Lỗi tại số liệu
Câu chuyện xuất, cấm xuất, rồi đề xuất tạm dừng thực hiện cấm xuất khẩu gạo xảy ra nhanh chóng, xoay chiều liên tục chỉ trong 2 ngày 23 và 24-3, khiến nhiều người lo lắng. Giá lúa ở vựa lúa miền Tây đang lên, người dân chưa kịp phấn khởi bỗng quay đầu sụt giảm. Nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu gạo và cả ngân hàng cho vay cũng đứng ngồi không yên.
Phát biểu trong phiên họp UBND TP Cần Thơ thường kỳ ngày 26-3, ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Cần Thơ, nhận định nếu không giải quyết được vấn đề tạm dừng xuất khẩu gạo, 7.700 tỷ đồng các ngân hàng cho vay xuất khẩu gạo như "ngàn cân treo sợi tóc".
Còn nhà nông học, GS.TS Võ Tòng Xuân, cho rằng dừng xuất khẩu trong thời điểm này, người gánh chịu hệ lụy không ai khác là nông dân.
Ngay sau khi có Thông báo 121/TB-VPCP ngày 23-3 của Văn phòng Chính phủ, Tổng cục Hải quan phát đi Công điện hỏa tốc ngày 24-3, yêu cầu các Cục Hải quan tạm dừng thông quan các lô hàng gạo xuất khẩu dưới mọi hình thức kể từ 0 giờ ngày 24-3.
Cùng ngày, Bộ Công Thương trình Công văn 2101/BCT-XNK về việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ dừng thực hiện tạm dừng xuất khẩu gạo, dù trước đó bộ này đã tham mưu cho chủ trương trên. Lý do được đưa ra là “để có thêm thời gian đánh giá lại sản lượng thực tế của vụ Đông-Xuân, lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký cũng như lượng tồn kho thực tế ở các doanh nghiệp”.
Lý giải chuyện tham mưu “xoay chiều” này, một lãnh đạo Bộ Công Thương, cho biết do có “độ vênh về số liệu” cần phải xác minh lại. Bất cập về con số cũng được bộ có vai trò quản lý, điều hành xuất nhập khẩu giải thích do từ khi có Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, thị trường gạo đã tự do hóa, bộ không còn nắm chắc được số liệu về lượng gạo sản xuất, lượng ký hợp đồng hay tồn kho như trước đây; tình hình còn do hạn mặn, dịch bệnh khó lường.
Trong khi đó, báo cáo tham luận tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện đề án an ninh lương thực (ANLT) quốc gia diễn ra ngày 18-3, Bộ Công Thương cho rằng nhu cầu tiêu dùng gạo trong nước và xuất khẩu khoảng 5-6 triệu tấn mỗi năm được đảm bảo. Báo cáo của Bộ NN-PTNT tại hội nghị này cũng khẳng định cân đối nhu cầu gạo tiêu dùng đảm bảo dư thừa, bình quân lương thực đầu người tăng từ 497 kg/năm lên trên 525 kg/năm, đưa Việt Nam vào nhóm 6 nước hàng đầu thế giới về chỉ số này.
Tính đến năm 2018, cả nước đã sản xuất 30,79 triệu tấn quy gạo, để ăn 9,14 triệu tấn, chênh lệch thừa 21,64 triệu tấn gạo. Nếu trừ lượng gạo xuất khẩu hàng năm khoảng 6 triệu tấn, vẫn còn thừa hơn 15 triệu tấn gạo.
Đó là trong điều kiện của năm sản xuất bình thường. Trường hợp xảy ra sự cố hạn hán mất mùa, lấy mốc năm hạn mặn lịch sử 2016, ĐBSCL thiệt hại khoảng 1 triệu tấn lúa, tương đương 500.000 tấn gạo, cho mức thiệt hại đến 1 triệu tấn, vẫn đảm bảo chênh lệch thừa. Đó là chưa kể lượng gạo dự trữ nhà nước và dự trữ bắt buộc 5% theo quy định đối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Báo cáo tại cuộc họp chiều ngày 26-3 về kiểm tra, đánh giá nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho rằng nguồn cung trong nước và tại kho các doanh nghiệp khá dồi dào, đủ để đảm bảo ANLT và xuất khẩu, đề nghị
Bộ Công Thương sớm báo cáo với Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo trở lại.
Việc thận trọng trước tình hình dịch bệnh, hạn mặn diễn ra khốc liệt nguy cơ bất ổn là cần thiết, nhưng câu hỏi đặt ra, Việt Nam đã hay đang đứng trước nguy cơ thiếu gạo chưa? Trong tình huống gạo vẫn còn thừa, bán được giá, xuất khẩu gạo vẫn là kênh giải quyết đầu ra của người nông dân. “Cắt cắt đứt” luôn kênh tiêu thụ này sẽ là gánh nặng rất lớn cho ngành lúa gạo.
Vấn đề không chỉ ở con số
Việc thận trọng trước tình hình dịch bệnh, hạn mặn diễn ra khốc liệt nguy cơ bất ổn là cần thiết, nhưng câu hỏi đặt ra, Việt Nam đã hay đang đứng trước nguy cơ thiếu gạo chưa? Trong tình huống gạo vẫn còn thừa, bán được giá, xuất khẩu gạo vẫn là kênh giải quyết đầu ra của người nông dân. “Cắt cắt đứt” luôn kênh tiêu thụ này sẽ là gánh nặng rất lớn cho ngành lúa gạo.
Vấn đề không chỉ ở con số
ANLT và nâng cao thu nhập người trồng lúa là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn cho ngành sản xuất đặc thù như lúa gạo và đối tượng nông dân đông đảo, nhưng không phải là nhiệm vụ bất khả thi. |
Những bất cập thể hiện trong cách thức triển khai và kiểm soát, phản hồi chính sách. Lâu nay, việc triển khai các cơ chế, chính sách thường phải bám theo hệ thống hành chính. Trung ương triển khai xuống tỉnh, tỉnh xuống huyện, huyện xuống xã và cơ sở. Mỗi cấp có “độ trễ”, năng lực triển khai cũng như năng lực phản hồi bất cập, nên việc các bộ, ngành trung ương không nắm sát tình hình là tất nhiên. Nhất là trong các lĩnh vực nhạy cảm như xuất khẩu gạo, liên quan nông nghiệp, nông dân.
Công cụ nào để các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý nắm bắt được, chính sách, quyết định của mình đưa ra thật sự hiệu quả? Được chăng là nắm thông tin báo chí phản hồi, nắm thông tin qua các hội nghị. Nhà nước chi tiền mua lúa tạm trữ những năm qua để kích giá lúa lên nhằm hỗ trợ nông dân. Nhưng thực sự người nông không được hưởng lợi bao nhiêu là thí dụ cho việc điều hành xuất khẩu gạo, sự lúng túng “lo gạo ăn, gạo bán” hiện nay.
Câu chuyện ANLT lâu nay được mặc định là ăn gạo, nhưng lương thực không chỉ có gạo, còn gồm các cây lương thực, thực phẩm khác và phải được nhìn ở góc độ dinh dưỡng. Mục tiêu của ANLT không chỉ là đảm bảo cái ăn còn là nhu cầu dinh dưỡng, thương mại, chính trị - xã hội và sinh kế nông dân, cũng như đảm bảo các điều kiện tiếp cận lương thực cho họ.
Thống kê 10 năm gần đây cho thấy, tỷ lệ tiêu dùng gạo của người Việt Nam đã giảm và đây cũng là xu thế tất yếu của các nước khi đời sống người dân tốt hơn. Người Việt cần gạo để đảm bảo ANLT, nhưng ANLT không phải chỉ là số lượng lúa gạo. Những con số hộ nghèo, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao ở những tỉnh đứng đầu về sản lượng gạo, có đóng góp quan trọng cho ANLT quốc gia cần được xem xét nghiêm túc.
Trong điều kiện hiện nay và chắc chắn còn lâu hơn nữa, ANLT vẫn là vấn đề có tính toàn cầu. Việt Nam vẫn phải tiếp tục nhiệm vụ đảm bảo ANLT quốc gia và đóng góp có trách nhiệm cho ANLT thế giới. Chúng ta xác định lúa gạo là vấn đề chiến lược, đã có nhiều chính sách tốt. Song trong khi nhiều quốc gia sản xuất lúa có những điều chỉnh quan trọng về chính sách lúa gạo, chúng ta cũng cần “hệ điều hành mới”, giữ nguyên tắc “2 đảm bảo”. Đó là ANLT và nâng cao thu nhập người trồng lúa.
Việc thay đổi tư duy sản xuất và xuất khẩu gạo là cần thiết, đã nói đến nhiều nhưng vì sao đến nay vẫn chưa làm được, và sắp tới phải làm như thế nào để nông dân, người dân được hưởng lợi nhiều hơn? Số liệu thống kê rất quan trọng, nhưng vấn đề không chỉ nằm ở các con số, cũng không phải là “chốt cứng” xuất khẩu bao nhiêu tấn gạo mỗi năm.
Đảm bảo ANLT là mục tiêu chính trị - xã hội, nhưng vẫn phải đảm bảo mục tiêu kinh tế, sinh kế cho nông dân, không thể để nông dân như những chiến sĩ tuyến đầu đảm bảo ANLT mà mãi chịu thiệt.