Mạnh tay với cơ sở làm đẹp không phép

(ĐTTCO) - Dù đã được cảnh báo thường xuyên nhưng nhiều người vẫn tìm đến làm đẹp tại các cơ sở không phép, để rồi mang hậu quả nặng nề. Điều đáng nói, chỉ sau khi những sự cố đau lòng xảy ra hoặc khi có phản ánh của người dân thì cơ quan chức năng mới vào cuộc. Phải chăng công tác quản lý trong lĩnh vực làm đẹp vẫn còn nhiều lỗ hổng?

Bát nháo, coi thường pháp luật 

Mới đây, một phụ nữ đã tử vong sau khi phẫu thuật thẩm mỹ đốt mỡ vùng hai cánh tay và ngực trái tại Trung tâm thẩm mỹ Key Beauty Center (số 154/9 đường Nguyễn Trọng Tuyển, phường 8, quận Phú Nhuận) thu hút sự quan tâm của dư luận.

Qua xác minh, cơ quan chức năng kết luận bệnh nhân tử vong do sốc phản vệ nghi do thuốc gây mê, gây tê; tổn thương não do thiếu oxy não và biến chứng hôn mê, suy hô hấp tuần hoàn. Điều đáng nói, khi phát hiện vụ việc, Sở Y tế TPHCM phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra thì mới “ngã ngửa” khi trung tâm thẩm mỹ trên đã “hô biến”!

Theo thống kê của Bệnh viện Da liễu TPHCM, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 3-5 trường hợp biến chứng phẫu thuật thẩm mỹ. TS-BS Trần Nguyên Ánh Tú, Trưởng khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TPHCM, cho biết, các tai biến thẩm mỹ thường gặp là tiêm filler (chất làm đầy), rạn da, hư hỏng da do sử dụng thuốc… Nhiều bệnh nhân nhập viện khi quá nặng và đến quá trễ phải điều trị liên tục, lâu dài; ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính thậm chí là tính mạng. 

Mạnh tay với cơ sở làm đẹp không phép ảnh 1Hoạt động bát nháo bên trong một cơ sở thẩm mỹ chui

Một chuyên gia trong ngành thẩm mỹ cho rằng, mặc dù ngành y tế TPHCM đã và đang thường xuyên kiểm tra, giám sát để xử phạt các hoạt động thẩm mỹ sai phạm nhưng các cơ sở thẩm mỹ chui vẫn mọc lên như “nấm sau mưa”. Bởi hiện nay, thẩm mỹ đang là lĩnh vực “hái” ra tiền với nhu cầu cực lớn. Nhiều cơ sở sau khi bị buộc ngừng hoạt động thì ngay lập tức đổi tên, tiếp tục hoạt động rầm rộ.

Việc quản lý các cơ sở này vô cùng khó khăn, số tiền xử phạt thấp nên họ sẵn sàng nộp phạt để rồi vẫn tiếp tục tái diễn. Theo quy định, một bác sĩ chỉ được cấp chứng chỉ hành nghề cho một chuyên ngành. Đặc biệt, phẫu thuật thẩm mỹ là lĩnh vực rất chuyên sâu, mang tính đặc thù và phải đào tạo trung bình từ 11-15 năm, đồng thời bắt buộc hàng năm phải tham dự giờ giảng để cập nhật kiến thức mới. Tuy nhiên, trên thực tế, việc quản lý chuyên môn những cơ sở hành nghề trong lĩnh vực này lại đang bị buông lỏng.

Đủ kiểu ngụy trang 

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện có rất nhiều cơ sở thẩm mỹ “3 không” (không giấy phép, không chứng chỉ hành nghề, bằng cấp chuyên môn và không đảm bảo điều kiện vô trùng) vẫn ngang nhiên tồn tại, thu hút đông đảo khách hàng. Một phần do nhu cầu cao và một phần quan trọng là do dịch vụ làm đẹp đang bị “thả nổi”. Do thả nổi, các cơ sở thẩm mỹ chui liên tục tung ra những lời quảng cáo có cánh nên nhiều khách hàng dễ dàng sập bẫy. 

Một cán bộ Thanh tra Sở Y tế TPHCM cho rằng, chiêu đối phó phổ biến của các cơ sở thẩm mỹ chui khi thanh tra chuyên ngành đến kiểm tra là khóa cửa thang bộ, chỉ còn một lối tiếp cận hiện trường là di chuyển bằng thang máy. Tuy nhiên, thang máy chỉ sử dụng được khi có thẻ từ. Trong thời gian chờ lực lượng chức năng tìm cách lên các tầng, cơ sở thẩm mỹ đã giấu các trang thiết bị trên tầng thượng và quăng dụng cụ mổ sang nhà kế bên…

Ngoài đối phó khi bị kiểm tra, các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ trái phép còn ngụy trang với nhiều hình thức như phía dưới là quán cà phê, trong chung cư, cơ sở bán mỹ phẩm hay thậm chí là tiệm cắt tóc, gội đầu... 

Để đưa hoạt động làm đẹp về đúng quỹ đạo, theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, việc giám sát, kiểm tra, phát hiện và xử lý phải được chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ, nghiêm túc hơn. Công tác thanh tra, kiểm soát việc quảng cáo của các cơ sở làm đẹp cũng cần được tăng cường nhằm loại bỏ dạng quảng cáo “thổi phồng”, vượt quá phạm vi cho phép. 

Theo Sở Y tế TPHCM, hiện trên địa bàn thành phố có 20 bệnh viện thẩm mỹ, 28 bệnh viện đa khoa có khoa thẩm mỹ, 5 phòng khám đa khoa có chuyên khoa thẩm mỹ, 226 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và 46 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ xăm, phun da đủ điều kiện.

Sở Y tế TPHCM đã yêu cầu các Phòng Y tế quận huyện, TP Thủ Đức tiếp tục triển khai các giải pháp, kịp thời phát hiện và ngăn chặn người hành nghề và các cơ sở hành nghề làm đẹp trái phép trên địa bàn. Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan quy định chặt hơn nữa về biển hiệu của các cơ sở làm đẹp, cùng với đó là tăng nặng mức xử phạt đủ sức răn đe. 

Thanh tra Sở Y tế TPHCM vừa tiến hành kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động khám chữa bệnh tại 12 phòng khám đa khoa đã từng bị xử lý vi phạm hành chính trước đây, trong đó 4 phòng khám có đăng ký người hành nghề là người nước ngoài (phòng khám đa khoa Âu Á, Hoàn Cầu, Hồng Phong và Thăng Long). Qua kiểm tra, ghi nhận tại các phòng khám này đều tái vi phạm quy định hành nghề khám chữa bệnh.

Các tin khác