Ban lãnh đạo LTG đã báo cáo ĐHCĐ về kết quả hoạt động kinh doanh năm 2022, định hướng đạt 1 tỷ USD doanh thu vào năm 2024, đạt 1 triệu ha đất canh tác theo mô hình sản xuất Lộc Trời 123 sản xuất quy mô lớn và cơ giới hoá đồng bộ, giảm 1 triệu lít hoá chất rải xuống đồng ruộng.
Bên cạnh đó, ĐHCĐ cũng thông qua với tỷ lệ đồng thuận cao cho các nội dung về ngân sách và lợi nhuận 2023. Theo đó, mục tiêu lợi nhuận sau thuế tối thiểu 400 tỷ đồng và chia cổ tức năm 2022 bằng CP với số lượng CP dự kiến phát hành là hơn 20 triệu CP, nâng vốn điều lệ sau khi hoàn thành chi trả cổ tức bằng CP là hơn 1.000 tỷ đồng.
Đánh giá chung về kết quả kinh doanh năm 2022 so với năm 2021, LTG đã hoàn thành kế hoạch do ĐHCĐ năm 2022 thông qua, ghi nhận doanh thu thuần cao kỷ lục đạt 11.897 tỷ đồng (tăng 14%), quy mô tổng tài sản trên 8.700 tỷ đồng (tăng 11%). Sau khi trừ chi phí, LTG ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 558 tỷ đồng (tăng 6%), lợi nhuận sau thuế đạt 412 tỷ đồng.
Một kết quả đáng ghi nhận của LTG trong năm 2022 vừa qua là dù tín dụng thắt chặt, LTG đã thành công hợp tác với nhiều ngân hàng trong và ngoài nước để ký kết hợp tác tài trợ vốn, ghi nhận khoản vay ngân hàng và thuê tài chính ngắn hạn 3.744 tỷ đồng.
Chia sẻ với cổ đông, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc LTG, cho biết bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái nông nghiệp, LTG sẽ tiếp đầu tư phát triển, nâng cao năng lực tổ chức sản xuất nông sản quy mô lớn, ứng dụng tri thức nông nghiệp vào quản lý mùa vụ, cung ứng vật tư nông nghiệp theo các giải pháp cân bằng hoá học tiến đến giảm hoá chất trong nông nghiệp.
"Đặc biệt, LTG sẽ tiếp tục triển khai cơ giới hoá và drone trong tất cả các khâu canh tác nhằm tăng hiệu quả và tiết giảm chi phí và đảm bảo lợi ích kinh tế lâu dài cho nông dân; tạo ra các sản phẩm lúa, gạo đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế", ông Thuận cho biết.
Về kế hoạch kinh doanh 2023, HĐQT của LTG đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế tối thiểu 400 tỷ đồng, chia cổ tức năm 2022 ở mức 25% và 30% năm 2023 là 30%.