Mạnh tay tái cấu trúc lần 2

NHNN can thiệp mạnh hơn

(ĐTTCO) - Đề án tái cấu trúc NH năm 2011-2015 đã được thực hiện và mang lại những thành công nhất định như việc giảm số lượng NH đáng kể. Tuy nhiên những vấn đề tiếp tục nảy sinh sau giai đoạn vừa qua đòi hỏi giai đoạn 2 sẽ phải mạnh tay hơn.

NHNN can thiệp mạnh hơn

Theo thông tin từ Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC), trong một cuộc họp gần đây, Thống đốc NHNN đã đề cập đến xung đột giữa các nhóm cổ đông của Eximbank và hàm ý rằng NHNN có thể can thiệp mạnh hơn ở đây. Thống đốc cho rằng vấn đề ở Eximbank không phải về tài chính mà chính là sự bất đồng giữa các nhóm cổ đông lớn, đặc biệt sở hữu chéo ở NH này cần được giải quyết triệt để. Chưa được xác nhận, nhưng một cuộc thanh tra đột xuất ở Eximbank cũng được báo cáo của HSC nhắc đến. Một trong các nội dung của đợt thanh tra có thể liên quan đến việc tổ chức 2 ĐHCĐ gần đây của NH, đặc biệt trong vấn đề kiểm phiếu.

Được biết, ngày 2-8 tới Eximbank sẽ tổ chức ĐHCĐ lần thứ 3. Nhưng trước thềm đại hội diễn ra, vấn đề nhân sự chủ chốt tiếp tục có sự biến động. Theo đó, biên bản họp HĐQT Eximbank ngày 30-6 xác nhận danh sách do nhóm các cổ đông sở hữu cổ phần từ 10% trở lên có quyền biểu quyết liên tục 6 tháng, giới thiệu ứng cử viên bầu bổ sung thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI gồm 6 thành viên, tăng thêm 4 ứng viên so với danh sách ứng cử tại ĐHCĐ lần thứ 2. Trên thị trường cũng đồn đoán 4 trong số 6 ứng viên trong danh sách mới đại diện nhóm cổ đông liên quan đến một NH khác.

Bài toán sắp xếp lại nhân sự cấp cao ở Eximbank cho đến nay vẫn chưa giải quyết được. Sở hữu cổ phần tại Eximbank còn có Vietcombank với tỷ lệ 8,19%. HSC cho rằng NHNN có thể cử người đại diện cho phần vốn nhà nước thông qua sở hữu cổ phần của Vietcombank. Thực tế vào năm ngoái, thông tin này cũng đã được thị trường bỏ ngỏ. Cũng tại cuộc họp trên, Thống đốc NHNN nói về việc đẩy nhanh hơn nữa các biện pháp tái cấu trúc NH yếu kém, bao gồm 3 NH đã được mua 0 đồng trước đó và một vài NH yếu kém khác. NHNN đang trong quá trình xây dựng phương án tái cơ cấu để trình Thủ tướng Chính phủ. Vào tháng 4 vừa qua, nhân sự kiện 65 năm thành lập ngành NH, Thống đốc cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục thực hiện toàn diện, sâu rộng hơn đề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD; đề án xử lý nợ xấu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát NH, bảo đảm an toàn hệ thống.

 Yêu cầu cao hơn trong giai đoạn 2

Giai đoạn 1 (2011-2015), việc tái cơ cấu NH được thực hiện thông qua các thương vụ hợp nhất, sáp nhập, xử lý sở hữu chéo; NHNN mua lại NHTM với giá 0 đồng. Để thực hiện điều này NHNN đã ban hành nhiều văn bản pháp lý khuyến khích các NH tự nguyện tái cơ cấu, chỉ khi NH quá yếu kém và có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới hệ thống, NHNN mới can thiệp. Đối với vấn đề xử lý sở hữu chéo, biện pháp giải quyết tập trung vào việc thắt chặt các quy định liên quan tới sở hữu; yêu cầu các doanh nghiệp, tổng công ty, tập đoàn nhà nước thoái vốn khỏi các NHTM. Kết thúc giai đoạn này có đến 8 thương vụ sáp nhập/hợp nhất NH với nhau và có 9 NH bị xóa sổ. Mặc dù chưa đánh giá được hết hiệu quả của các vụ M&A, nhưng những thương vụ ban đầu đã hoàn thành nhiệm vụ ổn định hệ thống.

Một sự kiện gần đây tại NH được NHNN mua lại 0 đồng là CB liên quan đến việc giải quyết nợ xấu với nhóm vay nợ Phương Trang. Vụ việc sẽ phải giải quyết tại tòa sau khi CB cho biết khởi kiện Phương Trang để đòi khoản nợ gần 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên giữa CB và Phương Trang đã không thống nhất về các con số nợ của doanh nghiệp. Việc định giá tài sản thế chấp trong tín dụng của giai đoạn NH tiền nhiệm lại được đặt ra. Qua đó có thể thấy, với NH đã chuyển đổi thuộc sở hữu nhà nước vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong việc giải quyết những tồn đọng. 4 năm qua, trong quá trình thực hiện tái cơ cấu hệ thống NH, NHNN đã không sử dụng biện pháp phá sản. Đây được cho là giải pháp hợp lý trong bối cảnh Việt Nam hiện nay. Tuy vậy, các chuyên gia đánh giá việc tái cấu trúc NH giai đoạn 2011-2015 phần lớn mang tính cơ học, việc xử lý mới dừng lại ở các vấn đề cấu trúc lại tài chính và cơ cấu cổ đông, trong khi việc nâng cao hiệu quả quản trị chưa được thể hiện một cách rõ ràng.

Đến nay, PVcomBank là NH sớm cho biết cụ thể về đề án tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo lãnh đạo NH này, 3 nhiệm vụ trọng tâm trong đề án giai đoạn 2 của PVcomBank là tái cấu trúc danh mục tín dụng (thu hồi nợ Vinashin, Vinalines, cổ đông cũ), tái cấu trúc danh mục đầu tư (riêng năm 2016 là 7 khoản với dư nợ 2.927 tỷ đồng) và hoàn thiện, nâng cao năng lực quản trị, đảm bảo phát triển bền vững và có kết cấu tài sản an toàn. NHNN sẽ tiếp nhận đại diện chủ sở hữu phần vốn của PVN tại PVcomBank sau khi hoàn thành đề án tái cơ cấu PVcomBank. 2 NH khác cũng đang được thị trường chờ đợi cuộc họp ĐHCĐ là Sacombank và DongABank. Mặc dù 2 NH này cũng đã trải qua thời kỳ tái cơ cấu giai đoạn 1 với việc sáp nhập Phương Nam vào Sacombank và tự tái cơ cấu của DongABank. Tuy nhiên kết quả tái cơ cấu đến nay vẫn chưa thực sự rõ ràng.

NHNN nên có đề án tái cấu trúc NH lần 2, trong đó cần có những giải pháp rõ ràng để nâng cao hiệu quả quản trị; đặc biệt cần có giải pháp cụ thể hơn với những NH đã mua lại với giá 0 đồng, những NH được xem là yếu kém. Ngoài ra, mục tiêu xây dựng hệ thống NH lành mạnh với số lượng 20-25 NH cần có giải pháp riêng. Cuối cùng việc áp dụng các tiêu chuẩn theo NH quốc tế cũng cần nhanh chóng áp dụng.

Các tin khác