Bộ Tài chính đã công bố dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Quản lý thuế. Tuy nhiên, xem xét dự thảo này, nhiều DN đã kiến nghị về vài điểm cần được sửa đổi, bổ sung vào dự thảo nhằm phù hợp với xu thế phát triển của DN.
Cần bổ sung quy định
Theo ông Trương Ngọc Thắng, Phó Tổng giám đốc Công ty Kangsen, theo quy định của Luật Quản lý thuế, DN phải quyết toán thuế thu nhập DN chậm nhất vào ngày 31-3 của năm tiếp theo. Như vậy, sau khi kết thúc năm cũ, DN có 90 ngày để thực hiện nghĩa vụ.
Quy định này được áp dụng chung cho tất cả loại hình DN như tập đoàn, tổng công ty, DN lớn, DN FDI, DNNVV. Đối với DNNVV, quy mô kinh doanh nhỏ nên việc thực hiện quyết toán rất nhanh. Còn với DN FDI, tập đoàn lớn, tổng công ty, khi nộp báo cáo quyết toán thuế phải kèm báo cáo tài chính được kiểm toán theo quy định.
Trong khi đó, số DN kiểm toán độc lập trong nước lại có hạn nên công ty của ông thường xuyên rơi vào tình trạng chậm nộp hồ sơ quyết toán thuế hàng năm và phải chịu nộp phạt. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Quản lý thuế lúc này rất cần thiết.
Tuy nhiên, cần xem xét lại quy định nếu DN có số thuế thu nhập DN theo quyết toán vượt quá 120% so với số thuế đã tạm nộp theo kê khai của 4 quý sẽ bị xử phạt. Bởi lẽ quy định này sẽ tạo thêm áp lực cho DN, dù thời hạn nộp thuế thu nhập DN được kéo dài thêm 60 ngày.
Tổng giám đốc CTCP N.M cũng chia sẻ những khó khăn do những quy định chưa rõ ràng của Luật Quản lý thuế hiện hành.
Theo đó các trường hợp nằm trong diện được xóa nợ thuế là những DN tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của Luật Phá sản, không còn tài sản để nộp thuế và tiền phạt.
Nhưng trên thực tế, thời gian qua, Công ty N.M đã vướng vào việc nợ thuế bởi nhiều yếu tố khách quan, như ảnh hưởng từ sự thay đổi của hệ thống chính sách hải quan, thuế, các chương trình cải cách DN liên tục, tác động của sự suy thoái kinh tế…
Với quá nhiều thay đổi như vậy, công ty gặp khó khăn trong việc xác định tiền thuế phải nộp và đến nay vẫn tồn các khoản nợ phát sinh.
Vị Tổng giám đốc này than thở, những khoản nợ thuế đang thuộc diện khoanh nợ này rất cần được xem xét để xử lý xóa nợ, nhưng hiện vẫn chưa có quy định để xử lý nên DN phải gồng mình gánh chịu.
Cắt giảm thủ tục không cần thiết
Theo các chuyên gia, thủ tục gia hạn nộp hồ sơ khai thuế trước đây là 5 ngày được rút còn 3 ngày, các trường hợp hoàn thuế trước kiểm tra sau từ 15 ngày giảm còn 6 ngày, trường hợp kiểm tra trước hoàn thuế sau giảm từ 60 ngày còn 40 ngày tính từ ngày nhận hồ sơ.
Nhưng theo dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi, Bộ Tài chính kiến nghị rút thời hạn giải quyết hồ sơ từ 15 ngày xuống 6 ngày là quá ngắn. Nhiều ý kiến đề nghị Bộ Tài chính xem xét việc rút ngắn thời gian hoàn thuế trước kiểm tra sau từ 15 ngày làm việc xuống 10 ngày là hợp lý.
Ở góc độ DN, nhiều ý kiến nhận định, thay vì kéo dài thời gian, Luật Quản lý thuế nên tính đến việc loại bỏ một số thủ tục hành chính sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian hơn.
Về vấn đề này, ông Trần Minh Trung, Tổng giám đốc Công ty TNHH Phong Nguyên, cho biết hiện nay khi nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế, DN phải nộp đầy đủ tài liệu, chứng từ theo đúng quy định. Điều này gây phiền phức cho DN.
Ông Trung nêu thí dụ: Khi thực hiện khai thuế, bộ phận kế toán của Công ty Phong Nguyên nhận thấy trong hồ sơ hoàn thuế cần phải nộp lại các chứng từ nộp thuế trước đó là không cần thiết, bởi lẽ các dữ liệu quản lý về thuế đã được lưu lại trong hồ sơ của cơ quan thuế.
Hoặc đối với các công ty bị phá sản, DN chỉ cần nộp quyết định tuyên bố phá sản là đủ chứ không cần phải nộp lại các tờ khai quyết toán thuế khi đề nghị được xóa nợ thuế. Ông Trung cho rằng cơ quan quản lý nên có sự rà soát, sửa đổi các vấn đề trên để đạt mục tiêu cắt giảm thủ tục hành chính một cách hiệu quả nhất.