Không chỉ giá cước rẻ, gọi xe nhanh, thuận tiện hơn, taxi công nghệ còn tạo ra áp lực khiến taxi truyền thống buộc phải thay đổi, mất thế độc quyền, phải nâng cao chất lượng phục vụ. Tuy nhiên, nhiều tranh cãi cũng bắt đầu về hiệu quả xã hội cũng như khả năng quản lý loại hình taxi mới này của cơ quan chức năng.
Bắt đầu từ việc các hãng taxi truyền thống phàn nàn taxi công nghệ được hưởng quá nhiều ưu đãi về chính sách quản lý cũng như về tài chính. Cùng là kinh doanh vận tải hành khách, song taxi truyền thống bị quản lý quá chặt chẽ, nhiều quy định, nhiều điều kiện bắt buộc, nhiều vùng cấm, phải nộp thuế nhiều hơn taxi công nghệ. Kết quả sau gần 2 năm thử nghiệm taxi công nghệ, các hãng taxi truyền thống liên tục gặp khó khăn, kinh doanh giảm sút nghiêm trọng, buộc phải cắt giảm hàng loạt nhân sự, đầu xe. Một vài hãng taxi truyền thống đang phải đối mặt nguy cơ phá sản.
Trong khi đó, các cơ quan quản lý nhà nước lại đang lúng túng trong vai trò “trọng tài” cho cuộc cạnh tranh nói trên. Sự lúng túng này có nguyên nhân từ việc chưa xác định rõ loại hình kinh doanh. Từ đó cũng chưa có các quy định cụ thể, phù hợp đối với taxi công nghệ đảm bảo sự công bằng của luật pháp cũng như của môi trường làm ăn lành mạnh.
Vì thế, những tuyên bố gần đây của các quan chức ngành giao thông về việc sẽ siết chặt quản lý taxi công nghệ theo khuynh hướng tương tự như quản lý taxi truyền thống đã gây nhiều tranh luận. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng bất cứ chính sách pháp luật nào, nếu có thay đổi, bổ sung hay điều chỉnh, mục tiêu cuối cùng vẫn phải hướng đến lợi ích của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.
Không thể bỏ qua những lợi ích công nghệ hiện đại mang lại cho người tiêu dùng, cho xã hội của Uber hay Grab khi vào thị trường Việt Nam. Do đó, cũng không thể kéo lùi hiệu quả của công nghệ bằng cách quản lý như cũ, theo truyền thống. Nếu nhìn thấy những bất cập, bất hợp lý, bất bình đẳng trong các quy định quản lý taxi truyền thống, khiến loại hình này từng “đông cứng” nhưng vẫn tồn tại dễ dàng nhờ cơ chế xin-cho, độc quyền, đặc quyền bất chấp lợi ích người dân, việc đầu tiên cần làm là loại bỏ các quy định bất cập đó.
Các quy định cũng cần khuyến khích hoặc thúc đầy taxi truyền thống nâng tầm quản lý, nâng cao chất lượng phục vụ sẵn sàng trong tư thế cạnh tranh với taxi công nghệ, không phải tìm cách để kéo lùi sự phát triển khách quan và tất yếu của công nghệ hay thị trường.
Cần phải thấy rằng sự xuất hiện của taxi công nghệ với năng lực cạnh tranh lành mạnh, coi trọng giá trị phục vụ người tiêu dùng với mức giá hợp lý đã phá vỡ thế độc quyền của taxi truyền thống. Do vậy, quản lý taxi công nghệ như taxi truyền thống không có nghĩa là tạo ra thêm khó khăn cho loại hình mới này. Điều cốt lõi là cần tìm cách giảm bớt gánh nặng cho taxi truyền thống và đừng quên lợi ích của người tiêu dùng.
Vấn đề là phải tạo điều kiện để loại hình kinh doanh truyền thống có môi trường phát triển lành mạnh và bình đẳng hơn. Giúp sức cho loại hình kinh doanh truyền thống có thể sánh vai cùng loại hình kinh doanh công nghệ bước chân vào môi trường kinh doanh 4.0, phù hợp với xu thế hội nhập toàn cầu trong chiến lược phát triển nước ta trở thành quốc gia công nghiệp hiện đại.