Nguyên nhân sâu xa xuất phát từ thói quen mua bán kiểu mậu biên, dễ dãi từ xưa đến nay…
Thói quen đổ hàng bán mậu biên
Một đại diện doanh nghiệp (DN) xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc có văn phòng đặt tại tỉnh Bằng Tường (Trung Quốc) cho biết nhiệm vụ của anh sang “nằm” ở đây là để mở rộng thị trường, tìm hiểu xu hướng, nhu cầu và kiếm khách hàng mới từ nước này. Thời gian đầu, công ty xuất tiểu ngạch bởi một số mặt hàng tươi đòi hỏi thời gian di chuyển nhanh, xuất qua mậu biên nhanh gọn hơn và giá cả tốt hơn.
Cụ thể, xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, thuế ưu đãi vùng mậu biên của Trung Quốc thường chỉ khoảng 1,5 - 2%, trong khi đi chính ngạch thuế từ 9 - 15%, tùy mặt hàng và tùy địa phương áp dụng.
“Hàng đi chính ngạch, nếu khai giá thấp để đóng thuế nhập khẩu thấp cũng không được vì hải quan Trung Quốc sẽ cho tham vấn giá để đưa về đúng giá thị trường. Với hàng tiểu ngạch, chỉ cần khai giá theo từng xe, giá trị hàng hóa 1 tỉ đồng, thương nhân Trung Quốc có thể khai 200 triệu đồng. Thế nên, một lô hàng qua đường biên mậu khu vực Bằng Tường, chi phí các loại và thuế khoảng 12 - 13 triệu đồng, trong khi bằng đường chính ngạch cộng các chi phí lên đến 60 triệu.
Hai con số chênh lệnh gấp 5 lần là câu trả lời đơn giản nhất cho việc tại sao các hoạt động mua bán nông sản qua đường mậu biên bằng hình thức tiểu ngạch vẫn được chuộng hơn”, vị này thú nhận.
Thế nhưng, dịch bệnh Covid-19 đã khiến nhiều hoạt động thương mại, trong đó có thói quen xuất hàng tiểu ngạch của công ty này buộc phải thay đổi vì chính sách phòng chống dịch, phong tỏa, khử khuẩn, xét nghiệm… từ phía Trung Quốc cũng liên tục thay đổi. Nó khiến hàng đưa sang bán chợ mậu biên nói chung không còn hấp dẫn nữa. Đơn vị này đã chuyển xuất khẩu trái cây 100% bằng đường chính ngạch.
“Xuất khẩu chính ngạch an toàn và được bảo đảm hơn cho dù chi phí có đội lên so với đi hàng tiểu ngạch. Tuy nhiên, xu hướng thị trường phải có những vùng nguyên liệu trái cây đáp ứng các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch. Đi đường biển, đường bộ đều có chính ngạch, thay vì cứ chở lên đổ chợ mậu biên bán. Phải tìm cách chở sâu vào nội địa để tiếp thị hàng, đi bằng chính ngạch, đóng thuế hẳn hoi…”, vị này nói.
Bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cũng cho biết trong đại dịch, doanh số xuất khẩu trái cây của công ty vẫn tăng 30% so với năm ngoái. Riêng thị trường Trung Quốc, công ty vẫn xuất đều theo hình thức chính ngạch, bằng đường biển là chủ yếu. Tuy nhiên, bà thừa nhận có rất ít công ty xuất trái cây chính ngạch sang Trung Quốc do chi phí xuất chính ngạch đội lên quá cao, cước đường biển tăng đột biến.
Quan trọng hơn, DN chưa dám “bước hẳn sang thị trường lớn” mà cứ thấy đổ hàng ở mậu biên vẫn bán được và có lợi nhuận nên không dám mạo hiểm. Bà Vy cũng cho biết doanh thu chính của DN trong năm nay là từ trái cây đông lạnh, đặc biệt là sầu riêng.
“Những sản phẩm này không chỉ đem lại trải nghiệm mới cho khách hàng mà còn có lợi thế hơn do dễ bảo quản so với trái cây tươi”, bà nói và cho biết trong năm 2022, Công ty Chánh Thu có kế hoạch sẽ phát triển sản phẩm theo hướng chế biến sâu, nâng cao giá trị dinh dưỡng và cập nhật thêm nhiều công nghệ chế biến mới.
Không chỉ trái cây, nhiều hàng nông sản Việt chuyển hướng đi đường biển sang Trung Quốc sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trao đổi với Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó chủ HĐQT Công ty CP thực phẩm dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (VinaNutri Food), cho biết dù ảnh hưởng dịch bệnh 2 năm qua, đều đặn mỗi tháng công ty vẫn xuất đi hàng chục container cà phê, mì, quả sấy… theo đường biển sang Trung Quốc.
Trung Quốc giờ đã là thị trường khó tính. DN và người sản xuất phải làm chuẩn ngay từ khâu chọn giống, quy trình canh tác để làm cho ra sản phẩm đạt chất lượng cao, không có dư lượng thì tự tin xuất bán đi đâu cũng được. Ông Trần Ngọc Hiệp |
Theo bà Hằng, nhìn từ câu chuyện hàng hóa, nông sản dồn ứ ở các cửa khẩu Lạng Sơn cho thấy, đối với thị trường Trung Quốc, DN phụ thuộc quá lớn vào xuất khẩu tiểu ngạch. Nhiều công ty Việt Nam quen làm ăn với thương nhân Trung Quốc theo đường tiểu ngạch và chưa thực sự chủ động tìm kiếm, cơ cấu lại đối tác để làm chính ngạch nên mỗi khi phía Trung Quốc có thay đổi hoặc điều chỉnh quy định thì khu vực xuất khẩu tiểu ngạch chịu tác động đầu tiên.
Trong nhiều năm qua, mỗi lần nông sản ùn tắc ở cửa khẩu, khuyến cáo được nhắc đến nhiều nhất là chuyển xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch, nhưng thực tế, DN dường như ít quan tâm và chưa quyết tâm chuyển đổi. Đáng nói là quy định và điều kiện để làm chính ngạch không khó, hàng hóa chỉ cần có giấy chứng nhận xuất xứ (C/O).
Bà Hằng phân tích nông sản nếu đi đường tiểu ngạch phải đưa lên biên giới, DN làm thủ tục để xuất khẩu và không chắc chắn về đối tác nhập hàng. Còn đi theo đường chính ngạch, toàn bộ hồ sơ, giấy tờ hàng hóa, chứng chỉ, chứng nhận… đều được chuyển trước cho đối tác bên Trung Quốc nộp lên cơ quan hải quan.
“Chỉ khi nào bên Trung Quốc xử lý xong hồ sơ giấy tờ nhận hàng thì ở Việt Nam mới cho hàng đóng vào container, chuyển xuống tàu biển. An toàn, chắc chắn là ở chỗ đó”, bà Hằng nói.
Làm đàng hoàng, bán đi đâu cũng được!
Bán hàng theo đường chính ngạch sang Trung Quốc khó không? Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nói “không dễ và cũng không khó” với lý giải không có DN xuất khẩu nào sang Trung Quốc chỉ thuần tiểu ngạch, hoặc chính ngạch mà đa số làm song song theo từng đối tượng khách hàng. Và tiểu ngạch hay chính ngạch do phía người mua quyết định chứ không phải người bán. Nhiều DN Việt Nam nghĩ đơn giản miễn sao bán được hàng và cứ làm theo yêu cầu của DN Trung Quốc cho đến khi “đụng chuyện”.
Ngoài ra, nhiều điểm thu mua trái cây rau quả tại Việt Nam đều có bóng dáng thương nhân Trung Quốc ở phía sau, nên theo ông Nguyên, các DN nhỏ muốn xuất chính ngạch cũng không dễ vì phía thương nhân Trung Quốc quyết định mọi giá cả, thậm chí chọn thuê xe chở hàng...
“Đa số thương nhân Trung Quốc ép giá nhà nông ngay tại vườn vào mùa vụ chứ không phải thương nhân trong nước như ta nói, phổ biến tại Bình Thuận, Long An, Tiền Giang… đều có thương nhân Trung Quốc “rải quân” đều khi vào vụ. Số này gom hàng rồi xuất qua đường mậu biên. Như vậy, muốn “nói không” với tiểu ngạch hoàn toàn không dễ”, ông Nguyên cho biết.
Bổ sung, ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Long Hoàng Hậu, cho hay xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc chủ yếu là DN nhỏ, không có bộ phận chuyên nghiệp về xuất nhập khẩu nên cứ đưa hàng lên biên giới rồi “chạy” lo thủ tục thì rất dễ gặp rủi ro.
Tuy nhiên, ông Hiệp thừa nhận chính vì cửa khẩu đường bộ liên tục gặp trục trặc, ách tắc mỗi khi Trung Quốc thay đổi quy định chính sách, vài năm trở lại đây, công ty ông chủ yếu chuyển hướng xuất khẩu theo đường biển, tuyến đường bộ mỗi tháng chỉ đi được vài xe và hiện tại DN đang có xe hàng tắc ở Lạng Sơn.
Ông nói: “Sắp tới giải tỏa xong số hàng đi đường bộ, chúng tôi sẽ chuyển toàn bộ đi theo đường biển thôi, chứ vài năm lại tắc biên một lần thì gánh thiệt hại lớn nữa mà mình mỏi mệt lắm”.
Cũng theo ông Hiệp, ngoài lựa chọn đa dạng đường xuất hàng thì vấn đề mấu chốt là các DN, người sản xuất phải thay đổi tư duy: Trung Quốc không còn là thị trường lớn dễ tính. Chính tư duy này khiến từ khâu sản xuất không được kiểm soát chặt chẽ nên khi đưa lên cửa khẩu kiểm tra nếu dính dư lượng là hàng bị ách lại ngay.
“Trung Quốc giờ đã là thị trường khó tính. DN và người sản xuất phải làm chuẩn ngay từ khâu chọn giống, quy trình canh tác để làm cho ra sản phẩm đạt chất lượng cao, không có dư lượng thì tự tin xuất bán đi đâu cũng được”, ông Hiệp nói.
Doanh nghiệp phải thay đổi
Tìm hướng ra cho nông sản Việt, ông Nguyên cho rằng chỉ có giải pháp duy nhất là giảm phụ thuộc. Trong 2 năm đại dịch, từ thị trường nông sản chiếm 65 - 70% sản lượng xuất khẩu của Việt Nam, nay chỉ còn 55%, số còn lại được chuyển sang các thị trường khác.
Thực tế, thị trường Trung Quốc ngày càng khó khăn, nông nghiệp Việt Nam càng ngày càng phát triển, xuất sang các thị trường khác bán giá tốt hơn, nên nhiều DN nỗ lực chuyển hướng ngay sau khi Trung Quốc siết kiểm tra tiêu chuẩn hàng trái cây, rau quả vào thị trường này từ giữa năm 2019 đến nay.
“Quan trọng là chính DN phải thay đổi tư duy thương mại. Dấu hiệu cũng vui là tỷ lệ hàng hóa tiểu ngạch sang Trung Quốc giảm, thay vào đó là hàng chính ngạch trong 2 năm qua. Thế nên, xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc vẫn tăng tốt là vậy”, ông Nguyên chia sẻ.
Về lâu dài, bà Vy nói DN nếu có làm tiểu ngạch phải luôn sẵn sàng tâm thế bước sang chính ngạch một cách dễ dàng nhất.
“Nhiều giải pháp đưa ra cho nông sản Việt là làm thế nào để giảm phụ thuộc vào thị trường này. Tuy nhiên, chúng ta không nên tìm giải pháp bớt phụ thuộc mà là giải pháp ứng phó thế nào với xu thế thị trường, chính sách thay đổi thường xuyên của Trung Quốc.
Đó là thay đổi tư duy để giảm rủi ro. Không phải trong đại dịch, sau này hết dịch, nông sản nói chung và trái cây Việt sang Trung Quốc nói riêng vẫn sẽ gặp những khó khăn nếu không thay đổi tư duy làm việc.
Muốn bền vững và buộc khách hàng phải mua chính ngạch, phải bước hẳn sang thị trường đó, tìm hiểu mọi đường đi nước bước của họ, nhu cầu thế nào, mức thuế tại mỗi địa phương ra làm sao, người tiêu dùng thích loại trái cây nào, giá cả ra sao…”, bà Vy nhấn mạnh.
Đại diện Công ty CP xuất nhập khẩu rau quả Tiền Giang khuyên DN muốn xuất hàng chính ngạch sang Trung Quốc cần làm thương hiệu tốt, hình ảnh, xúc tiến vào sâu thị trường nội địa, có mã vùng, mã vạch, xuất xứ đầy đủ thì không gặp khó để vào thị trường lớn này.
“Hình ảnh quảng bá hàng nông sản Việt tại Trung Quốc chưa cạnh tranh lôi cuốn, hấp dẫn bằng hình ảnh của các DN Thái Lan đang triển khai bên ấy. Ngoài ra, hình ảnh DN cũng được xây dựng trên các kênh thương mại điện tử, cần được chăm chút hơn”, đại diện DN chia sẻ.
Phải cạnh tranh bằng chất lượng, giá trị
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (VinaNutri Food), nói: “Phải thẳng thắn đặt vấn đề, rất nhiều nước đang xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc theo đường chính ngạch, họ làm được tại sao Việt Nam thì không. Để xuất khẩu vào Trung Quốc bền vững, chúng ta phải xác định cạnh tranh bằng chất lượng, cạnh tranh bằng giá trị chứ không thể chạy đua bằng số lượng và mãi phụ thuộc vào đường tiểu ngạch nữa. Chỉ có xuất khẩu chính ngạch DN mới mang thuế về cho đất nước, còn nếu không thì một năm không biết bao nhiêu tiền thuế của chúng ta đều bị chảy đi hết”.