Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ bốc hơi; Nguồn cung khan hiểm thúc đẩy giá dầu

(ĐTTCO) - Chỉ số S&P 500 tăng lên mức cao kỷ lục vào thứ Tư (12/06), sau khi thông báo chính sách mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và dữ liệu lạm phát tháng 5 cho thấy lạm phát đang giảm. Các hợp đồng dầu thô tương lai cũng tăng khi nhà đầu tư dự báo nguồn cung khan hiếm vào cuối năm nay.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ bốc hơi; Nguồn cung khan hiểm thúc đẩy giá dầu

S&P 500 lần đầu tiên vượt mốc 5,400 điểm

Kết phiên, chỉ số S&P 500 tiến 0.85% lên 5,421.03 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite thêm 1.53% lên 17,608.44 điểm. Cả S&P 500 và Nasdaq Composite đều đạt mức cao mọi thời đại và đóng cửa ở mức cao kỷ lục vào ngày thứ Tư. Trong khi, chỉ số Dow Jones mất 35.21 điểm, tương đương 0.09%, xuống 38,712.21 điểm.

Fed đã giữ nguyên lãi suất không đổi như dự kiến. Ngân hàng trung ương cũng chỉ ra rằng đã có những tiến triển về vấn đề lạm phát, lưu ý rằng, “trong những tháng gần đây, đã có thêm những tiến triển chút ít hướng đến mức mục tiêu lạm phát 2% của Uỷ ban.”

Tuy nhiên, dự báo mới nhất của Fed, cũng được công bố vào thứ Tư, cho thấy ngân hàng trung ương chỉ thấy có một đợt hạ lãi suất diễn ra trong năm nay. Điều đó giảm so với dự báo 3 đợt hạ lãi suất vào đầu năm 2024.

Thông báo vào thứ Tư xuất hiện sau khi dữ liệu lạm phát mới của Mỹ được công bố, dường như cho thấy xu hướng hạ nhiệt.

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 không thay đổi so với tháng trước, thấp hơn so với dự báo tăng 0.1% từ Dow Jones. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số lạm phát tăng 3.3%, cũng thấp hơn so với dự báo và thể hiện sự chậm lại so với tốc tộ tăng 3.4% trước đó. Số liệu CPI cốt lõi hàng tháng và so cùng kỳ năm trước, đã loại trừ giá năng lượng và thực phẩm biến động, cũng thấp hơn so với dự báo.

Dữ liệu CPI hạ nhiệt hơn so với dự báo đã khiến lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm, với lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức 4.25%, mức thấp nhất kể từ ngày 01/04/2024.

Dầu tiếp tục tăng giá

Khép phiên, hợp đồng dầu WTI nhích 60 xu, tương đương 0.77%, lên 78.50 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent thêm 68 xu, tương đương 0.83%, lên 82.60 USD/thùng.

Bộ Năng lượng Mỹ nhận thấy nhu cầu dầu toàn cầu tăng 1.1 triệu thùng/ngày trong năm nay, cao hơn so với dự báo trước đó là 900,000 thùng/ngày. Nhu cầu gia tăng làm thâm hụt nguồn cung, với sản lượng dầu thế giới được dự báo sẽ tăng 800,000 thùng/ngày trong năm 2024.

Giá dầu đã tăng gần 2% vào đầu phiên, nhưng đã giảm sau khi Mỹ báo cáo dự trữ dầu thô tăng 3.7 triệu thùng trong tuần trước, trái ngược hoàn toàn so với dự báo giảm 1 triệu thùng từ các chuyên gia phân tích.

Dự trữ xăng tăng 2.6 triệu thùng, cao hơn nhiều so với dự báo thêm 891,000 thùng từ các chuyên gia phân tích. Nhu cầu nhiên liệu tăng 94,000 thùng/ngày lên tổng cộng khoảng 9 triệu thùng/ngày. Nhu cầu nhiên liệu trung bình hằng ngày ở mức thấp, thấp hơn 1.5% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù mùa hè dịch chuyển đã bắt đầu.

Dầu tiếp tục giảm sau khi Fed chỉ ra rằng chỉ có một đợt hạ lãi suất trong năm nay, trái ngược với dự báo có 3 đợt hạ lãi suất gần đây vào tháng 3, với lý do tiến triển “khiêm tốn” trong việc hạ nhiệt lạm phát.

Martijn Rats, Chiến lược gia hàng hoá tại Morgan Stanley, cho biết: “Trong ngắn hạn, thị trường dầu có thể sẽ khan hiếm hơn.” Ngân hàng này nhận thấy mức thâm hụt 1.2 triệu thùng/ngày trong quý 3, điều này có thể thúc đẩy giá dầu Brent tăng lên 86 USD/thùng.

Trong khi đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu là 2.2 triệu thùng/ngày do tăng trưởng kinh tế toàn cầu ổn định ở mức 2.8% trong năm nay. Những dự báo này mâu thuẫn với triển vọng tiêu cực từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), vốn cho thấy nhu cầu suy yếu và nguồn cung gia tăng.

Các tin khác