Lợi nhuận khủng chưa chắc hấp dẫn

Dù không hoàn thành 100% kế hoạch lợi nhuận đặt ra trong năm, nhưng một số NHTM lớn vẫn có kết quả lợi nhuận năm 2012 khá khả quan. Đây được xem là điểm sáng trong bối cảnh bức tranh lợi nhuận của hệ thống NHTM năm 2012 giảm trầm trọng do hệ quả của nợ xấu và tín dụng tăng trưởng ì ạch.

Dù không hoàn thành 100% kế hoạch lợi nhuận đặt ra trong năm, nhưng một số NHTM lớn vẫn có kết quả lợi nhuận năm 2012 khá khả quan. Đây được xem là điểm sáng trong bối cảnh bức tranh lợi nhuận của hệ thống NHTM năm 2012 giảm trầm trọng do hệ quả của nợ xấu và tín dụng tăng trưởng ì ạch.

Ì ạch 2012 nhưng vẫn lên được dốc

Hiện tại mới một số NHTM lớn công bố lợi nhuận. Cụ thể, Vietcombank đạt 5.706 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất 2012, so với kế hoạch đầu năm ĐHCĐ thông qua là 6.550 tỷ đồng. Đây có thể coi là kết quả khả quan bởi 2012 là năm rất nhiều khó khăn nhưng Vietcombank vẫn đạt lợi nhuận cao hơn năm 2011 (5.697 tỷ đồng).

VietinBank cũng vừa công bố số liệu dự toán tính đến 31-12-2012 lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 8.213 tỷ đồng, so với kế hoạch đã được ĐHCĐ thông qua là 9.000 tỷ đồng và năm 2011 đạt 8.392 tỷ đồng. Như vậy VietinBank vẫn giữ phong độ về lợi nhuận dù chưa hoàn thành 100% kế hoạch.

Theo một chuyên gia NH, 2 NHTM này có kết quả kinh doanh tốt vì có mạng lưới rộng khắp, nên lợi nhuận đạt được không chỉ dựa vào tín dụng mà còn từ mảng dịch vụ, nhất là dịch vụ thẻ.

Lãnh đạo Sacombank mới đây cho biết đã có số liệu kinh doanh năm 2012 song chưa thể tiết lộ do đang trình NHNN. Tuy  nhiên, theo nguồn tin riêng, năm 2012 Sacombank đạt hơn 80% kế hoạch lợi nhuận.

Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank, cho biết sau khi trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, dự kiến lợi nhuận năm 2012 của Eximbank là 2.858 tỷ đồng, đạt 61,5% kế hoạch 4.600 tỷ đồng đặt ra từ đầu năm.

Theo ông Dũng, việc NH không đạt 100% kế hoạch do ảnh hưởng của biến động thị trường nên cổ đông cũng sẽ chấp nhận. Tuy vậy, Eximbank vẫn giữ con số lợi nhuận tuyệt đối khá cao, tỷ lệ chia cổ tức cũng sẽ làm cổ đông hài lòng.

E dè 2013 nhưng vẫn cố

Theo một lãnh đạo NHTM, nhìn vào con số tuyệt đối có thể thấy các NHTM lãi hàng ngàn tỷ đồng. Nhưng nếu phân tích trên các chỉ số kinh tế, lợi nhuận đó trên vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu, vốn huy động và các chỉ số khác, sẽ cho thấy con số lợi nhuận của các NHTM là bình thường, thấp hơn nhiều ngành khác.

Vì vậy, cho rằng NH có lợi nhuận khủng là không chính xác. Cần làm rõ chuyện này để tránh sự hiểu lầm của công luận cho rằng trong khi doanh nghiệp khó khăn nhưng ngành NH lời nhiều quá.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, cho rằng các NHTM sẽ rất khó về lợi nhuận bởi phải trích lập dự phòng rủi ro theo yêu cầu của NHNN.

Đặc biệt năm 2012, các NHTM không chỉ trích lập theo Quyết định 493 về phân loại nợ, mà còn chịu tác động bởi một số quy định mới của NHNN, chưa kể việc đánh giá lại chất lượng tài sản để phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro trong bối cảnh hiện nay là cả một vấn đề.

Nhưng theo ông Vinh, đây là khó khăn chung nên NHTM nào thực hiện đánh giá lại tài sản, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, dù lợi nhuận giảm nhưng sức khỏe sẽ tốt hơn, là cơ hội cho năm 2013 tăng trưởng bền vững.

Eximbank dự kiến lợi nhuận 2012 đạt 2.858 tỷ đồng. Ảnh: C.THĂNG

Eximbank dự kiến lợi nhuận 2012 đạt 2.858 tỷ đồng. Ảnh: C.THĂNG

Năm 2013 khó khăn vẫn còn rất nhiều, nhưng nhiều dự đoán cho rằng lợi nhuận NH sẽ tăng nhẹ nhờ tăng trưởng tín dụng bền vững và mở rộng tín dụng cá nhân.

Năm nay NHNN có một số chủ trương thoáng hơn cho các NHTM, như cho phép thu phí dịch vụ ATM, kinh doanh vàng miếng, không khống chế tín dụng phi sản xuất… Đây sẽ là cơ hội gia tăng doanh thu ở mảng tín dụng tiêu dùng, kinh doanh vàng và dịch vụ thẻ cho các NHTM.

Đặc biệt, năm nay những NHTM lớn sẽ có cơ hội tăng tốc lợi nhuận do nguồn vốn rẻ có thể đẩy tăng trưởng tín dụng trong quý II khi các chính sách kích cầu các thị trường của Chính phủ có hiệu lực trong quý I. Tuy nhiên, nhiều khả năng năm nay các NHTM sẽ cẩn trọng trong việc đặt chỉ tiêu lợi nhuận, có thể sẽ không cao hơn năm trước.

Chưa công bố chính thức lợi nhuận 2012 nhưng ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc NamABank, cho biết dự kiến đạt 50-60% kế hoạch đặt ra, bởi phải trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu cao hơn rất nhiều so với năm 2011. Về kế hoạch lợi nhuận năm 2013, ông Tuấn cho rằng nếu có đặt ra chỉ tiêu có thể cũng chỉ bằng năm 2012.

“Khi hệ thống NH gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ cổ tức thấp hơn lãi suất tiết kiệm, để cổ đông có thể chia sẻ và thông cảm, cần phải giải trình cho cổ đông thấy được NH đã làm được gì trong năm qua, đó mới là tiền đề tin tưởng về tăng trưởng ổn định các năm tới” - ông Tuấn chia sẻ.

Các tin khác