Liệu mục tiêu này có trở thành hiện thực khi đang có quá nhiều dự báo khó khăn đang ở phía trước.
Tham vọng giữa muôn trùng khó khăn
DGW là một trong những doanh nghiệp bán buôn hàng đầu Việt Nam, trong đó các thiết bị điện tử (ICT) là mặt hàng bán chính, bên cạnh các sản phẩm tiêu dùng và thiết bị gia đình.
DGW là DN trung gian, hợp tác với hơn 30 nhà cung cấp là các thương hiệu lớn như Apple, Dell, Xiaomi… để phân phối sản phẩm của các hãng này tới hơn 16.000 điểm bán hàng trên cả nước thuộc các chuỗi bán lẻ như FPT Shop, Thế giới di động, CellphoneS. Tuy nhiên, sự bão hòa của ngành hàng ICT đang đẩy DGW vào tình cảnh khó khăn.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 được tổ chức 25-4, HĐQT DGW đã công bố kết quả kinh doanh năm 2023, doanh thu của DGW đạt 18.818 tỷ đồng (giảm 15%), trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 354 tỷ đồng (giảm 48%). Trong đó, doanh thu mảng máy tính xách tay và máy tính bảng ghi nhận đạt 5.906 tỷ đồng (giảm 16%), doanh thu ngành điện thoại di động đạt 8.067 tỷ đồng (giảm 25%).
Với kết quả này, DGW đã hoàn thành 94% kế hoạch về doanh thu và 89% kế hoạch lợi nhuận sau thuế mà DN đã đặt ra từ đầu năm. Về nguyên nhân khiến lợi nhuận DGW đi xuống, bên cạnh sự giảm sút về mặt doanh thu do sức mua yếu và nhu cầu bão hòa đối với mặt hàng điện tử ICT, DGW còn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến giá, khiến biên lợi nhuận ròng của DN năm 2023 giảm còn 1,86% so với mức 3,82% tại thời điểm cuối năm 2022.
Dù kết quả kinh doanh năm 2023 kém tích cực, nhưng HĐQT của DGW lại khá tự tin khi đặt mục tiêu cho năm 2024. Theo kế hoạch, doanh thu ước đạt 23.000 tỷ đồng (tăng 22%) và lợi nhuận sau thuế đạt 490 tỷ đồng (tăng 38%).
Để đạt được mục tiêu này, DGW đặt mục tiêu tiếp tục duy trì mối quan hệ với các đối tác hiện hữu và tìm kiếm các đối tác tiềm năng mới. Ngoài ra, DGW dự kiến mở rộng kênh phân phối đa ngành, nâng cấp cơ sở vật chất để phát triển ngành hàng mới nhằm nâng cao thị phần và kết quả kinh doanh.
Đáng chú ý, HĐQT của DGW đã công bố mục tiêu trở thành công ty tỷ USD xoay quanh 3 trụ cột chính là cơ sở, con người và cơ hội. Cụ thể, DGW tiếp tục nâng cấp cơ sở vật chất với văn phòng tiên tiến, hiện đại tại TPHCM sau khi đã đầu tư lớn cho kho bãi Hà Nội, Bình Dương và văn phòng tại Hà Nội.
Về con người, DGW tổ chức các khóa học và những hoạt động làm phong phú đời sống tinh thần của cán bộ nhân viên. Ngoài ra, DGW còn nâng cấp hệ thống, số hóa quy trình bằng cách áp dụng ERP S4/HANA nhằm tạo cơ sở, nền tảng sẵn sàng để có thể áp dụng cho các thương hiệu, ngành hàng mới bất cứ lúc nào.
Theo phân tích của các công ty chứng khoán, kỳ vọng động lực tăng trưởng của DGW trong năm nay đến từ việc mở rộng danh mục sản phẩm của ngành hàng thiết bị văn phòng, thông qua việc mua lại Achison, DN hàng đầu trong lĩnh vực thiết bị công nghiệp và bảo hộ lao động.
Thêm vào đó, việc M&A chuỗi cầm đồ VietMoney được kỳ vọng sẽ thúc đẩy chi tiêu mua sắm của khách hàng, và là bước đầu thuận lợi để DGW thực hiện chiến lược kinh doanh sản phẩm đã qua sử dụng (secondhand).
Rủi ro khi “bắt tay” DN cầm đồ
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các phân tích cũng chỉ ra những thách thức mà DGW phải đối mặt trong năm 2024. Đó là sức mua còn yếu, người tiêu dùng vẫn còn tâm lý thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh kinh tế suy thoái, thị trường việc làm khó khăn.
Đơn cử ngành hàng ICT với mặt hàng điện thoại, laptop chứng kiến sụt giảm mạnh mẽ do nhu cầu các sản phẩm không thiết yếu giảm mạnh. Dự báo trong năm 2024 với sức mua hồi phục chậm cùng với ngành đang dần bão hòa, ngành hàng ICT sẽ có sự hồi phục chậm trên mức nền thấp.
Trong khi đó, dù DGW kỳ vọng từ việc M&A chuỗi cầm đồ VietMoney, nhưng bước đi này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Lý do khiến cổ đông lo ngại về bước đi này khi chứng kiến CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG) đã từng thất bại, thậm chí bị ảnh hưởng đến thương hiệu khi “bắt tay” với chuỗi cầm đồ F88.
Cụ thể, cuối năm 2021, khi F88 hợp tác MWG, mối quan hệ này bị dư luận nghi ngờ khi cả 2 cùng hợp tác cho vay tiền mặt với rất nhiều chi phí cao “chóng mặt”. Tuy nhiên, sau khi F88 bị điều tra, MWG đã tạm ngưng hợp tác để yêu cầu đối tác giải thích, làm rõ vấn đề liên quan.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, nhiều cổ đông đã đặt câu hỏi chất vấn với HĐQT về thương vụ M&A VietMoney. Thế nhưng trả lời câu hỏi này, đại diện DGW lại khá lúng túng, càng làm cho cổ đông nghi ngờ về hướng đi mới này.
Cụ thể, theo đại diện DGW, Vietmoney mang về doanh thu dịch vụ khá thấp, đồng thời chưa có lợi nhuận, nên chưa hạch toán doanh thu vào nhóm cụ thể nào. Còn hoạt động kinh doanh hàng qua sử dụng mới ở diện nghiên cứu, chưa phát sinh doanh thu đáng kể. Trong tương lai khi Vietmoney có nhiều cửa hàng hơn, doanh thu lớn hơn thì sẽ có báo cáo riêng dành cho Vietmoney.
Chia sẻ với cổ đông, ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT DGW, cho biết DGW luôn đặt mục tiêu sẽ có 2-3 thương vụ M&A mỗi năm, bởi việc M&A sẽ giúp DGW tiến nhanh hơn, tận dụng thế mạnh về hiểu biết thị trường của của DGW.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, việc “vung tiền” M&A không phải lúc nào cũng hiệu quả. Bởi nếu không thận trọng và không đủ năng lực quản lý ở những mảng kinh doanh mới, DGW sẽ nhận “trái đắng” và tham vọng DN tỷ USD chắc chắn cũng chỉ là những con số trong mơ.
Bên cạnh sự giảm sút về mặt doanh thu do sức mua yếu và nhu cầu bão hòa đối với mặt hàng điện tử ICT, DGW còn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến giá khiến biên lợi nhuận ròng của DN năm 2023 giảm còn 1,86%, so với mức 3,82% tại thời điểm cuối năm 2022.