Luật Đấu thầu luôn áp đặt nhà thầu

(ĐTTCO) - Những dự án đầu tư công, như các dự án cao tốc do Bộ GTVT chủ trì, mở thầu và mời chào suốt mấy tháng trời vẫn chẳng nhà thầu nào quan tâm, buộc bộ này phải chỉ định thầu. 
Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 là một điển hình cho việc tranh cãi giữa nhà thầu và chủ đầu tư.
Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 là một điển hình cho việc tranh cãi giữa nhà thầu và chủ đầu tư.
Nguyên nhân do cơ chế chính sách đối với nhà thầu trong các dự án đầu tư công chưa hấp dẫn, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà thầu. Bất cập này liên quan đến Luật Đấu thầu, mà nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc phải sửa đổi, hoàn thiện cho phù hợp.
Không thống nhất giữa hai bên mời thầu và đấu thầu
Một câu chuyện về những bất cập trong mời thầu được dư luận quan tâm, đó là những tranh cãi xung quanh tiêu chí mời thầu gói thầu “thiết kế, mua sắm, xây dựng, lắp đặt, chạy thử và nghiệm thu (EPC) của Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4” thuộc Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PVPower), xảy ra vào năm ngoái (2021).
Khi đó, PVPower cho rằng hồ sơ mời thầu gói thầu EPC của dự án đảm bảo cạnh tranh, minh bạch và công bằng, trong khi Công ty Siemens Energy (nhà thầu ngoại) khẳng định PVPower đưa ra quy định không phù hợp, hạn chế nhà thầu tham gia. Thực ra vụ việc này còn có nguyên nhân xuất phát từ vị thế độc quyền của nhà cung cấp thiết bị chính (OEM) là General Electric (GE).
Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Chi nhánh PVPower và Ban Quản lý dự án điện đã mở thầu quốc tế gói thầu trên với giá gần 24.148 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi chủ đầu tư phát hành hồ sơ mời thầu, một số nhà thầu đã có kiến nghị làm rõ nghi ngờ về khuất tất của hồ sơ mời thầu này.
Tại bản kiến nghị vừa gửi lên Chính phủ và Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), Công ty Siemens Energy nêu rõ: “PVPower đã đưa ra rào cản không cho phép tuabin 60Hz của tuabin khí 9000HL của công ty chúng tôi tham gia gói thầu Nhơn Trạch 3 và 4. Do đó, chỉ 1 hoặc 2 nhà sản xuất khác có thể tham gia đấu thầu. Khả năng cạnh tranh của dự án sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, kéo theo chi phí sử dụng điện của người dân sẽ cao hơn”.
Sau khi có ý kiến của nhà thầu về gói thầu trên, đại diện PV Power đã có văn bản trả lời các cơ quan hữu quan, rằng hồ sơ mời thầu hợp lệ vì đảm bảo tính công khai, cạnh tranh, minh bạch và tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Đấu thầu và các Nghị định. PV Power khẳng định tiêu chí mời thầu gói thầu EPC Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 là hợp lệ vì đảm bảo tính công khai, cạnh tranh, minh bạch, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật. 

Quy định áp đặt sẽ nảy sinh độc quyền
Thực ra Điều 73 và 78 Luật Đấu thầu năm 2013 quy định về trách nhiệm của bên A (người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu, tổ chuyên gia, tổ chức thẩm định) trong việc xây dựng và phê duyệt hồ sơ mời thầu để lựa chọn nhà thầu theo kiểu “cha sinh con”, khép kín trong chuỗi nội bộ. Bắt đầu từ người có thẩm quyền (là người quyết định phê duyệt dự án hoặc người quyết định mua sắm theo quy định pháp luật - theo giải thích tại Khoản 34 Điều 4) và có trách nhiệm tại Điều 73: Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; tổ chức kiểm tra, giám sát, theo dõi công tác đấu thầu; điều chỉnh nhiệm vụ và thẩm quyền của chủ đầu tư; xử lý hủy thầu, đình chỉ cuộc thầu… Như vậy, quy định này gần như điều chỉnh toàn bộ hoạt động đấu thầu của chủ đầu tư.
Ở cấp độ thấp hơn (Điều 74) là chủ đầu tư (tổ chức sở hữu vốn hoặc tổ chức được giao thay mặt chủ sở hữu vốn, tổ chức vay vốn trực tiếp quản lý quá trình thực hiện dự án - theo Khoản 4 Điều 4), có trách nhiệm: Phê duyệt các nội dung trong quá trình lựa chọn nhà thầu; ký kết hoặc ủy quyền ký kết và quản lý việc thực hiện hợp đồng với nhà thầu; quyết định thành lập bên mời thầu với nhân sự đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật Đấu thầu. 
Như vậy, bên mời thầu (tức cơ quan, tổ chức có chuyên môn và năng lực để thực hiện các hoạt động đấu thầu - theo Khoản 3 Điều 4) là đơn vị “con” của chủ đầu tư “sinh ra”, có trách nhiệm theo quy định tại Điều 75: Đối với lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu thuộc dự án phải chuẩn bị lựa chọn nhà thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu, đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; quyết định thành lập tổ chuyên gia; chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ đầu tư về quá trình lựa chọn nhà thầu…
Trong khi đó, tổ chuyên gia có trách nhiệm (quy định theo Điều 76): Đánh giá và báo cáo bên mời thầu hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất theo đúng yêu cầu. Tương tự, trách nhiệm của Tổ chức thẩm định được quy định tại Điều 78 (mặc dù được quy định hoạt động độc lập, tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu và quy định khác của pháp luật có liên quan khi tiến hành thẩm định… khi tổ chức thẩm định phải có trách nhiệm giải trình việc thực hiện các nhiệm vụ “theo yêu cầu của người có thẩm quyền, chủ đầu tư đối với dự án, bên mời thầu đối với mua sắm thường xuyên, mua sắm tập trung, cơ quan tranh tra, kiểm tra, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu”…
Với các quy định không có phản biện như trên, tất yếu làm phát sinh sự độc quyền, duy ý chí của bên A trong quá trình thiết lập và xây dựng hồ sơ mời thầu. Điều đó cũng có nghĩa những bất lợi luôn thuộc về nhà thầu, nhà đầu tư.
Thí dụ, Điều 77 quy định nhà thầu, nhà đầu tư có quyền được “yêu cầu bên mời thầu làm rõ hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trong quá trình tham dự thầu”; được quyền kiến nghị, khiếu nại, tố cáo và khởi kiện ra tòa khi thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị ảnh hưởng (Điều 91). Nhưng trên thực tế, rất nhiều nhà thầu nội khó phát huy quyền năng này, vì nếu họ làm “ra ngô, ra khoai”đồng nghĩa với tự “triệt tiêu đường làm ăn” của mình.  
 Khi cơ chế đấu thầu chưa rõ ràng, lắm nhiêu khê, sẽ khiến doanh nghiệp không mặn mà với các dự án hạ tầng giao thông có vốn đầu tư của Nhà nước.

Các tin khác