Thâm niên trên 20 năm
SGP tiền thân là doanh nghiệp nhà nước với 100% cổ phần được nắm giữ bởi Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC). Năm 2015, SGP được cổ phần hóa và niêm yết trên sàn chứng khoán từ năm 2016. Ngành nghề chính của SGP là vận hành và khai thác cảng với doanh thu lĩnh vực này chiếm trên 95% tổng doanh thu.
Hiện tại, trong 65,45% cổ phần do VIMC nắm giữ thì có đến 29,45% cổ phần được ủy quyền sở hữu cho các lãnh đạo của SGP. Ngoài cổ đông chính là VIMC, cơ cấu cổ đông của SGP còn có Công ty TNHH Toàn Thắng, VietinBank và VPBank. 3 cổ đông lớn này sở hữu lần lượt 9,8%, 9,07% và 7,44% được chuyển từ các khoản vay.
Tại ĐHCĐ thường niên 2016, 2 ngân hàng này đã được phê duyệt việc thoái phần vốn của mình nhưng tính đến nay, việc thoái vốn vẫn chưa được thực hiện.
Có một thực tế là ban lãnh đạo chủ chốt của SGP có tuổi đời khá cao, thường trên 50 tuổi và có thâm niên làm việc ở SGP từ lâu, thường trên 20 năm. Theo Công ty cổ phần Chứng khoán ASEAN, đây là những người ở trong ngành lâu năm, có chuyên môn về ngành cảng biển và các mối quan hệ với bộ ban ngành.
Tuy nhiên, việc gần như toàn bộ ban lãnh đạo có tuổi đời cao chính là nguyên nhân khiến cho động lực phấn đấu và khả năng phát triển đột phá của SGP dường như không còn.
SGP là một công ty có cơ cấu sở hữu rất cô đặc, phần cổ phiếu không thuộc tổ chức lớn của SGP bên ngoài chỉ vào khoảng 177 triệu cổ phiếu (tương đương 8,21%).
Có thể lấy dẫn chứng về hiện tượng này qua cơ cấu tài sản của SGP. Theo thống kê ngoài khoản mục tiền gửi là tài sản cố định chiếm tỷ trọng lớn nhất với giá trị năm 2023 đạt trên 1.546 tỷ đồng. Về cơ bản, từ năm 2019 đến nay, các khoản mục tài sản cố định không có sự biến đổi đột biến chứng tỏ doanh nghiệp không đầu tư các dự án mới cũng như các tài sản, máy móc lớn.
Sự “ì ạch” của SGP còn thể hiện qua việc niêm yết cổ phiếu trên sàn UPCoM từ năm 2016, nhưng đến nay, sau hơn 8 năm, doanh nghiệp vẫn chưa có động thái sẽ chuyển niêm yết lên sàn giao dịch chính thức HoSE.
Khả năng cạnh tranh suy giảm
SGP hiện đang trực tiếp quản lý và vận hành 3 cảng gồm: Cảng Tân Thuận (TPHCM), Cảng Sài Gòn Hiệp Phước (TPHCM) và Cảng Thép Phú Mỹ (BRVT). Ngoài ra, SGP còn sở hữu 3 cảng ở Bà Rịa - Vũng Tàu gồm: Cảng SP - PSA, Cảng SSIT và Cảng CMIT, thông qua 3 công ty liên doanh.
Lượng hàng hóa qua các cảng của SGP (tính cả các cảng liên doanh) đạt gần 30 triệu tấn trong năm 2022, xếp thứ 3 cả nước, chỉ sau Tân Cảng Sài Gòn và Cảng Hải Phòng.
Do sự cạnh tranh của cụm cảng TPHCM cũng như xu hướng dịch chuyển ra các cảng khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu, sản lượng của Cảng Tân Thuận đang xu hướng giảm đều theo thời gian. Hiện tại cảng cũng đã đạt công suất tối đa và không có khả năng mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, sau 2025, khoảng 40% cảng (tương đương 80.000m2) sẽ được bàn giao để xây dựng cầu Thủ Thiêm.
Hoạt động kinh doanh SGP trước đây chủ yếu đến từ dịch vụ khai thác cảng tại khu vực cảng Nhà Rồng - Khánh Hội. Tuy nhiên, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, khu vực bến trên sông Sài Gòn phải thực hiện di dời và chuyển đổi công năng nhằm giảm áp lực giao thông nội đô.
Do đó, doanh nghiệp đã tiến hành đầu tư xây dựng Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước để thay thế. Sau khi đi vào hoạt động (năm 2017), lượng hàng hóa dịch chuyển từ cảng Nhà Rồng - Khánh Hội về cảng Sài Gòn Hiệp Phước không được như dự kiến do vị trí địa lý và khả năng kết nối không thể cạnh tranh so với các Cảng Cát Lái - Phú Hữu.
Ngoài ra, trong phạm vi hẹp hơn, áp lực cạnh tranh nguồn hàng vẫn rất lớn từ các cảng cùng vị trí bao gồm: SNP - Hiệp Phước, ICD Tân Cảng Nhơn Trạch và Long An.
“Khối u” SP - PSA
Ở thời điểm hiện tại, hàng hóa thông qua cảng chủ yếu là hàng rời, hàng hóa container chiếm tỷ trọng không đáng kể. Tuy nhiên, việc di dời Cảng Sài Gòn Khánh Hội (năm 2017) và sắp tới là Cảng Tân Thuận 1 (năm 2025) sẽ tác động tiêu cực đến kết quả hoạt động chính của SGP.
Bởi cảng được thay thế là Cảng Sài Gòn Hiệp Phước vẫn chưa cho thấy khả năng đủ để tiếp nhận hàng hóa dịch chuyển từ 2 cảng trên, do có vị trí khá xa so với trung tâm TPHCM. Điều này có thể gây khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa đến các khu vực tiêu thụ lớn. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng giao thông kết nối với Cảng Hiệp Phước vẫn còn nhiều hạn chế, không đủ để đáp ứng nhu cầu vận chuyển lớn và thường xuyên.
Trong khi đó, Cảng liên doanh SP - PSA vẫn đối diện với tình hình tài chính xấu, khi liên tục lỗ lũy kế, với vị trí nằm sâu phía trong của khu vực Cái Mép - Thị Vải, triển vọng cải thiện kinh doanh của cảng này theo nhận định là khá thấp. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng của SP - PSA chững lại từ năm 2019 và chỉ đạt khoảng 4 triệu tấn mặc dù công suất bốc xếp của cảng này lên tới 8,8 triệu tấn.
Việc không thể lấp đầy được cảng, trong khi doanh nghiệp phải bỏ ra số vốn đầu tư lớn ban đầu khiến cho lợi nhuận của SP - PSA liên tục âm. Từ đó có thể thấy, Cảng SP - PSA đang là “khối u” khó xử lý của SGP, ít nhất là trong vài năm tới.
Do lượng hàng hóa tại các cảng của SGP tại TPHCM chưa có nhiều đột biến về số lượng cùng với sự đóng góp không đáng kể từ các cảng liên kết tại khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu, dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2024 của SGP lần lượt đạt 1.007 tỷ đồng (tăng 7%) và 298 tỷ đồng (tăng 3%), EPS năm 2024 đạt 1.463 đồng/cổ phiếu.
Sử dụng quan điểm định giá trên cơ sở sức khỏe tài chính của doanh nghiệp (mô hình thặng dư thu nhập), Công ty cổ phần Chứng khoán ASEAN định giá nội tại của SGP chỉ đạt 20.700 đồng/cổ phiếu và khuyến nghị nhà đầu tư bán cổ phiếu SGP.