(ĐTTCO) - Trong tháng 7 này, dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) sẽ được Bộ Kế hoạch - Đầu tư trình Chính phủ. Đã có nhiều hội thảo về dự thảo này được tổ chức, nhưng theo nhiều chuyên gia đây là dự luật rất khó xây dựng. Lý do việc hỗ trợ sẽ ra sao, hỗ trợ như thế nào để không tạo cơ chế xin - cho, hỗ trợ đối tượng nào trong bối cảnh nguồn lực có hạn... không dễ quy định. ĐTTC đã trao đổi với chuyên gia kinh tế CẤN VĂN LỰC (ảnh) xung quanh vấn đề này.
Nên theo thông lệ quốc tế
PHÓNG VIÊN: - Ông nghĩ sao về "phiên bản" mới nhất của dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV?
![]() |
-Ông CẤN VĂN LỰC: - Dự thảo mới nhất có một số điểm tiến bộ song cũng có những điểm hạn chế so với dự thảo trước. Thí dụ, tiêu chí DNNVV của dự thảo chưa theo thông lệ quốc tế khi quy định dựa vào nguồn vốn. Bởi thực tế có những DN vốn ít nhưng doanh thu rất lớn, nếu áp tiêu chí nguồn vốn vào sẽ khó cho cả DN, các bộ, ngành và tổ chức tín dụng (TCTD). Chúng ta đã vấp phải vướng mắc lớn này khi thực hiện Nghị định 56/2009 về tiêu chí DNNVV khi dựa quá nhiều vào nguồn vốn. Trong bối cảnh hội nhập, tiêu chí này nên theo thông lệ quốc tế là về phân nhóm theo doanh thu và nếu theo tiêu chí doanh thu nên áp mức tối đa 300-400 tỷ đồng.
- Hỗ trợ DNNVV là cần thiết, nhưng điều quan trọng hơn là phải cải cách thủ tục hành chính (TTHC) để giảm chi phí không chính thức DN phải bỏ ra, thưa ông?
- Chúng ta nói rất nhiều đến việc hỗ trợ DNNVV thông qua cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh, đúng theo tinh thần Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020. Dự thảo luật lần này đã đặt ra yêu cầu với các ngành ngân hàng (NH), tài chính, tài nguyên-môi trường hỗ trợ về vốn, thuế, đất đai cho DN… Điều này là cần thiết nhưng chỉ là phần rất nhỏ nếu so với chi phí không chính thức DN phải chịu. Một khảo sát của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), cho biết 62-70% DNNVV trả lời họ phải bỏ ra 10% doanh thu cho chi phí không chính thức. Nếu chúng ta giảm được khoản chi phí này có lẽ cũng không cần phải hỗ trợ DN nhiều vì 10% doanh thu rất lớn. Vì vậy, cần thiết phải có một điều khoản trong luật để giảm được chi phí không chính thức cho DN, đặc biệt với DNNVV.
Vẫn còn nhiều rắm rối
- Theo ông, đâu là những điểm dự luật còn phải lưu ý?
- Thứ nhất là trách nhiệm của DNNVV. Dự thảo nêu nhiều trách nhiệm nhưng lại bỏ sót trách nhiệm rất quan trọng trong kinh tế thị trường là cơ chế có vay có trả. Nghĩa là DN nếu được hỗ trợ nhưng không làm đúng quy định của việc hỗ trợ phải hoàn trả lại những gì đã được hỗ trợ, ưu đãi. Theo tôi cần bổ sung nghĩa vụ này của DN trong dự thảo. Thứ hai, dự thảo có quy định "Tuần lễ hỗ trợ DNNVV”.
Chúng ta đang có rất nhiều chương trình hỗ trợ, nhiều quỹ hỗ trợ nhưng lâu nay kết quả hoạt động đến đâu vẫn do các bộ, ngành tự đánh giá. Tôi cho rằng đối với việc hỗ trợ DNNVV, cần thuê một cơ quan tư vấn độc lập đánh giá hiệu quả hỗ trợ. Như vậy mới khách quan, độc lập, rõ ràng, tránh được hiện tượng "vừa đá bóng vừa thổi còi". |
Tôi thấy rất băn khoăn điểm này, bởi nếu mỗi năm chúng ta "đẻ" ra 1 tuần lễ sẽ rất lãng phí về thời gian, tiền bạc, công sức và không biết để làm gì. Tôi nghĩ nên ở dạng sự kiện đối với DNNVV tổ chức trong 1 ngày sẽ thiết thực hơn. Thứ ba, về tiếp cận tín dụng dự thảo đã loại bỏ quy định bắt buộc NHTM phải dành 30% dư nợ tín dụng để cho DNNVV vay. Việc bỏ là đúng. Trong trường hợp luật muốn đưa tỷ lệ 30% tổng dư nợ cho vay DNNVV vào, nên ở dạng khuyến khích (giống như đối với cho vay nông nghiệp), không thể bắt buộc vì 2 lý do chính: NHTM cũng là DN và việc tăng cường cho vay DNNVV phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh, khẩu vị rủi ro của mỗi NH và tình hình kinh tế, tình hình DN tại mỗi thời kỳ. Nếu luật bắt buộc tỷ lệ 30% đó và NH nào đó không thể đạt được liệu có bị quy kết là phạm luật? Tôi xin nói thêm, liên quan đến Bộ Tài chính, hiện nay bộ này đang quản lý NH Phát triển Việt Nam và NH này đã hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên vai trò của NH này trong hỗ trợ DNNVV khá mờ nhạt. Theo quan điểm của tôi, NHNN và Bộ Tài chính cần phối hợp tốt hơn nữa để có thể hỗ trợ DNNVV nhiều hơn thông qua kênh này.
Thứ tư, liên quan đến Hội đồng phát triển DNNVV. Trong quy định của dự thảo đưa thành phần của hội đồng là các cơ quan bộ, ngành, địa phương lên đến tỷ lệ 50%. Nếu như vậy dễ xảy ra tình trạng quan liêu. Hội đồng này cần có sự tham gia của nhiều DN tiêu biểu, chuyên gia uy tín mới sát thực tiễn, mới hiệu quả. Theo tôi phải nâng cao vai trò của Hội đồng phát triển DNNVV và thường trực hội đồng, vì đó mới là chỗ để tổng hợp, thẩm định hiệu quả, không phải là các bộ, ngành như hiện nay. Tất nhiên, khi đó, trách nhiệm sẽ tăng lên.
- Nhiều DN cho biết rất khó tiếp cận Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV. Theo ông lý do của thực tế này là gì?
- Những bất cập ở đây không chỉ là lỗi của quỹ này mà ở cả các bên. Thứ nhất, năng lực, trình độ quỹ này đang có vấn đề. Thứ hai, sự phối hợp giữa quỹ với NHTM trong việc thẩm định cần phải xem xét lại. Bởi việc thẩm định được tiến hành đến 2 lần: quỹ làm một lần, NH một lần. Nếu phối hợp tốt chỉ cần thẩm định một lần là đủ. Thứ ba, quy định quỹ này không được lỗ đang khiến quỹ không dám thực hiện nhiệm vụ bảo lãnh tín dụng cho DN. Ở đây cần thay đổi tư duy là kinh doanh phải chấp nhận rủi ro ở mức hợp lý. Thí dụ NH phải chấp nhận một tỷ lệ nợ xấu nhất định, quỹ này cũng nên được chấp nhận rủi ro ở mức hợp lý. Đây là những nguyên nhân cơ bản khiến hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV không thực sự hiệu quả thời gian qua.
- Xin cảm ơn ông.