Luật Đầu tư: Nhiều điều khoản cần sửa

Ngày 26-9, tại TPHCM, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, nhà đầu tư để sửa đổi và hoàn thiện Luật Đầu tư và đã nhận được nhiều đóng góp xung quanh vấn đề này.

Ngày 26-9, tại TPHCM, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, nhà đầu tư để sửa đổi và hoàn thiện Luật Đầu tư và đã nhận được nhiều đóng góp xung quanh vấn đề này.

Nhập nhằng quy định

Theo Vụ Pháp chế, Bộ KH-ĐT, hơn 6 năm sau khi có hiệu lực thi hành, Luật Đầu tư 2005 đã cho thấy nhiều điểm bất cập. Vì vậy, Luật Đầu tư 2005 sẽ được hoàn thiện theo hướng sửa đổi nhóm các quy định chung của luật làm cơ sở cho việc áp dụng thống nhất điều kiện, thủ tục đầu tư, kinh doanh, khắc phục tình trạng xung đột giữa Luật Đầu tư, Luật DN và các luật có liên quan. Theo định hướng, các quy định về thủ tục đầu tư sẽ được sửa đổi theo hướng tách riêng thủ tục đầu tư và thủ tục đăng ký kinh doanh.

Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu tại Công ty Sagel. Ảnh: CAO THĂNG

Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu tại Công ty Sagel. Ảnh: CAO THĂNG

Đồng thời, vấn đề quản lý nhà nước cũng là một nội dung lớn dự kiến sẽ sửa đổi để bổ sung cơ chế giám sát, đảm bảo hoạt động cấp giấy chứng nhận đầu tư minh bạch, tránh rườm rà. Theo Luật sư Trần Thanh Tùng, Công ty Luật Phước & Partners, sửa đổi Luật Đầu tư phải bắt đầu từ sửa đổi thủ tục đầu tư.

Hiện nay, quy định về thủ tục đầu tư trong Luật Đầu tư còn thể hiện nhiều bất cập, vì vậy cần bãi bỏ các quy định liên quan đến thủ tục đăng ký, thẩm tra đầu tư vì có sự trùng lặp rất lớn với các thủ tục đất đai nên các địa phương lúng túng không biết thực hiện thủ tục nào trước, thủ tục nào sau. Hơn nữa, giá trị pháp lý của giấy chứng nhận đầu tư hiện vẫn chưa rõ ràng, không giúp giảm bớt mà còn tạo ra thêm thủ tục.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Trưởng Ban Pháp chế của VCCI, cho rằng việc xác định như thế nào là nhà đầu tư nước ngoài cũng còn nhập nhằng, ảnh hưởng lớn đến việc sử dụng công cụ đầu tư và xác định những hạn chế sẽ phải chịu khi sử dụng công cụ đó. Cụ thể, Điều 3 của Luật Đầu tư 2005 quy định: “Nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức, cá nhân nước ngoài bỏ vốn để thực hiện đầu tư tại Việt Nam”. Như vậy, DN có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập ở Việt Nam không nằm trong diện này.

Tuy nhiên, Quyết định 55/2009/QĐ-TTg ban hành ngày 15-4-2009 - xác định tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam - lại quy định nhà đầu tư nước ngoài bao gồm các DN có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập tại Việt Nam với tỷ lệ vốn của bên nước ngoài cao hơn 49%.

Sự không thống nhất này khiến một nhà đầu tư sử dụng một công ty con được thành lập tại Việt Nam để đầu tư tiếp vào một lĩnh vực bị hạn chế đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cam kết của WTO, sẽ không xác định được công ty con này có phải chịu các hạn chế đó hay không.

Trong khi đó, Khoản 4 Điều 29 của Luật Đầu tư lại quy định “nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện đầu tư như nhà đầu tư trong nước trong trường hợp các nhà đầu tư Việt Nam sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên”, có vẻ phù hợp với định hướng của Quyết định 55 nhưng lại chưa hoàn toàn thể hiện đúng như vậy.

Ưu đãi chưa rõ ràng

Về các vấn đề ưu đãi, một đại diện của Công ty Luật TNHH Baker & McKenzie nhận xét, theo quy định của pháp luật, nhà đầu tư có dự án đầu tư thuộc lĩnh vực và địa bàn ưu đãi, bao gồm các dự án đầu tư mới và đầu tư mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường có thể được hưởng các ưu đãi về thuế, chuyển lỗ, khấu hao tài sản cố định và ưu đãi về sử dụng đất.

Điều 38 của Luật Đầu tư cũng quy định, đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan nhà nước quản lý đầu tư phải ghi ưu đãi này vào giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế, các quy định này chưa đáp ứng được tính minh bạch, chưa làm rõ thủ tục để nhà đầu tư được hưởng các ưu đãi này. Thông thường, các ưu đãi về chuyển lỗ hay về khấu hao tài sản không được ghi trong giấy chứng nhận đầu tư.

Do đó, rất nhiều nhà đầu tư thắc mắc không biết có  được hưởng ưu đãi trên, có cần xin thêm chấp thuận từ Bộ Tài chính hay Sở Tài chính để được hưởng ưu đãi không. Kể cả với ưu đãi được ghi trên giấy chứng nhận đầu tư, DN cũng không được tự động hưởng mà lại phải thông qua một quá trình thủ tục xin phép, thẩm tra, phê chuẩn của các bộ, ngành liên quan như cơ quan thuế, hải quan…

Do đó, thay vì DN được hưởng nhiều ưu đãi nhưng thực tế lại khó có thể được. Nếu có, DN cũng phải mất nhiều thời gian và chi phí để thực hiện nhiều thủ tục với nhiều cơ quan khác nhau.

Ngoài các vấn đề trên, VCCI cũng đưa ra hàng loạt kiến nghị sửa đổi nhiều quy định khác trong Luật Đầu tư như yêu cầu đối với nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam, thủ tục tạm ngừng, dãn tiến độ thực hiện, chuyển nhượng, chấm dứt dự án đầu tư, quyền phân phối, quyền thuê và sử dụng lao động…

Theo VCCI, Luật Đầu tư 2005 cần phải sửa đổi theo hướng viết lại toàn bộ nội dung một cách hệ thống chứ không thể dừng lại ở việc sửa đổi các điều khoản riêng lẻ.

Các tin khác