“Luật của rác” Hiệu lực đã có nhưng sao chấp hành?

(ĐTTCO) - Từ 1-1-2022, Luật Bảo vệ môi trường 2020 bắt đầu có hiệu lực (người dân hay nói vui là Luật của rác). Trước mắt tập trung thực hiện một số điều khoản quan trọng ở các TP lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ. 
Cứ vô tư đổ rác ra vỉa hè kiểu này thì luật có cũng như không.
Cứ vô tư đổ rác ra vỉa hè kiểu này thì luật có cũng như không.
Trong đó có quy định phân loại rác tại nguồn (PLRTN) ở hộ gia đình, công ty, văn phòng, cơ sở sản xuất. Kèm theo đó là những chế tài như công ty dịch vụ công ích có quyền từ chối thu gom rác, nếu nơi giao rác như hộ gia đình không phân loại theo quy định.
Theo Khoản 1 Điều 75 luật này, rác thải của hộ gia đình, cơ quan phải được phân ra 3 loại, gồm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.
Hiệu lực của luật đã có, nhưng cho đến lúc này Hà Nội và TPHCM vẫn xử lý rác thải bằng phương thức chôn lấp. Cho dù có sử dụng các hóa chất phun khử khuẩn, bạt phủ khử mùi, vải chống thấm lót đáy, nhưng đây vẫn là phương thức xưa cũ cách nay vài trăm năm. Hà Nội nổi tiếng với bãi rác Nam Sơn, còn TPHCM là bãi chôn lấp rác Đa Phước. Cả 2 bãi rác đã quá tải khiến người dân ở gần các bãi rác khốn khổ.
Vài năm gần đây, 2 TP đều mong muốn đầu tư nhà máy xử lý rác hiện đại theo kiểu đốt lò kín thu nhiệt chạy động cơ điện, với công suất lớn có thể xử lý 15.000-20.000 tấn rác/ngày. Nhưng những nhà máy này hoạt động hiệu quả hay không tùy thuộc vào mức độ phân loại rác đầu vào. 
Thực tế, tại TPHCM việc PLRTN không phải mới mẻ. Từ năm 1995 các tổ chức phi chính phủ (NGO) khi đến TPHCM đã có những hoạt động truyền bá và thử nghiệm mô hình nhỏ ở các quận 6 và 8. TP cũng đã bắt đầu khởi động chương trình từ năm 2006 thông qua các hội đoàn phụ nữ, thanh niên. Các hoạt động như phát tờ rơi, treo băng rôn, tặng túi đựng rác, làm bản cam kết được thực hiện khá rầm rộ, thậm chí một số nơi đã được thực hiện với quy mô khá lớn.
Chẳng hạn, tại quận Tân Phú, một trong những địa phương triển khai PLRTN từ năm 2012, với mô hình "khu phố xanh" tại phường Tân Thành. UBND phường phối hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP (Citenco) triển khai PLRTN với hơn 2.500 hộ dân tham gia. Nhưng kết quả thu được chưa được như mong đợi, số hộ dân tích cực hưởng ứng chưa nhiều nên chỉ duy trì được vài tháng là xẹp xuống. 
Việc PLRTN là khâu đầu tiên và quan trọng nhất trong quy trình xử lý rác thải của một TP lớn, đóng vai trò quyết định có ra đời được hay không nhà máy xử lý rác hiện đại. Quy trình ấy bao gồm: thu gom rác tại nguồn (hộ gia đình, công ty, nhà máy sản xuất); vận chuyển (gom từ các đầu mối, chuyển bằng xe thô sơ, xe có động cơ tới nhà máy); xử lý (ra thành phẩm).
Nếu rác đầu vào không phân loại, hoặc phân loại nhưng quá trình vận chuyển bị xáo trộn vào nhau, rốt cục nhà máy có hiện đại mấy cũng không thể vận hành được, bởi rác lẫn với kim loại, gạch đá sẽ làm cho máy bị hỏng. Còn muốn chạy được phải thuê nhân công phân loại rác tại nhà máy bằng phương pháp thủ công, khi đó nhà máy không chạy hết công suất, giá thành xử lý rác trên 1 tấn sẽ rất cao và cuối cùng lại phải chôn lấp. 
Đúng là có một số khó khăn để thực hiện quy định PLRTN trên địa bàn TPHCM. Cái khó đầu tiên là nơi tập kết rác sau khi đã được phân loại tại hộ gia đình. Ở các nước, cấu trúc đô thị thường theo từng ô phố, giữa các ô phố có những khoảng trống là công viên, vườn dạo, thảm cỏ, là những khoảng ngắt có thể để những thứ phục vụ công ích trong đó có thùng rác công cộng. Trong khi ở TPHCM đa phần theo dãy phố dài mút mắt không có khoảng ngắt, nếu có là những con đường hẻm thông ra đường trục.
Hiện nay tất cả các thứ phục vụ công đều nằm trên vỉa hè như trạm hạ thế, cột đèn đường, cột đèn giao thông, cột nước phòng cháy… Vỉa hè của TPHCM lại khá hẹp 2-2,5m, ít có vỉa hè rộng trên 3,5-4m. Chính vì thế, việc đặt cùng lúc, cùng một chỗ 3 thùng rác với 3 màu xanh, vàng, cam bằng nhựa loại 240 lít trên vỉa hè rất khó, không nhà dân nào cho đặt trước cửa nhà mình, nhất là các nhà mặt tiền đều mở cửa hàng buôn bán.
Như vậy, các công ty vệ sinh không có chỗ đặt 3 loại thùng rác dành cho 3 loại rác sau khi phân ra là rác hữu cơ, rác tái chế và rác khác. Vì thế, các công ty công ích quận để cho các hộ gia đình sau 9 giờ tối mang rác ra để ngổn ngang ở đầu hẻm, dưới lòng đường, xe rác đi lượm từng bịch mang đi.
Cách tổ chức lấy rác này vô hình trung làm rác bị trộn vào nhau. Ngay cả trong trường hợp hộ gia đình đã phân rác ra 3 túi khác nhau, khi bỏ ra ra lòng đường cũng không có dấu hiệu nhận biết loại nào vào loại nào. Chưa kể những người lượm ve chai xé tung các bọc nilon ra để tìm thứ mình lấy được, khiến rác lại bị trộn lẫn vào nhau thành đống bùi nhùi. 
Để hiện thực hóa quy định PLRTN của Luật Bảo vệ môi trường 2020, TPHCM cần có những quy định chi tiết và các hoạt động cụ thể. Chẳng hạn, mỗi gia đình phải có các túi rác với 3 màu tương ứng với 3 màu của thùng rác xanh, vàng, cam. Các công ty công ích phải thu rác theo giờ, đúng giờ đó dân mang rác ra là có xe đón. Xe rác cũng phải có 3 ngăn đủ lớn chứa 3 loại hoặc 3 xe cùng lúc. Nếu không hẹn được giờ lấy rác buộc phải có bô rác với các loại thùng chứa có dung tích lớn với 3 màu sắc dễ nhận biết.
Một gợi ý tham khảo là có thể làm hầm âm ở những khu dân cư có điều kiện. Còn ở các chung cư phải cải tiến lại hệ thống thu gom rác theo kiểu ống, mỗi tầng có 1 cửa xả rác vào 1 ống thông từ tầng cao nhất xuống hầm rác, bà con cứ tuôn xuống tất tần tật mọi thứ vào đó miễn ra khỏi căn hộ là xong. Ở các chung cư có hàng ngàn hộ dân nhưng không sao thực hiện PLRTN được là do cách thiết kế ống rác theo kiểu này. 
Mỗi ngày TPHCM thải ra 12.000 tấn rác, Hà Nội 7.000 tấn. Cung cách thu gom rác thủ công, rồi chôn lấp tạo thành các núi rác khổng lồ như hiện nay là quá lạc hậu và rất mất vệ sinh, làm ảnh hưởng đến đời sống dân cư xung quanh. Do vậy, việc xây dựng các nhà máy xử lý rác hiện đại và PLRTN là điều phải làm, không thể chần chừ được nữa, dù khó mấy cũng phải làm. 

Các tin khác