Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi): Minh bạch, an toàn và thị trường hơn

(ĐTTCO)-Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7 quy định cổ đông nắm 1% vốn trở lên tại các tổ chức tín dụng phải công khai thông tin để đảm bảo minh bạch.

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ hạn chế tình trạng sở hữu chéo. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ hạn chế tình trạng sở hữu chéo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội thông qua. So với dự thảo công bố trước đó, nhiều vấn đề được chỉnh lý và bổ sung quan trọng liên quan đến vấn đề can thiệp sớm của Ngân hàng nhà nước với các ngân hàng thương mại yếu kém, ngân hàng tham gia bán bảo hiểm, xử lý nợ xấu, sở hữu chéo…

Các chuyên gia đánh giá luật này sẽ giúp các tổ chức tín dụng hoạt động một cách thị trường hơn, công khai, minh bạch và chủ động hơn trong việc huy động và sử dụng vốn, từ đó giúp thị trường hoạt động thông thoáng hơn.

Luật chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, ngoại trừ một số điều khoản sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025.

Hạn chế tình trạng sở hữu chéo

Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã bổ sung quy định về việc cổ đông nắm 1% vốn trở lên tại các tổ chức tín dụng phải công khai thông tin để đảm bảo minh bạch.

Cụ thể, cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng phải thực hiện cung cấp thông tin, tổ chức tín dụng phải công bố công khai thông tin của các cổ đông này để bảo đảm minh bạch.

Trước đó, theo quy định hiện hành, dù nắm giữ vốn tại doanh nghiệp hay ngân hàng, cổ đông sẽ chỉ phải công bố thông tin về các giao dịch, sở hữu, người liên quan khi nắm từ 5% vốn doanh nghiệp, ngân hàng trở lên (cổ đông lớn).

Cũng tại Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi), tỷ lệ sở hữu cổ phần với cổ đông cá nhân được đề nghị giữ nguyên như hiện hành, tức 5%; giới hạn cho cổ đông là tổ chức (gồm cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) giảm từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%.

Đối với nhà đầu tư nước ngoài sẽ không áp dụng các quy định như trên mà sẽ theo phê duyệt của Chính phủ.

Để tránh xáo trộn, tác động tiêu cực tới hệ thống ngân hàng, Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) lần này đưa ra điều khoản chuyển tiếp.

Cụ thể, từ 1/1/2025, cổ đông và người có liên quan vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của luật này, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Như vậy, theo quy định mới, những tổ chức đang sở hữu hơn 10% cổ phần tại ngân hàng Việt Nam sẽ không phải giảm tỷ lệ sở hữu. Song các tổ chức này cũng sẽ không thể tăng thêm cổ phần cho đến khi tỷ lệ sở hữu xuống dưới 10%.

Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ quan điểm cần giảm tỷ lệ sở hữu cổ đông là tổ chức tại ngân hàng.

"Việc này sẽ giúp đa dạng cơ cấu cổ đông, tăng tính đại chúng và hạn chế chi phối, thâu tóm ngân hàng," Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu.

Đánh giá về vấn đề này, các chuyên gia của Công ty chứng khan MBS đánh giá những quy định này sẽ hạn chế tình trạng sở hữu chéo và giúp nhận biết các rủi ro lớn từ các doanh nghiệp sân sau như trường hợp của Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Theo thống kê của MBS, hiện tại có 7 ngân hàng niêm yết có cổ đông là tổ chức sở hữu trên 10% vốn điều lệ (đã loại trừ các tổ chức tín dụng có cổ đông chiến lược là nhà đầu tư nước ngoài).

Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế-Tài chính, Học viện Tài chính nhận định, khi Luật có hiệu lực thi hành sẽ góp phần giúp hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, ổn định hơn. Điểm đổi mới được quan tâm nhất với Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là các quy định về giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, giảm giới hạn cấp tín dụng, tăng yêu cầu về cung cấp thông tin đối với cổ đông.

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) giúp tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức tín dụng, góp phần hạn chế rủi ro cho hệ thống tài chính. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Về cơ bản, các điểm mới này có mục tiêu chính là hạn chế tình trạng sở hữu chéo, cũng như chi phối thao túng ngân hàng, từ đó giúp hệ thống các tổ chức tín dụng trở nên công khai, minh bạch và an toàn hơn,” Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ nhấn mạnh.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng việc giảm tỷ lệ sở hữu sẽ làm giảm sức ảnh hưởng của các cổ đông chiến lược trong quản trị nội bộ của tổ chức tín dụng, các cổ đông chiến lược sẽ cần phải tìm phương án để có thể thông qua các vấn đề thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông khi tiến hành biểu quyết.

Can thiệp sớm các ngân hàng yếu kém

Một trong những điểm mới của Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) là bổ sung biện pháp hạn chế đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được can thiệp sớm.

Luật Các Tổ chức tín dụng quy định đối với tổ chức tín dụng có lỗ lũy kế lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và các quỹ dự trữ thì cho phép áp dụng biện pháp hỗ trợ về cơ chế (trích lập dự phòng rủi ro theo năng lực tài chính, thoái lãi dự thu theo lộ trình) và bổ sung 2 biện pháp áp dụng cho quỹ tín dụng nhân dân do nếu chỉ áp dụng biện pháp tự thân từ tổ chức tín dụng mà không có biện pháp hỗ trợ khác thì phương án khắc phục tổ chức tín dụng khó khả thi, không đem lại hiệu quả phục hồi tổ chức tín dụng.

Với các biện pháp can thiệp sớm, cho vay đặc biệt, bà Phạm Thị Hồng Yến, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay quy định tại luật được xây dựng trên cơ sở tính tự chịu trách nhiệm của các tổ chức, như tổ chức tín dụng phải xây dựng phương án khắc phục trong trường hợp ở diện bị can thiệp sớm… để rủi ro mỗi ngân hàng không ảnh hưởng tới an toàn hệ thống.

Luật cũng quy định các tổ chức tín dụng không được bán chéo sản phẩm bảo hiểm. Về vấn đề này Tiến sỹ Nguyễn Hữu Huân cho rằng vấn đề các nhân viên ngân hàng cố tình tư vấn sai lệch, ép khách hàng mua bảo hiểm vẫn chưa có chế tài xử phạt cụ thể. Ở đây luật chỉ mang tính định hướng, cần phải quy định trách nhiệm cụ thể hơn thì mới có thể đi vào đời sống và thực tế.

Tuy nhiên ông Huân cũng nhận định Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) giúp tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức tín dụng, góp phần hạn chế rủi ro cho hệ thống tài chính nhưng để luật có thể thực sự tác động đến tăng trưởng kinh tế thì phải cần một thời gian dài khi luật đi vào thực thi.

Ngoài ra, một điểm quan trọng không thể không nhắc tới là việc Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua giúp lấp được khoảng trống pháp lý, khắc phục được việc Nghị quyết 42 đã hết hiệu lực từ ngày 31/12/2023 gây ảnh hưởng lớn tới việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại.

Đánh giá chung về Luật Các Tổ chức tín dụng này, theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, luật này sẽ giúp các tổ chức tín dụng hoạt động một cách thị trường hơn, công khai minh bạch và chủ động hơn trong việc huy động và sử dụng vốn, từ đó giúp thị trường hoạt động thông thoáng hơn.

Dù vậy, ông Thịnh nhấn mạnh cần phải có nhiều hơn các nghị định, các thông tư hướng dẫn cụ thể, các chính sách, chế tài khác để có thể đưa hoạt động của các tổ chức tín dụng vào khuôn khổ.

Các tin khác