan trọng để Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo bảng xếp hạng của Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) giai đoạn 2022-2027 của thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5%. Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu trong các nước ASEAN về số lượng DMM kinh doanh dịch vụ logistics được Cơ quan Quản lý hoạt động hàng hải của Mỹ (FMC) cấp phép. Số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, qua đó giúp xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ chiếm tỷ lệ ngày càng cao so với quy mô GDP, tăng từ 72,9% năm 2015 lên 93,3% năm 2021.

Các tin khác