Lữ hành “co” theo giá xăng

Chưa kịp hết “sốc” với việc giá xăng tăng đến 10% vào đầu tháng 3 khiến các dịch vụ thi nhau tăng giá, ngày 20-4, xăng tiếp tục tăng thêm 900 đồng/lít khiến ngành du lịch đứng trước nguy cơ tiếp tục đối mặt thêm một đợt tăng giá mới, cũng như áp lực xây dựng phương án mới để giữ khách với mức giá hợp lý.

Chưa kịp hết “sốc” với việc giá xăng tăng đến 10% vào đầu tháng 3 khiến các dịch vụ thi nhau tăng giá, ngày 20-4, xăng tiếp tục tăng thêm 900 đồng/lít khiến ngành du lịch đứng trước nguy cơ tiếp tục đối mặt thêm một đợt tăng giá mới, cũng như áp lực xây dựng phương án mới để giữ khách với mức giá hợp lý.

“Nghẹt thở”

Theo thông tin từ các công ty lữ hành, sau khi giá xăng tăng vào ngày 7-3, các công ty dịch vụ lần lượt gửi thông báo về việc tăng giá, trong đó, giá cước vận tải tăng ở mức “khủng” nhất. Giá thuê xe du lịch 16 chỗ từ Hà Nội đi Hạ Long - Quảng Ninh trước đây cao nhất là 5,5 triệu đồng đã tăng lên đến 7,5 triệu đồng, xe 45 chỗ đi từ TPHCM đến Phan Thiết trong 2 ngày từ 6 triệu đồng đã tăng lên 8,5 triệu đồng.

Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ, chia sẻ: “Thời gian này, hầu như mỗi ngày các DN lữ hành đều nhận được bảng báo giá mới từ các nhà cung ứng dịch vụ, như Hội An báo giá vé tham quan tăng thêm 5.000 đồng nên mức giá áp dụng lên đến 45.000 đồng/vé, giá vé tham quan tại Huế tăng thêm 15.000 đồng/vé.

Các khách sạn cũng gửi thông báo tăng giá phòng đối với các hợp đồng mới, nhà hàng, dịch vụ ăn uống báo tăng 10%, ở những địa điểm thu hút nhiều khách tham quan như Nha Trang, Đà Lạt, Hạ Long, giá phòng tăng 15% so với trước”.

Nhiều công ty lữ hành cho biết sự tăng giá đồng loạt của các dịch vụ phục vụ du lịch đang đẩy nhiều DN vào thế khó. Các DN lớn đủ tiềm lực ứng phó với rủi ro đã ký hợp đồng với các nhà cung cấp dịch vụ trước nên giá tour đưa ra phù hợp với mặt bằng chung và vẫn có lời.

Nhưng các DN có quy mô vừa phải có thể huề vốn, thậm chí chịu lỗ vì họ đưa ra giá tour trước nhưng phải chờ gần thời điểm vào mùa mới đàm phán hợp đồng với các dịch vụ để tránh việc đặt phòng, đặt vé nhưng không đủ khách. Do vậy, khi dịch vụ tăng giá, các DN này không thể thương lượng tăng giá với khách.

Tình hình càng bi đát khi ngày 20-4, xăng A92 tiếp tục tăng lên 900 đồng/lít khiến các công ty lữ hành tiếp tục đối mặt với một đợt tăng giá dịch vụ mới trong dịp du lịch hè sắp tới. Hiện tại vì đang vào mùa du lịch dịp lễ nên các nhà cung cấp dịch vụ vẫn chưa có động thái nào nhưng dự báo vài ngày tới thị trường sẽ có sự thay đổi. Trong khi đó, mới đây, Vietnam Airlines đã thông báo từ tháng 4 đến hết tháng 12-2012 sẽ giảm 40% đối với giá vé máy bay từ TPHCM đến Phú Quốc, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội… cho 18 công ty du lịch trong nước.

Tuy nhiên, đi cùng sự hỗ trợ này, Vietnam Airlines yêu cầu các công ty du lịch phải giảm giá các tour đưa ra sau khi đã trừ giá vé máy bay xuống 10-18%. Với điều kiện này, không mấy DN lữ hành mặn mà vì trong tình trạng giá tăng toàn diện, để giảm giá DN phải tính toán kỹ lại các chi phí mới có thể quyết định được.

Chưa hết, ngành hàng không còn thông báo cuối tháng 4 này sẽ có chương trình điều chỉnh tăng giá vé máy bay, như vậy ngành du lịch đã khó càng thêm khó.

“Giãy giụa”

Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng truyền thông Công ty Du lịch Vietravel, đến nay, tour 30-4 đã được bán gần hết, chỉ còn một ít tour chưa được lấp đầy. Dù các dịch vụ có tăng giá nhưng giá tour đã được công bố từ rất sớm, DN cũng đã ký hợp đồng trước với các nhà cung cấp dịch vụ nên sẽ không có sự thay đổi về giá, chương trình tour và chất lượng vẫn được đảm bảo.

Song ông Mẫn nhận xét xu hướng cao nhất trong việc chọn tour du lịch của khách hiện nay vẫn là các tour được giảm giá để tiết kiệm chi phí.

Giá xăng tăng đã tác động mạnh đến ngành du lịch.

Giá xăng tăng đã tác động mạnh đến ngành du lịch.

Trong các tour 30-4, Vietravel đã giảm giá sâu, một số tour đi miền Bắc, miền Trung, Phú Quốc giảm đến 1 triệu đồng. Đến nay, Vietravel đã hoàn thành kế hoạch đón khoảng 25.000 lượt khách trong dịp lễ 30-4, tăng trưởng 20% so với cùng kỳ.

Con số trên đạt được nhờ lực hút của các tour giảm giá. Tuy nhiên, để đáp ứng được xu hướng thích đi du lịch tiết kiệm, không có nhiều công ty du lịch có thể làm được. Vietravel có được thuận lợi là có đội xe vận chuyển đáp ứng được nhu cầu tự thân của DN, kiểm soát được phần chi phí vận chuyển.

Nhưng giá dịch vụ tăng có tác động không nhỏ đến DN. Thời điểm hiện tại, DN vẫn chưa đưa ra chính sách điều chỉnh tăng giá trong giai đoạn này mà còn phải nghiên cứu để đưa ra mức giá hài hòa nhất để không ảnh hưởng đến nhu cầu du khách trong giai đoạn tới.

Trong bối cảnh này, các DN cần phải dựa vào đặc thù, thế mạnh riêng để tìm hướng liên kết nhằm giải quyết vấn đề giá. Hiện Vietravel đang có một hệ thống đối tác lớn, dự kiến công ty sẽ bàn bạc với các đối tác này để tìm phương án hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau nhằm đưa ra mức giá phù hợp nhất để du khách cảm thấy dù trong thời điểm rất khó khăn, các DN lữ hành lẫn dịch vụ vẫn cố gắng thiết kế những tour có mức giá hợp lý và đảm bảo chất lượng.

Trước những khó khăn đang vây bủa, ngành du lịch phải đối mặt với bài toán chi phí và cả bài toán cạnh tranh với các công ty du lịch nước ngoài. Thực tế vài năm trở lại đây, các tour du lịch nước ngoài, nhất là các tour đến những nước trong khu vực Đông Nam Á, luôn có mức giá rẻ hơn tour du lịch trong nước.

Nếu không cạnh tranh được về giá lẫn các dịch vụ, ngành du lịch Việt Nam có thể vừa mất khách trong nước, vừa mất khách quốc tế, điều này đồng nghĩa với việc chúng ta không thu được ngoại tệ mà còn để ngoại tệ chảy sang các nước khác.

Để kéo giảm hệ lụy này, một số công ty du lịch đang nỗ lực đưa ra những ý tưởng sáng tạo mới như Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist triển khai nhiều chùm tour tiết kiệm đầu tuần khởi hành vào ngày thứ ba trong tuần và kết thúc vào ngày thứ sáu giúp du khách giảm được từ 11-21% chi phí. Song song đó, thời gian qua Saigontourist đã xây dựng hình thức du lịch “free and easy”.

Với hình thức này, công ty không lên chương trình tour, không có hướng dẫn viên mà chỉ hỗ trợ du khách đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn lẫn các dịch vụ vui chơi, ăn uống khác để tiết giảm chi phí cho khách hàng. Loại hình du lịch này hiện đang khá hấp dẫn du khách khi có đến 25% tổng lượng khách hàng đặt tour tại Saigontourist lựa chọn để có được một chuyến du lịch nghỉ ngơi thật tiết kiệm.

Tuy nhiên, về lâu dài, ngành du lịch cần nhà cung cấp dịch vụ, cơ quan quản lý quan tâm hỗ trợ, xây dựng phương án phát triển để có thể hoạt động bền vững.

Các tin khác