Luật hóa bán thuốc online, cả nước trở thành dược sĩ?

(ĐTTCO)- Lần đầu tiên giao dịch bán thuốc trực tuyến được đưa vào dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Việc này đang mang đến nhiều kỳ vọng về việc quản lý thị trường thuốc online hiện nay.

Luật hóa bán thuốc online, cả nước trở thành dược sĩ?

Cõi mạng tràn lan thuốc

Thử tìm kiếm cụm từ “thuốc giảm cân” trên mạng xã hội (MXH) facebook hay tiktok, sẽ ra rất nhiều kết quả thuốc, từ trong đến ngoài nước, giá cả cũng rất đa dạng. Trong những loại thuốc được quảng cáo, thuốc giảm cân Baschi Thái Lan được rất nhiều người bán trên cả 2 nền tảng này.

Theo đó, những người bán đều khẳng định dùng thuốc này chắc chắn giảm cân, không cần ăn kiêng, không cần tập luyện… và đặc biệt là ai cũng nói mình bán hàng chính hãng. Chưa biết thực hư tác dụng ra sao, song nếu tìm thêm trên Goolge về loại thuốc giảm cân này, sẽ ra câu chuyện một phụ nữ ở Quảng Ninh sau khi uống 2 lọ giảm cân Baschi hồng Thái Lan, đã phải nhập viện cấp cứu.

Một mặt hàng thuốc khác cũng được bán tràn lan trên mạng, đó là thuốc phụ khoa. Đánh vào tâm lý ngại đi thăm khám của nhiều chị em phụ nữ, rất nhiều sản phẩm đã được giới thiệu với công dụng thần kỳ. Đáng chú ý, hiện nay có một số sản phẩm viên đặt của Nhật Bản và Thái Lan, được người bán giới thiệu là thuốc đặc trị, chỉ bán duy nhất ở nhà thuốc Thái Lan… được người bán xách tay về.

Hiện kinh doanh dược trực tuyến chưa được pháp luật công nhận. Việc bán thuốc bằng hình thức livestream là vi phạm pháp luật, phải xử lý nghiêm.

Ông Nguyễn Hải Nam, Phó Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM

Hàng xách tay nhưng muốn bao nhiêu cũng có, người bán thì nhiều không đếm hết trên các nền tảng MXH và những trang thương mại điện tử (TMĐT) nổi tiếng như Shopee. Giá cả cũng nhảy múa theo từng người bán, không có bất cứ mức giá cố định nào. Thậm chí, người bán mặt hàng này cũng trở thành “dược sĩ” tư vấn bệnh cho người mua.

Nói thêm về các sản phẩm xách tay nhất là từ Nhật Bản, những người bán thuốc online trên mạng còn cung cấp rất nhiều loại thuốc, như thuốc cảm, thuốc điều trị tuyến giáp với khẳng định thuốc của bệnh viện tại Nhật Bản kê đơn… Một loại bệnh cũng được người bán hàng online cung cấp rất nhiều loại thuốc điều trị, đó là các bệnh về xương khớp.

Trong một clip quảng báo về viên uống xương khớp Chondroitin trên mạng xã hội tiktok, người bán cho biết những người có vấn đề xương khớp, cột sống… chỉ cần uống 1 hộp là khỏe không cần đến hộp thứ hai. Ngay dưới phần bình luận đã có nhiều người phải thắc mắc nếu thực sự như vậy, bệnh viện, hiệu thuốc đóng cửa hết. Thậm chí, có người là dược sĩ bao năm nhưng cũng không biết đến loại thuốc uống 1 tháng là khỏe bệnh xương khớp. Song không ít người tin vào quảng cáo, tư vấn trên các trang mạng, đã tự mua các loại thuốc không rõ nguồn gốc để điều trị bệnh, gây hại sức khỏe.

Theo tìm hiểu của phóng viên, phần lớn người mua thuốc online có chung tâm lý thuận tiện, ngại phải đến gặp bác sĩ hoặc có bệnh muốn “vái tứ phương” và rất tin vào tác dụng thần kỳ của các loại thuốc ngoại xách tay, hay các loại thuốc nam, thuốc đông y không rõ nguồn gốc.

Luật Dược năm 2016 quy định, thuốc là loại hàng hóa đặc biệt, chỉ được bán lẻ dưới 4 hình thức: nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc của trạm y tế xã/phường và cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Song thực tế thuốc đang được bán tràn lan trên MXH.

Luật có siết được thị trường?

Một trong những điều đáng chú ý của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, là đưa giao dịch bán thuốc trực tuyến vào luật. Ông Lê Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược, chia sẻ do Việt Nam chưa có quy định về bán thuốc online, nhưng thực tế đã xảy ra, nhất là trong giai đoạn Covid-19. Hiện nay, TMĐT là xu thế tất yếu, vì thế kinh doanh thuốc online cần được kiểm soát. Kinh nghiệm của nhiều nước là các thuốc OTC (không cần đơn) được bán online.

Theo ông Dũng, dự thảo quy định các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, được phép kinh doanh dược theo phương thức TMĐT thông qua website, ứng dụng bán hàng cài đặt trên thiết bị điện tử của cơ sở; sàn giao dịch điện tử được cấp phép của ngành công thương (không được thực hiện trên các nền tảng MXH, livestream trực tuyến).

Cụ thể, cơ sở sản xuất, xuất nhập khẩu, bán buôn thuốc được bán thuốc theo phương thức TMĐT đối với các thuốc thuộc phạm vi kinh doanh; cơ sở bán lẻ được bán thuốc thuộc danh mục của Bộ Y tế quy định được phép bán theo phương thức TMĐT và phù hợp với phạm vi kinh doanh.

Được đăng thông tin về sản phẩm không phải xin xác nhận từ cơ quan quản lý, bao gồm bao bì thương phẩm của thuốc, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc theo đúng nội dung thông tin về tờ hướng dẫn sử dụng thuốc, nhãn thuốc đã được phê duyệt.

Theo quy định tại dự thảo, các cơ sở kinh doanh được cấp giấy chứng nhận không được thực hiện kinh doanh dược trên nền tảng MXH, cũng như livestream trực tuyến. Quy định này liệu có quét sạch hình thức bán thuốc online trên MXH? Với những cá nhân không thuộc cơ sở được cấp phép nào, ai quản lý họ? Nếu họ vẫn tiếp tục bán, chế tài xử phạt ra sao?

Bởi thực tế có cá nhân kinh doanh như một tiệm tạp hóa trên các MXH, cung cấp đủ các mặt hàng bao gồm cả thuốc. Và người bán có muôn vàn cách lách luật, trong khi không gian mạng quá rộng lớn, gây khó khăn rất nhiều cho các cơ quan quản lý của nhiều mặt hàng, không riêng sản phẩm thuốc. Nhưng vì thuốc là mặt hàng có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người, nên quy định cần chi tiết, cụ thể hơn.

Đó là chưa nói đến câu chuyện quản lý thuốc giả, nhái, kém chất lượng như thế nào trên không gian mạng, kể cả khi cấm bán trên MXH. Hiện nay, trên các sàn TMĐT, website, hàng giả, hàng nhái bày bán tràn lan và thuốc cũng không ngoại lệ, mặc cho những quy định được đưa ra bởi các chủ sàn và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý.

Ngay Hiệp hội Dược học Việt Nam cũng khuyến nghị việc cho phép bán thuốc qua TMĐT cần được kiểm soát rất chặt chẽ, để đảm bảo mục tiêu đặt ra là người dân mua được thuốc dễ dàng và phải an toàn; bảo đảm có đơn của bác sĩ và được tư vấn dược đầy đủ, đúng người, đúng bệnh, theo dõi được các phản ứng có hại của thuốc… Bên cạnh đó, cần có biện pháp chống vấn nạn hàng giả đối với dược phẩm, vì hiện có đến 80-90% hàng giả được mua bán trên mạng.

Các tin khác