Lời cảnh tỉnh chua xót tình mẫu tử

(ĐTTCO) - Sau 20 ngày điều trị, đứa bé bị vứt bỏ dưới hố ga vào ngày 8-6, đã qua đời ngày 29-6. Sự tồn tại ngắn ngủi của đứa bé, dù không để lại âm thanh nào, vẫn trở thành tiếng thét kinh hoàng báo động sự xuống dốc lương tri con người. 
Bởi lẽ, kẻ có hành động nhẫn tâm chà đạp lên quyền được sống thiêng liêng của đứa bé chính là người mẹ. Thông tin trên đã lan truyền với tốc độ khủng khiếp trong cộng đồng. Người ta đặt ra nhiều câu hỏi day dứt, nhưng chủ yếu vẫn là sự băn khoăn, vì sao một đứa trẻ sơ sinh rơi vào hoàn cảnh bi đát như vậy?
Cha mẹ của bé trai đang ở đâu, họ đã làm gì khi con mình vừa chào đời? Nhiều người cầu nguyện cho sự lành lặn của đứa trẻ. Nhưng từng ngày trôi qua, hồi hộp và nặng nề. Đến đầu giờ chiều 29-6, đứa trẻ bị vứt xuống hố ga đã không qua được định mệnh nghiệt ngã. 
Thế nhưng, điều kinh hoàng hơn lại hé mở. Sau khi đứa trẻ tử vong, đại diện UBND xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây đã làm việc với Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn để bàn giao thủ tục lo hậu sự, hung thủ cũng lộ diện. Đó mới thực là cú đánh choáng váng vào lương tri của xã hội. Người đã vứt bỏ bé trai cũng chính là người đã sinh ra bé trai: bà Phạm Thị Thành, sinh năm 1989, trú tại Hoa Thành, Thạch Kim, Lộc Hà, Hà Tĩnh.
Làm sao dám tin sự thật hãi hùng ấy, làm sao muốn tin sự thật hãi hùng ấy. Khi ra khỏi bụng mẹ, tiếng khóc đầu tiên của bé trai không làm bà Phạm Thị Thành xao xuyến và chột dạ ư? Tiếng khóc của đứa trẻ vừa được chào đồng loại, không đủ đánh thức sự yêu thương vốn có trong tâm hồn một người mẹ ư? Cay đắng và chua chát hơn, Đền Mẫu đã chứng kiến tình mẫu tử bị chôn vùi một cách lạnh lùng và tàn độc.  
Ngày 30-6, công an thị xã Sơn Tây đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Phạm Thị Thành để điều tra về hành vi vứt bỏ đứa trẻ mới hạ sinh. Theo Điều 124 Bộ luật Hình sự, quy định 2 hình phạt cho tội “Vứt con đẻ”. Thứ nhất, người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu, hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi, bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Thứ hai, người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu, hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Như vậy, bà Phạm Thị Thành bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì vứt bỏ con và dẫn đến cái chết của con. Còn khái niệm “người mẹ bị ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu, hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt” nghĩa là gì? Khái niệm “người mẹ ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu”, được hiểu là người do ảnh hưởng của tư tưởng cũ, không phù hợp với quan niệm lối sống hiện tại, chẳng hạn không chấp nhận việc đẻ quá nhiều con gái, không chấp nhận việc không chồng mà chửa. Còn khái niệm “người mẹ có hoàn cảnh khách quan đặc biệt”, được hiểu là trường hợp sau khi sinh con, người mẹ không có khả năng để nuôi con mình, như bị bệnh nặng hoặc loay hoay trong xoay sở ngặt nghèo.
Nếu người mẹ không “bị ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt” mà vứt bỏ con của mình trong 7 ngày tuổi, dẫn đến cái chết của đứa trẻ, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội “Giết người” theo Điều 123 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.
Bà Phạm Thị Thành sẽ đối mặt với bản án ra sao, có lẽ chưa phải là câu chuyện cần thiết phải bàn cãi hay tranh luận. Song thực trạng nhức nhối mỗi người phải tự vấn là vì sao ác quỷ lại ngự trị trong trái tim người mẹ, vì sao ác quỷ còn ngự trị trong con người hiện đại, vì sao ác quỷ vẫn ngự trị trong cuộc sống văn minh? Phải chăng, đạo đức xã hội đang lung lay và đang sụp đổ? Sự lạnh lùng và tàn độc chưa lúc nào chịu lui bước, nếu lương thiện không ngừng được bồi đắp. Thế nhưng, tình mẫu tử vẫn là thứ tình cảm vĩ đại nhất trên dương gian. Đừng nói, hùm dữ không nỡ ăn thịt con, hãy nhìn những động vật xung quanh. Chó mẹ sẽ tấn công ngay kẻ uy hiếp bầy chó con. Gà mẹ cũng sẽ xù lông để bảo vệ đàn gà con. 

Các tin khác