Manh mún làng nghề cá cảnh

Nuôi trồng và kinh doanh cá cảnh được TPHCM xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị. Nhưng thời gian qua, do việc phát triển manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, đặc biệt những người nuôi mới thiếu kinh nghiệm đầu tư ồ ạt, mạnh ai nấy làm đã khiến ngành này giảm hiệu quả kinh tế so với tiềm năng.

Nuôi trồng và kinh doanh cá cảnh được TPHCM xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị. Nhưng thời gian qua, do việc phát triển manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, đặc biệt những người nuôi mới thiếu kinh nghiệm đầu tư ồ ạt, mạnh ai nấy làm đã khiến ngành này giảm hiệu quả kinh tế so với tiềm năng.

Rơi rụng

Cá Bảy màu.

Cá Bảy màu. 

Việc phát triển nghề nuôi và kinh doanh cá cảnh thời gian qua đã góp phần cải thiện thu nhập và giải quyết công ăn việc làm của một bộ phận người dân trên địa bàn thành phố, nhất là các quận, huyện vùng ven.

Tuy nhiên, sản xuất cá cảnh vẫn mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ nên không đáp ứng được những đơn hàng có số lượng lớn, chất lượng con cá không đồng đều với các đơn hàng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất của các trại còn hạn chế, chưa đáp ứng quy trình giám sát an toàn dịch bệnh, quy trình sản xuất, chọn và lai tạo giống mới, chủ yếu làm theo cách truyền thống; việc tổ chức sản xuất chưa liên kết chặt chẽ, hội viên phân tán, không phát huy được sức mạnh các nghệ nhân có tâm huyết, thị trường xuất khẩu rộng nhưng chưa tập trung, số lượng xuất khẩu tăng nhưng chưa mạnh.

Nghệ nhân Huỳnh An, chủ trại cá Tư Chẩy (phường 14, quận 8), người mấy chục năm trong nghề, cho biết giai đoạn 1989-1996, tình hình kinh doanh cá cảnh khá thuận lợi, nhưng khoảng một thập niên trở lại đây, nhiều trại cá khác đều ở tình trạng “ngắc ngoải”, lỗ nhiều hơn lãi. Số lượng người nuôi cá ngày càng nhiều, đặc biệt lớp trẻ thiếu kinh nghiệm đầu tư ồ ạt, mạnh ai nấy làm khiến chất lượng cá cảnh giảm sút nhanh chóng. Thời gian gần đây người nuôi cá còn đối diện nhiều khó khăn về xử lý dịch bệnh, kỹ thuật, đầu ra cho sản phẩm khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Một số thị trường xuất khẩu lớn có chủ trương siết chặt, tăng cường quản lý các tiêu chuẩn nhập cá cảnh nên số doanh nghiệp trong nghề “rụng” dần, chỉ còn khoảng 3 doanh nghiệp đủ năng lực xuất khẩu lớn.

Khôi phục làng nghề

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn TPHCM, trong 6 tháng đầu năm 2012, ngành nuôi cá cảnh trên địa bàn đạt sản lượng 36 triệu con, tăng 9% so với cùng kỳ và đạt 51,4% kế hoạch đề ra. Tổng giá trị đạt khoảng 289 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu đạt 4,5 triệu con, tăng 12,5% so với cùng kỳ và đạt 45% so với kế hoạch năm 2012. Châu Âu là thị trường xuất khẩu chính chiếm 72,6%, trong đó Đức 18,5%, Cộng hòa Séc 13,4%, Nga 11,7%, Anh 8,2%; 2 thị trường ở châu Á nhập khẩu cá của Việt Nam là Nhật Bản và Singapore chiếm 13,4%. Theo kế hoạch, 6 tháng cuối năm ngành nuôi cá cảnh thành phố phấn đấu đạt 70 triệu con, xuất khẩu 10 triệu con. Mục tiêu đề ra đến năm 2015 sẽ sản xuất 100 triệu con cá cảnh, xuất khẩu khoảng 20-30 triệu con, đạt kim ngạch khoảng 30-40 triệu USD/năm, tăng 7,6% so với năm 2011.

Hiện thành phố có 283 cơ sở sản xuất cá cảnh, tăng gấp 2 lần so với năm 2005. Số lượng cửa hàng kinh doanh cá cảnh cũng đạt 263 cơ sở, tăng 3 lần so với năm 2005. Nếu như trước đây khu vực sản xuất cá cảnh tập trung chủ yếu ở các quận 8, 12, Gò Vấp, Thủ Đức… thì nay đã mở rộng và phát triển mạnh, đặc biệt là huyện Bình Chánh, Củ Chi. Hệ thống cửa hàng đã hình thành trên khắp quận, huyện. Cùng với đó, sự tiến bộ về kỹ thuật lai tạo, nhân giống đã tạo ra nhiều loại cá có giá trị xuất khẩu cao như Neon, Moly, Bình tích, Trân châu, Hòa lan, Hồng kim, Hạt lựu, Bảy màu, Tỳ bà…

Cơ sở quan trọng nhất để đẩy mạnh phát triển ngành cá cảnh là UBND TPHCM có Quyết định 3463/QĐ-UBND, phê duyệt Chương trình phát triển cá cảnh giai đoạn 2011-2015 từ tháng 7-2011. Đây là một trong những chương trình nhằm thực hiện thành công chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị giai đoạn 2011-2015 và Đề án phát triển nông nghiệp đô thị TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025. Theo đó, thành phố xác định khâu quy hoạch thành các làng nghề cá cảnh chuyên biệt phải được chú trọng. Trong đề án phát triển cá cảnh giai đoạn 2011-2015, thành phố cũng nhìn ra nguyên nhân yếu kém và đúc kết: "Sản xuất cá cảnh thành phố còn mang tính tự phát. Tổ chức sản xuất chưa có sự liên kết chặt chẽ, đặc biệt là vai trò của các hội, chi hội cá cảnh còn nhiều hạn chế, hội viên phân tán, chưa phát huy sức mạnh thực sự của các nghệ nhân có tâm huyết".

Được biết, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn TPHCM đang phối hợp với Hợp tác xã Nông nghiệp và Nuôi trồng thủy sản Hà Quang thực hiện thí điểm làng nghề cá cảnh tại xã Trung An, huyện Củ Chi với tổng số vốn gần 15 tỷ đồng, quy mô 36ha. Nhưng điều bất cập là người đứng đầu các mô hình trên chỉ là nhà đầu tư chứ không phải nghệ nhân, nên phát triển chưa đi vào chiều sâu và hiệu quả thấp. Thêm vào đó, trên địa bàn xã Trung An, các mô hình trên nằm rải rác, manh mún nên chưa phát huy được thế mạnh.

Các tin khác