Lôm nhôm cảnh quan ven sông Sài Gòn

(ĐTTCO) - Sông Sài Gòn có vị thế đặc biệt đối với TPHCM, trong một thời gian dài tiềm năng bị bỏ phí chưa được khai thác đúng mức. Nhưng hiện nay việc thi công những khu đô thị kiểu biệt lập với những căn nhà cao tầng, dễ làm cho dòng sông bị bóp nghẹt, cảnh đẹp tự nhiên của dòng sông vì thế mất dần.
Thổn thức với dòng sông
Sông Sài Gòn bắt nguồn từ các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, đoạn chảy qua địa phận TPHCM có chiều dài gần 80km. Do chưa có đường giao thông thông suốt chạy cặp bờ, nên người dân muốn thưởng ngoạn cảnh đẹp ven dòng sông phải đi tàu, ghe, hoặc buýt đường sông mới đưa vào vận hành cuối năm 2017.
 Xu hướng chung của các nước thường là nhà cao tầng nằm ở phía trong và giảm dần độ cao về phía gần bờ sông. Còn TPHCM đang ngược lại, công trình càng về gần bờ sông càng cao lên. Quy hoạch cao tầng của hai bên bờ sông Sài Gòn thể hiện sự thiếu nhất quán và thiếu khoa học. Không có khu đô thị nào trên thế giới lại quy hoạch chiều cao cho trung tâm đô thị chỉ tập trung cao nhất vào khu chạy dọc ven bờ sông.
KTS. NGÔ VIẾT NAM SƠN
Có dịp đi trên tuyến buýt đường sông, du khách sẽ thấy cảnh quan dọc hai bên sông Sài Gòn đầy thú vị, song cũng ngán ngẩm vì tình trạng xây cất các công trình nhà ở vô cùng lôm nhôm.
Đi buýt đường sông từ quận Thủ Đức về quận 1, quan sát thấy hiện nay các khu nhà ven sông Sài Gòn tập trung nhiều ở các quận Thủ Đức, Bình Thạnh và quận 2. Song, nếu trừ đi khu đô thị mới Thủ Thiêm và các khu nhà cao cấp xây dọc sông đoạn từ cầu Thủ Thiêm đến cầu Sài Gòn, hầu như các khu vực khác chưa thể hiện đô thị ven sông rõ rệt, tình trạng xây dựng trồi sụt, lộn xộn.
Một người dân ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức than thở: “Ở địa phương chúng tôi gần như không có không gian công cộng dọc sông Sài Gòn. Muốn ngắm dòng sông vào những ngày cuối tuần, người dân phải mất tiền vào các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê. Còn đối với những khu đô thị cao cấp ven sông, đó là không gian riêng của các đại gia”.
Trong ký ức của ông Dương Văn An, người dân sống lâu đời tại phường An Phú Đông, quận 12 (TPHCM), trước đây sông Sài Gòn rộng mênh mông, tàu thuyền dễ dàng đi lại. Từ chỗ một vùng đất người ở thưa thớt, đến nay nơi đây thu hút rất đông người dân các nơi đến sinh sống. Rồi việc cơi nới, lấn chiếm bờ sông dần dần diễn ra.
Lôm nhôm cảnh quan ven sông Sài Gòn ảnh 1 Người dân quận Thủ Đức muốn ngắm cảnh bờ sông Sài Gòn, phải vào nhà hàng mới thưởng ngoạn được. Ảnh Đức Trung 
Dẫn chúng tôi ra phía bờ sông, chỉ tay vào đống xà cừ đã được đóng dưới nước phía xa, ông An vẻ mặt buồn buồn nói: “Sông Sài Gòn rộng bao nhiêu thì ngày càng hẹp lại. Thời gian qua, một số gia đình đại gia mua đất rồi xây dựng, xe đất, xà bần rầm rộ, xây cọc bê tông lấn thẳng ra sông, còn không thì đóng cừ tràm. Ông này lấn một chút, ông khác lấn một chút, khiến dòng sông không còn thông thoáng nữa”.Dự án lấn ra sông
Các hộ gia đình lấn chiếm bờ sông là vậy, còn trong việc phát triển đô thị, các doanh nghiệp BĐS đã ứng xử với sông Sài Gòn ra sao? 
Trong những năm gần đây, được giao quỹ đất ven sông Sài Gòn phát triển dự án, nhưng vì nhiều lợi ích, trong quá trình xây dựng không ít chủ đầu tư cố tình "xẻ thịt" dòng sông gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Vụ việc tại dự án Thảo Điền Sapphire (145 Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, quận 2), do CTCP TDS làm chủ đầu tư là một thí dụ điển hình. Thảo Điền Sapphire là quần thể gồm hàng chục biệt thự ven sông Sài Gòn, có giá hàng trăm tỷ đồng.
Lôm nhôm cảnh quan ven sông Sài Gòn ảnh 2 Người dân quận Thủ Đức muốn ngắm cảnh bờ sông Sài Gòn, phải vào nhà hàng mới thưởng ngoạn được. Ảnh Đức Trung
Tuy nhiên trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư có một loạt sai phạm như xây tăng diện tích tầng trệt, vi phạm khoảng lùi sông Sài Gòn, rạch Ông Hóa với tổng diện tích vi phạm 1.396,64m2…
Cuối năm 2017, UBND TPHCM ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 1 tỷ đồng đối với CTCP TDS, buộc tháo dỡ phần vi phạm xây dựng của dự án Thảo Điền Sapphire. Thế nhưng chủ đầu tư dự án vẫn cố tìm mọi cách để "chạy tội" cho dự án. Và UBND TP bác bỏ đơn cứu xét, buộc Thảo Điền Saphire phải tháo dỡ nếu không thực hiện sẽ tiến hành cưỡng chế.
Mới đây nhất, theo phản ánh của người dân sống tại khu vực phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, về công trình kè bảo vệ sông Sài Gòn tại Khu dân cư - công viên giải trí Hiệp Bình Chánh (có tên thương mại là Khu đô thị Vạn Phúc), do CTCP đầu tư địa ốc Vạn Phúc làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đang có dấu hiệu lấn sông Sài Gòn (?!). Việc kè bờ bảo vệ sông tại dự án Khu đô thị Vạn Phúc đã diễn ra trong một thời gian dài. Công trình kè trên được chia làm nhiều lớp khác nhau. 
Theo quan sát của ĐTTC, vị trí đoạn đóng cọc xa nhất lấn rộng ra ngoài bờ sông Sài Gòn chừng 30 mét, dài hàng trăm mét. Dự án cũng đang bị hoài nghi đã vi phạm nhiều luật chuyên ngành, như Luật Đê điều nghiêm cấm hoạt động gây cản trở dòng chảy và thoát lũ; Luật Phòng, chống thiên tai nghiêm cấm hoạt động làm tăng rủi ro thiên tai, đặc biệt là việc chặt phá rừng phòng hộ, lấn chiếm bãi sông, lòng sông, tạo vật cản, cản trở dòng chảy; Luật Tài nguyên nước…

Phải tính đến yếu tố bền vững
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, tận dụng không gian bờ sông TPHCM đã quy hoạch phát triển khu đô thị cao tầng bên bờ sông Sài Gòn. Cụ thể, dọc hai bên bờ sông Sài Gòn, đoạn chảy qua trung tâm TPHCM từ bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) đến quận 4, TP đã quy hoạch các khu đô thị là: Khu cảng quận 4 với 450.000m2 được giao cho CTCP Cảng Sài Gòn thực hiện; Khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa (thuộc phường 28, quận Bình Thạnh) được quy hoạch trên diện tích gần 427ha… theo các tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại. Đồ án quy hoạch khu vực này được giao cho Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco thực hiện.
Theo ghi nhận thực tế hiện nay, bờ Tây sông Sài Gòn nhiều dự án đang gấp rút bước vào giai đoạn hoàn thiện, được xem là biểu tượng của TPHCM trong tương lai. Khu đô thị Thủ Thiêm cũng có tốc độ xây dựng chóng mặt, hàng loạt dự án nhà ở và trung tâm thương mại cao tầng của các doanh nghiệp địa ốc trong và ngoài nước đang vươn mình… 
Dù đều nằm trong quy hoạch, nhưng nhiều ý kiến, thậm chí là từ các chuyên gia về kiến trúc vẫn đặt ra câu hỏi TPHCM có nên tiếp tục phát triển các dự án khu đô thị cao tầng bên sông Sài Gòn hay không? Nếu phát triển ồ ạt các dự án, việc quá tải về hạ tầng bên con sông này là khó tránh khỏi.
Kỹ sư Vũ Hải, chuyên gia đô thị học có ý kiến, tình trạng thi công quá nhiều tuyến đê kè dọc bờ sông với độ cao lớn sẽ làm mất đi cảnh quan dọc sông Sài Gòn. Như vậy sẽ che khuất tầm nhìn về sông Sài Gòn, làm giảm giá trị cảnh quan ven sông. Do đó cơ quan chức năng TP nên tính toán lại phương án xây đê kè quá cao.
Nói như đại biểu quốc hội Trương Trọng Nghĩa, ở nhiều nước, bờ sông đơn thuần là không gian công cộng, phục vụ công chúng. Tuy nhiên ở Việt Nam, đặc biệt là ở TPHCM, bờ sông đang được khu biệt cho tư nhân khai thác và sử dụng. Không phải TP nào cũng có con sông đẹp như sông Sài Gòn ở TPHCM, nên người dân TP lo lắng khi nó đang bị lấn chiếm hàng ngày là có cơ sở. Theo ông Nghĩa, cần phải thông tin rõ từ Sở Quy hoạch - Kiến trúc, cấp phép tiếp cho những dự án nào? Kế hoạch quy hoạch hai bờ sông Sài Gòn để phục vụ cho hơn 10 triệu dân TPHCM ra sao? 

Các tin khác