(ĐTTCO) – Gần 4 tháng sau khi trống giong, cờ mở rộn ràng trong ngày khai trương, đến nay, tour du lịch kênh Nhiêu Lộc bằng thuyền chèo tay – sản phẩm được kỳ vọng là sẽ tạo điểm nhấn cho du lịch TP.HCM – vẫn chưa thể khai thác đại trà…
Kỳ vọng vào sự lột xác của một dòng sông…
Tour du lịch trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè là sự lạ lẫm với nhiều người bởi dòng kênh này từng là kênh “chết”, hôi thối, nay “sống” lại sau khi được cải tạo, tạo điều kiện cho phát triển du lịch. Tuyến du lịch đường thuỷ nội đô trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè có lộ trình 4,5 km, bắt đầu từ cầu Thị Nghè (quận 1) đến chùa Chantaransay (quận 3).
Điểm thú vị của tour là du khách không chỉ thưởng ngoạn khung cảnh hai bên bờ, nhiều công trình kiến trúc lịch sử mà còn được nghe đàn ca tài tử, đàn tranh, sáo trúc, có hướng dẫn viên thuyết minh lịch sử TP.HCM bằng tiếng Anh và tiếng Việt.
![]() |
Ông Phan Xuân Anh – Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn (đơn vị khai thác tour) cho biết, ý tưởng mở tuyến du lịch trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè được nhen nhóm từ gần 2 năm trước khi dòng kênh “chết” trong xanh trở lại. Đây là một phần của tour tham quan TP.HCM, giúp du khách có thêm lựa chọn mới thay vì chỉ loanh quanh các điểm nhà thờ Đức Bà, Hội trường Thống Nhất, Bưu điện TP… Loại hình du lịch city tour sẽ phong phú hơn khi du khách xuống thuyền, ngắm TP.HCM từ dưới sông.
Còn nhớ cách đây không lâu, trong ngày khai trương, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng đã kỳ vọng, tuyến du lịch bằng thuyền là sản phẩm mới của thành phố nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân. “Đi thuyền trên kênh sẽ giúp khách tham quan có cái nhìn mới hơn về thành phố. Loại hình du lịch này hy vọng sẽ thu hút nhiều khách trong và ngoài nước giống như nhiều nước châu Âu” – bà Hồng nói.
Theo ông Phan Xuân Anh, có hai loại thuyền phục vụ khách tham quan. Loại cao cấp gồm 10 chiếc thuyền Phụng, sức chứa từ 2 đến 6 người. Nhân viên sẽ chèo theo yêu cầu của khách, trên thuyền có phục vụ nước uống và âm nhạc. Giá vé khoảng 220.000 đồng một người. Loại thuyền Chống bình dân sức chứa từ 7 đến 20 khách, chưa kể một thuyết minh và người chèo. Khách có thể mang thức ăn, đồ uống và được phục vụ âm nhạc theo yêu cầu. Giá vé khoảng 110.000 đồng.
Tuy nhiên đến nay, hiện mỗi ngày đội thuyền 22 chiếc của công ty chỉ phục vụ vài chục du khách vãng lai, chưa có khách đoàn thường xuyên từ các công ty du lịch dù nhiều công ty đã liên hệ để gửi khách. Tổng vốn đầu tư cho sản phẩm mới này đã ngốn khoảng 12 tỉ đồng.
…Và chuyện đau đầu của các nhà quản lý…
Mở ra kinh doanh, chuyện vắng khách đã là chuyện đau đầu, nhưng chuyện khiến đơn vị đầu tư phải lo lắng không kém là khi dòng kênh đã bắt đầu ô nhiễm trở lại. Chính vì thế, sau khoảng hơn 2 tháng đưa vào hoạt động, tuyến du lịch trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đang vấp phải nhiều khó khăn, lượng khách ngày càng giảm, nhiều người chẳng còn mặn mà đến đây du ngoạn để ngắm thành phố do nước trên dòng kênh này đã quá ô nhiễm.
Theo phản ánh của nhiều người dân nơi đây, con kênh này sau một thời gian hồi phục lại vẻ trong xanh, sạch sẽ thì hiện tại nhiều hộ gia đình và nhiều người tới đây chơi, tham quan không có ý thức đã vứt rác bừa bãi xuống kênh. Ngoài ra, nhiều nguồn nước bẩn được xả vào kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè gây ô nhiễm, cứ mỗi lần trời nắng thì con kênh này lại bốc mùi hôi thối, còn trời mưa thì rác nổi lềnh bềnh.
Một người dân thường xuyên ra bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (gần bến thuyền) tập thể dục phàn nàn: “Rác nhiều quá, đọng lại thành từng mảng ngay bến thuyền, bốc mùi ghê lắm. Nếu mỗi ngày dưới dòng kênh đều ngập tràn rác như vậy thì du khách nào còn dám đi du thuyền ngắm cảnh nữa. Ý thức giữ gìn của mỗi người không cải thiện sớm, không sớm thì muộn dịch vụ du lịch trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè sẽ bị dẹp bỏ mất “.
Theo người dân này, mỗi ngày không chỉ khu vực bến thuyền mà tại khu vực chân cầu nơi dòng nước lưu thông chậm cũng là nơi tồn đọng rác nhiều nhất. Hầu như ngày nào cũng vậy, các công nhân của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM đều phải vất vả từ sáng đến chiều để vớt rác.
Ông Phan Học Hải – đội trưởng đội vớt rác cho biết, cả đội hoạt động gần như nguyên ngày, trung bình vớt được khoảng 7 – 13 tấn rác, phần lớn là rác sinh hoạt, túi nilông, xác động vật và cả bàn, ghế, nệm ngủ, mút xốp…
Theo người quản lý bến thuyền của Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn, công ty đang rất lo lắng khi lượng khách ngày càng giảm vì lý do ô nhiễm. Người quản lý bến thuyền trăn trở: “Hình ảnh du lịch trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đẹp thì được, còn xanh và sạch thì khó. Chúng tôi cũng đang kiến nghị với các cơ quan chức năng phối hợp xử lý nạn vứt rác bừa bãi của người dân thiếu ý thức và cũng đã soạn thảo văn bản gửi đến cơ quan công an các phường ở gần dòng kênh để nhờ hỗ trợ”.
Để bảo đảm vệ sinh môi trường và thẩm mỹ cho dòng kênh, công ty TNHH Thuyền Sài Gòn cũng vừa đầu tư khoảng 100 triệu đồng để đặt những tấm thép không gỉ lớn, tạo thành hình những chiếc phễu ở một số khu vực trên kênh Nhiêu Lộc để rác trên kênh đổ vào cho dễ vớt.
“Rác quá nhiều, bên vệ sinh môi trường vớt không xuể nên chúng tôi phải chung tay nếu không sẽ không tổ chức tour được. Hy vọng biện pháp này sẽ phát huy tác dụng và nếu hiệu quả tốt chúng tôi sẽ tiếp tục lắp tấm thép đón rác ở những đoạn khác” – ông Anh nói.
Dự kiến, vào dịp tết Âm lịch 2016, Thuyền Sài Gòn sẽ tổ chức một số hoạt động trên kênh Nhiêu Lộc để quảng bá cho tour này như hợp tác với các quận, huyện tổ chức đua thuyền, biểu diễn văn nghệ. Công ty cũng đang đóng một số thuyền phụ, chở các sản phẩm lưu niệm và một số món ăn dân dã đứng ở một số điểm cố định trên kênh để du khách có thể dừng lại, thư giãn, mua sắm nhằm tạo thêm sự phong phú cho tour.
Theo “Chiến lược phát triển du lịch đường sông TP.HCM giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020”, TP.HCM đặt mục tiêu đẩy tốc độ tăng trưởng bình quân về khách du lịch đường sông mỗi năm khoảng 20%, doanh thu tăng mỗi năm 30% đến 2020, phát triển du lịch đường sông thành sản phẩm du lịch chủ lực của TP.HCM.
Vì vậy, để hiện thực hóa mục tiêu chiến lược phát triển du lịch của TP.HCM nói chung và tour du lịch trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè nói riêng rất cần sự vào cuộc của ngành du lịch, chính quyền địa phương và các cấp lãnh đạo thành phố.