MLXH (social network) có nhiều cấp độ từ quốc gia đến cá nhân, từ chính thức đến phi chính thức. Ở cấp độ cá nhân đó là những mối quan hệ xã hội, cá nhân ấy kế thừa từ gia đình, dòng họ và tự xây dựng được trong quá trình học tập, làm việc.
Có những người khi lâm vào khó khăn như đau ốm, nợ nần, tai nạn, được nhiều người sẵn sàng chìa tay giúp đỡ cho vay tiền, hỗ trợ mọi điều kiện để sinh sống, làm ăn. Điều này cho thấy người đó có mạng lưới rộng, bền chặt.
Trước kia khi nói đến vốn, thường người ta nghĩ đến “tiền, vàng, bất động sản”, ngày nay vốn còn bao hàm cả “vốn xã hội”. Điều đó có nghĩa khi ai đó có thể huy động được nhiều người sẵn lòng hỗ trợ mình, anh ta có vốn xã hội lớn,là người giàu có trong quan hệ xã hội.
MLXH được ví như tấm lưới đảm bảo cho cá nhân, gia đình và những nhóm xã hội trên con đường mưu sinh không bị văng ra khỏi quỹ đạo an toàn khi gặp rủi ro. Do điều kiện, hoàn cảnh, nhiều người ở nơi nào đó và thời điểm nào đó có vốn xã hội rất mỏng, thậm chí không có gì, chỗ ở không có được MLXH vây quanh họ. Những người lao động nhập cư tự do về các TP lớn như Hà Nội, TPHCM là người như vậy.
Ở TPHCM những người buôn bán ve chai, thợ hồ, bán vé số, chạy xe ba gác, bán hàng rong, bốc vác thuê… từ các tỉnh miền Trung, miền Tây đến làm ăn, sinh sống thân cô, thế cô, không bà con họ hàng, không anh em, không láng giềng. Họ không thuộc tổ chức hành chính nào của TPHCM như tổ dân phố, phường, xã vì không có hộ khẩu. Họ cũng không là thành viên của tổ chức xã hội như hội phụ nữ, mặt trận tổ quốc, công đoàn, hội cựu chiến binh, tổ chức nghề nghiệp. Họ chỉ có một mình và nhóm bạn dăm người cùng ở trọ.
Vòng quay của người bán rong là sáng ra đi lấy chịu hàng của chủ, rảo bộ khắp phố phường, tối về ngả lưng trên manh chiếu thuê trong căn phòng tồi tàn cùng bạn phòng trọ. Những người này không được và không có cách nào tiếp cận hệ thống dịch vụ xã hội nên mỗi khi gặp sự cố vô cùng khổ.
Khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra, nhóm người này bị tổn thương nặng nề nhất, họ không tự mình vượt qua được hoàn cảnh, rất cần được quan tâm nhất định từ xã hội để vượt qua khó khăn. Trong đợt dịch này phần lớn họ không có việc làm, không thu nhập, không có chỗ ở. Rất may TPHCM đã hỗ trợ cho 230.000 người thuộc nhóm lao động tự do mỗi người 1.500.000 đồng.
Trong bối cảnh bế tắc đó hầu hết họ muốn rời TP quay về quê lánh nạn. Nhưng việc hồi hương với một cá nhân, gia đình là điều cực kỳ nan giải. Có một thực tế, vào cuối tháng 6 khi tại TPHCM các ca dịch tăng, tiến sát đến mức gần 1.000 ca/ngày, các tỉnh/thành có tâm lý e ngại đón người dân từ các vùng đang có dịch bùng phát trở về, vì việc này được hiểu chở dịch về nhà và tăng chi phí tốn kém, nhận lấy phiền phức vào mình.
Nhưng sau đó lãnh đạo các tỉnh/thành nhận thấy việc đưa người dân về quê trước là chia lửa với TPHCM bớt gánh nặng, sau là tình nghĩa không thể bỏ mặc bà con đồng hương lúc khó khăn, nên đã xây dựng kế hoạch hồi hương với số lượng lớn.
Tuy nhiên, từ ý tưởng đến khi triển khai trên thực tế mới thấy muôn điều khó khăn. Muốn là một chuyện, về được hay không là chuyện khác. Người dân muốn về quê phải có lộ phí, đồ ăn thức uống, xe cộ, thủ tục hành chính liên quan đến xét nghiệm rất phiền phức và chi phí khá cao so với túi tiền của người dân.
Nhiều người cùng đường tìm cách tự di chuyển về nhà nhưng không thành công, như chuyện cả gia đình 4 mẹ con đạp xe từ Đồng Nai về Nghệ An; hay nhóm 50 người Hre đi bộ từ Bình Định về Quảng Ngãi nhưng không nổi, may có sự trợ giúp của mọi người mới về được đến nhà.
Trong lúc nan giải như thế, Hội đồng hương (HĐH) các tỉnh đã nhập cuộc. Đây là tổ chức không chính thức, không có tổ chức chặt chẽ mang tính pháp lý, con dấu, văn phòng, chủ yếu tập hợp những người cùng quê lại với nhau trên tinh thần tự nguyện.
Thật ra trước dịch, các HĐH hoạt động cũng không tính đến những người lao động tự do, nhưng trong những ngày dịch này nhiều HĐH đã ra tay nghĩa hiệp hỗ trợ người đồng hương yếu thế lương thực, thực phẩm, đồ ăn nóng và cả nơi ở.
Tiên phong trong việc đưa đồng hương về quê đầu tiên là HĐH Đà Nẵng. Ngay khi nhận thấy tình hình không ổn, HĐH Đà Nẵng đã phát đi thông báo, nhận đăng ký và ngay lập tức làm việc với UBND TPHCM để nhận sự hỗ trợ trong việc làm các thủ tục xét nghiệm, đồng thời liên hệ với UBND TP Đà Nẵng tìm trợ giúp bà con thu xếp khi về đến nơi, liên hệ với Vietnam Airlines lo chuyến bay. Kết quả, trưa 21-7 chuyến bay VN-122 của Vietnam Airlines chở nhóm đầu tiên trong số 626 người dân Đà Nẵng kẹt lại TPHCM đã hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng.
HĐH Đà Nẵng huy động được gần 1 tỷ đồng, Mặt trận Tổ quốc TP Đà Nẵng phụ giúp 500 triệu đồng lo cho bà con, giúp bà con được bay miễn phí cùng các chi phí xét nghiệm, chi phí trong thời gian cách ly tại Đà Nẵng, ngoài ra mỗi người còn được hỗ trợ 500.000 đồng. Các chuyến bay tiếp theo đưa dân về TP Đà Nẵng vẫn đang được tiếp tục.
Gần như đồng thời, HĐH Quảng Nam cũng nhanh chóng xúc tiến đưa gần 10.000 người dân đăng ký về quê bằng xe bus. 10 chuyến xe đầu tiên ưu tiên cho những trường hợp đặc biệt đã được xúc tiến, dần sẽ thu xếp cho nhóm ưu tiên tiếp theo.
Từ ngày 20-7, Bình Định triển khai chuyến bay đầu tiên đón người lao động mưu sinh ở TPHCM gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 về quê miễn phí. HĐH tỉnh Bình Định ước tính có khoảng 1.000 người lao động hồi hương, Mọi chi phí vé máy bay, xét nghiệm, ăn ở tại khu cách ly tập trung được hỗ trợ 100% cho bà con từ nguồn kinh phí huy động từ xã hội hóa.
Trong đợt dịch bệnh này mới thấy tình đồng bào, nghĩa đồng hương thật đáng quý. HĐH không chỉ mang đến cho bà con vật chất, thực phẩm, quan trọng nhất là tình cảm, bà con thấy ấm lòng vì xa xứ đi mưu sinh nhưng không cô độc, bởi dường như quê hương vẫn bên cạnh mình khi khốn khó.