Tránh gây sốc
Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh tôi nghĩ nên theo thông lệ quốc tế là đề cập đến cả CK ngắn hạn. Bởi các giấy tờ có giá như tín phiếu, các NĐT trên thị trường cũng đầu tư vào các giấy tờ như vậy. Nếu chúng ta đưa vấn đề này vào dự thảo, có nghĩa đề cập đến quỹ đầu tư, công ty CK phù hợp hơn, giúp phạm vi của luật sẽ hoàn thiện hơn.
Thời gian tôi làm Chủ tịch UBCKNN cũng đã từng bị vướng vấn đề liên quan đến quỹ đầu tư, khi họ đầu tư vào các công cụ tiền tệ nhưng lại không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật CK.
Thứ hai, chúng ta cần có những nới lỏng về điều kiện để doanh nghiệp thua lỗ, không có đủ điều kiện vẫn chào bán CP ra công chúng, nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn. Đây là vấn đề rất quan trọng, được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Dự thảo Luật CK lần này là thế hệ luật thứ 3, cần có một số đột phá, nới lỏng về điều kiện, đồng thời tăng cường minh bạch, công bố thông tin để doanh nghiệp tiếp cận được vốn.
Đúng là thực tế vừa qua, có những doanh nghiệp chào bán CP ra công chúng sử dụng vốn huy động không đúng mục đích, song đó không phải là phổ biến. Do đó, không thể vì những hiện tượng cá biệt mà siết, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp trung thực, quyền tiếp cận vốn của họ.
Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, trung bình muốn chào bán riêng lẻ, nhưng sẽ rất khó do phạm vi quy định chào bán riêng lẻ quá hẹp. Chào bán riêng lẻ được chia ra 3 nhóm NĐT, bao gồm các NĐT chuyên nghiệp như công ty CK, ngân hàng, quỹ đầu tư; NĐT CK đủ tiêu chuẩn tự chịu trách nhiệm, có hiểu biết, là những người có giấy phép hành nghề; và doanh nghiệp có vốn 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, quy định mức vốn 1.000 tỷ đồng tại Việt Nam quá cao, với nhiều quy định phức tạp khiến ít doanh nghiệp tiếp cận được vốn. Tại Singapore, luật cũng chỉ yêu cầu doanh nghiệp có vốn khoảng 6 triệu USD, tương đương 130 tỷ đồng. Khi hạn chế riêng lẻ và đại chúng, không cẩn thận sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp huy động vốn.
Dự thảo quy định điều kiện chào bán CP lần đầu ra công chúng của công ty cổ phần tối thiểu 20% VĐL của tổ chức phát hành phải được bán cho ít nhất 100 NĐT không phải là cổ đông sở hữu từ 1% trở lên VĐL của tổ chức phát hành… Nếu đưa vào trong điều kiện chào bán sẽ gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp. Dự thảo cũng quy định sau khi phát hành xong, không đảm bảo được tỷ lệ trên sẽ bị hủy đợt chào bán. Điều này có thể khiến nhiều tổ chức chào bán bị hủy, gây tốn kém cho doanh nghiệp.
Về CTĐC dự thảo cũng quy định tỷ lệ 20% như trên sẽ khiến các doanh nghiệp không thể lên niêm yết được. Quy định chào bán riêng lẻ, quy định tỷ lệ 20% và về CTĐC cần hết sức tính toán, cân nhắc, vì những quy định này sẽ liên kết lại, ngăn chặn việc tiếp cận vốn.
Giảm sự phụ thuộc vốn ngân hàng
Theo dự thảo, doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu phải có vốn 300 tỷ đồng, quá lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam. Tại sao chúng ta không quy định mức vốn thống nhất với CP, hoặc quy định VĐL ở mức 100 tỷ đồng để doanh nghiệp được mở rộng cơ hội tiếp cận vốn?
Hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ cần tiếp cận vốn, trong khi điều kiện về vốn không phải là quan trọng, mà quan trọng nhất là doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, báo cáo tài chính minh bạch. TTCK phát triển khá lâu nhưng vốn cho nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào ngân hàng. Vốn hóa TTCK so với GDP lớn, nhưng thước đo về cung ứng vốn dài hạn cho nền kinh tế vẫn còn rất khiêm tốn. Vấn đề đặt ra là làm sao nâng được vị thế của lĩnh vực CK hơn.
Trong chào bán riêng lẻ, dự thảo quy định NĐT phải nắm giữ 1 hay 3 năm. Tuy nhiên, ban soạn thảo cân nhắc trong mối quan hệ với Luật Doanh nghiệp. Nên chăng quy định việc giao dịch có thể thực hiện trong phạm vi hẹp, như cho phép giao dịch trong các NĐT CK chuyên nghiệp.
Ngoài ra, ban soạn thảo cũng nên lưu ý hiện tượng chào bán riêng lẻ với giá CK rất rẻ cho một số NĐT, sau đó nhanh chóng bán ra thị trường với giá cao. Đây là hình thức giao dịch của các bên liên quan, ảnh hưởng đến cổ đông.
Về CTĐC, trước kia khi làm Chủ tịch UBCKNN, tôi rất trăn trở vì quá rộng, không quản lý nổi. Vụ Giám sát CTĐC chỉ vài chục người rất khó để quản lý hàng ngàn CTĐC. Tại sao không nâng điều kiện CTĐC? Các chuyên gia nước ngoài cũng khuyến nghị không nên quy định mở, quá rộng với CTĐC.
Tôi cũng cho rằng cần tiếp cận ở mức độ hẹp hơn để quản lý được tốt hơn. Chẳng hạn, những công ty chào bán CP ra công chúng phải là CTĐC. Nhóm thứ hai là CTĐC không đăng ký giao dịch, niêm yết, điều kiện cổ đông để là CTĐC phải lớn hơn, thí dụ phải có 500 cổ đông.
Thực tế, các cơ quan quản lý phải dựa vào niêm yết mới quản lý được doanh nghiệp, còn những CTĐC không niêm yết trên sàn dù có quản lý cũng không để làm gì, chỉ nên quản lý những ông lớn để tăng khả năng giám sát. Nhóm ba là công ty đăng ký đại chúng để lên niêm yết có số lượng cổ đông ít hơn và VĐL khoảng 30 tỷ đồng. Nhóm này nên đưa vào diện quản lý của Sở Giao dịch CK. Cách này sẽ giúp tiếp cận cách quản lý trong phạm vi có thể làm được, giám sát tốt hơn.
Nếu những quy định trong dự thảo về chào bán chứng khoán được ban hành có thể sẽ tạo cú sốc. Khái niệm chào bán riêng lẻ như dự thảo quy định ở phạm vi rất hẹp so với thông lệ quốc tế. Việc thắt chặt như vậy khiến doanh nghiệp không có cửa huy động vốn. |