Trỗi dậy nhanh chóng
Sau khi bắt đầu sự nghiệp làm giáo viên trung học, Trudeau đã đảm nhận một số vai trò giáo dục trong các tổ chức từ thiện và cho Đảng Tự do, trước khi trở thành lãnh đạo Đảng Tự do trung tả của Canada vào năm 2013. Trong cuộc bầu cử liên bang 2 năm sau đó, ông đã lãnh đạo đảng này giành chiến thắng ngoạn mục trước Đảng Bảo thủ đương nhiệm.
Nhờ sức hút trẻ trung và thông điệp chính trị đầy hy vọng của ông, cử tri đã đưa Đảng Tự do từ đảng đứng thứ ba lên nắm giữ đa số ghế trong Quốc hội - điều chưa từng có trong lịch sử chính trị Canada.
Khi mới 43 tuổi, Trudeau đã trở thành Thủ tướng trẻ thứ hai trong lịch sử Canada khi nhậm chức vào năm 2015. Là con trai của cựu Thủ tướng Pierre Trudeau, Trudeau được ca ngợi là "gương mặt trẻ mới của nền chính trị Canada" trong một bài viết năm đó của tạp chí Vogue, trong khi các hãng tin khác gọi vị Thủ tướng mới là "cực kỳ hấp dẫn".
Hiện nay, ông vẫn là nhà lãnh đạo duy nhất còn trụ vững trong số những người đồng cấp khi ông nhậm chức, từ Barack Obama đến Angela Merkel, Shinzo Abe và David Cameron, và ở tuổi 53, ông hiện là nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất trong G7.
Paul Wells, một nhà báo chính trị người Canada và là tác giả của cuốn sách Justin Trudeau on the Ropes, gần đây đã nói rằng ông Trudeau sẽ được nhớ đến "như một thủ tướng có tầm ảnh hưởng", đặc biệt đã thể hiện sự lãnh đạo thực sự về các vấn đề như hòa giải thổ dân và ở một mức độ nào đó là chính sách khí hậu.
Chính phủ thiểu số và Covid
Nhưng đến năm 2019, sự ủng hộ của Trudeau bị suy giảm, do Đảng Tự do dưới sự lãnh đạo của ông chỉ giành chiến thắng sít sao trong cuộc bầu cử năm đó, đưa chính quyền của ông vào vị thế chính phủ thiểu số. Để cứu vãn tình thế, vào 2 năm sau đó (2021), ở giữa làn sóng đại dịch Covid thứ tư, ông quyết định tổ chức bầu cử sớm.
Trudeau tin rằng cách ông xử lý đại dịch và tỷ lệ tiêm chủng cao mà người Canada đạt được trong đại dịch, sẽ giúp uy tín của ông và đảng cầm quyền của mình tăng cao, nhưng một lần nữa ông lại không đảm bảo được đa số ghế trong Quốc hội.
Một loạt vụ bê bối về đạo đức ngay từ đầu đã góp phần làm mất đi hình ảnh đẹp đẽ của chính phủ mới: ông bị phát hiện đã vi phạm các quy tắc về xung đột lợi ích của liên bang trong việc xử lý cuộc điều tra tham nhũng (vụ SNC-Lavalin), và các chuyến đi xa xỉ tới Bahamas. Năm 2020, ông phải đối mặt với sự giám sát vì chọn một tổ chức từ thiện có quan hệ với gia đình mình để quản lý một chương trình lớn của chính phủ.
Gần đây hơn, Trudeau phải đối mặt với những trở ngại từ chi phí sinh hoạt tăng cao và lạm phát, góp phần gây ra sự đảo lộn trong kết quả bầu cử trên toàn thế giới. Theo giới phân tích, người dân Canada thất vọng về một chương trình nghị sự "quá đầy, quá nhồi nhét" của chính phủ Trudeau, và cách ông xử lý các vấn đề như nhập cư.
Vào cuối năm ngoái, Đảng Tự do đã hủy bỏ mục tiêu nhập cư đầy tham vọng vì lo ngại vấn đề này không được quản lý tốt, cắt giảm đáng kể số lượng người mới được phép vào Canada. Sau hơn 9 năm nắm quyền, Trudeau là một trong những thủ tướng tại vị lâu nhất của Canada và mọi người đều cảm thấy mệt mỏi và thất vọng với chính phủ của ông.
Luật Hỗ trợ Tử vong tự nguyện của Canada, một trong những luật hỗ trợ an tử dễ dãi nhất thế giới, bắt đầu chịu nhiều áp lực hơn từ năm 2022 khi những người ủng hộ cho rằng hệ thống này cần được giám sát chặt chẽ hơn, vì họ cho rằng một số lượng lớn người đã phải an tử trong khi nỗi đau của họ có thể được giảm bớt nhờ sự hỗ trợ tốt hơn của chính phủ.
Ông Trudeau trở nên cực kỳ mất lòng dân trong vài năm qua do tình trạng nhập cư bùng nổ, giá nhà tăng vọt và lạm phát. Hơn 70% người Canada được thăm dò cho rằng đất nước "bị phá vỡ" dưới sự lãnh đạo của ông. Vào tháng 10 năm 2024, Trudeau tuyên bố Canada sẽ giảm 21% lượng di cư vĩnh viễn vào năm 2025, từ 500.000 người di cư xuống còn 395.000 người, thừa nhận rằng chính phủ "chưa cân bằng hoàn toàn" với mục tiêu trước đó.
Nỗi lo thuế quan Trump
Ông Trump đã nhanh chóng công bố kế hoạch áp thuế 25% đối với hàng hóa từ Canada, khi ông giành được nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng vào tháng 11. Tổng thống đắc cử muốn đe dọa áp thuế như một cách gây sức ép với Canada về vấn đề nhập cư.
Vào ngày 16-12, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland đã từ chức vì vấn đề này, chỉ vài giờ trước khi bà chuẩn bị công bố kế hoạch kinh tế mới nhất của đất nước, về khả năng ứng phó của Trudeau với chính quyền Trump sắp tới. Trudeau gọi đó là một trong những “ngày khó khăn nhất” của Đảng Tự do, cuối cùng dẫn đến quyết định từ chức của ông.
Tại cuộc họp báo hôm 6-1, Trudeau đã được yêu cầu kể lại câu chuyện về cuộc cãi vã với bà Freeland. Trudeau ca ngợi bà là "đối tác chính trị đáng kinh ngạc" trong gần một thập kỷ, nhưng bày tỏ sự thất vọng về đơn từ chức của bà. Đơn từ chức gây sốc của Freeland với lý do Trudeau không coi trọng những lời đe dọa của Trump đã trở thành giọt nước tràn ly. Các thành viên trong đảng của ông bắt đầu công khai tuyên bố rằng họ không còn ủng hộ sự lãnh đạo của ông nữa.
Trudeau đã trở thành một nhân vật ngày càng gây chia rẽ trong cử tri, khi ông tuyên bố vào 6-1, rằng "đã đến lúc phải thiết lập lại" và "giảm nhiệt độ" trong nền chính trị Canada. Andrew Perez, Giám đốc tại Perez Strategies, cho biết thách thức hiện nay đối với đảng Tự do là phải tạo khoảng cách với thương hiệu Trudeau.
Một cuộc khảo sát do Viện Angus Reid thực hiện trong kỳ nghỉ lễ cho thấy, mức độ ủng hộ dành cho đảng này thấp nhất trong số các cuộc khảo sát của họ kể từ năm 2014. Các cuộc thăm dò cho thấy Đảng Bảo thủ - do Pierre Poilievre, một chính trị gia kỳ cựu 45 tuổi có tài ăn nói khéo léo, lãnh đạo - sẽ giành chiến thắng dễ dàng trong cuộc bầu cử nếu nó được tổ chức vào thời điểm hiện tại.
Trong cuộc họp báo hôm 6-1, ông Trudeau đã trích dẫn, “những cuộc chiến nội bộ” trong Đảng Tự do khiến ông “không thể là lựa chọn tốt nhất” trong cuộc bầu cử tiếp theo. Từng là hình mẫu cho nền chính trị tự do, ông đã mất dần sự ủng hộ và tỷ lệ ủng hộ ông đã giảm xuống dưới mức 30% nhiều lần trong năm 2024.