Nhân vật trong tuần

Mario Draghi “khẩu thần công” ECB

Được Liên minh châu Âu (EU) bổ nhiệm làm Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào cuối tháng 6-2011 và nhậm chức từ ngày 1-11 cùng năm, cựu Thống đốc Ngân hàng Italia Mario Draghi (ảnh) đang chứng tỏ phản ứng nhanh nhạy trong công tác cứu trợ các con nợ châu Âu.

Được Liên minh châu Âu (EU) bổ nhiệm làm Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào cuối tháng 6-2011 và nhậm chức từ ngày 1-11 cùng năm, cựu Thống đốc Ngân hàng Italia Mario Draghi (ảnh) đang chứng tỏ phản ứng nhanh nhạy trong công tác cứu trợ các con nợ châu Âu.

Tại Hội nghị Đầu tư toàn cầu do Chính phủ Anh tổ chức ở London vào cuối tháng 7, ông Draghi cam kết: “ECB sẵn sàng làm bất cứ điều gì để bảo vệ đồng EUR. Cứ tin tôi đi, chúng sẽ hiệu quả”. Cho đến nay, ECB được coi là cơ quan nhanh nhẹn nhất của EU trong công cuộc đối phó khủng hoảng nợ công châu Âu.

Những biện pháp ứng phó đáng chú ý của ECB có 2 đợt bơm tiền mặt (hơn 1.000 tỷ EUR) vào hệ thống ngân hàng khu vực đồng EUR thông qua các hoạt động tái cấp vốn dài hạn và mua lại trái phiếu chính phủ trên các thị trường thứ cấp. ECB cũng hạ tỷ lệ lãi suất tái cấp vốn tiêu chuẩn xuống mức thấp kỷ lục 0,75%.

Draghi đã hứa dốc toàn lực cho đồng tiền chung của châu Âu. Các thị trường chăm chú theo dõi nhất cử nhất động của ECB và vị Chủ tịch Draghi. Ông đã không làm họ phải thất vọng.

Tại một trong những cuộc họp được chờ đợi nhất trong lịch sử ECB, ngày 6-9, Draghi công bố lãi suất chủ chốt được giữ nguyên ở mức cực thấp 0,75%, đồng thời, hạ mức dự báo tăng trưởng của 17 nước thành viên eurozone, theo đó nền kinh tế các nước sẽ suy giảm 0,4% trong năm nay và dự kiến tăng trưởng 0,5% trong năm 2013 (trong dự báo đưa ra tháng 6 vừa qua, ECB cho rằng mức suy giảm của Eurozone sẽ chỉ 0,1% và năm sau tăng trưởng 1%).

Tuy nhiên, tâm điểm chú ý của thị trường là chương trình cải tiến mới của Draghi mang tên “Outright Monetary Transactions” (Các giao dịch tiền tệ công khai - OMT) đối với các trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp, nhằm mua không hạn chế trái phiếu phát hành bởi các nước eurozone đang gánh nặng nợ công.

OMT sẽ thay thế cho Chương trình Thị trường Chứng khoán (SMP) đang bị cho là nhập nhằng ranh giới giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài chính. Thế nhưng người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Đức Jens Weidmann đã lên tiếng chỉ trích OMT “tài trợ cho các chính phủ bằng cách in tiền”.

Draghi khẳng định OMT không vượt quá thẩm quyền của ECB. Không như SMP, chương trình OMT sẽ đi kèm các điều kiện nghiêm ngặt và ECB không đưa cho các nước bị khủng hoảng một chi phiếu khống. Các nước muốn tiếp cận OMT trước hết phải xin cứu trợ từ một trong 2 quỹ ứng cứu của eurozone, mà nếu muốn nhận tiền từ các quỹ này, các chính phủ phải đáp ứng được các mục tiêu cải tổ đã thỏa thuận.

ECB chỉ mua trái phiếu kỳ hạn đến 3 năm nhưng không giới hạn khối lượng mua. Nhiều chuyên gia kinh tế ca ngợi bước đi mới của Draghi và ECB, ví như “khai hỏa khẩu thần công tấn công vào thị trường trái phiếu chính phủ - vấn đề cốt lõi cuộc khủng hoảng eurozone”, “thể hiện rõ hơn quyết tâm không để bất cứ thành viên nào phá sản”…

Ông Draghi đã vạch ra kế hoạch trong lúc Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy gặp nhau tại Madrid để xua tan những lo ngại về nguy cơ tan vỡ liên minh tiền tệ EUR. Tuy ECB làm hết sức để giải cứu eurozone nhưng Draghi cũng nhấn mạnh các chính phủ cần thực hiện nhiệm vụ của mình để cứu đồng EUR. Kế hoạch tổng thể của Draghi được vạch ra nhằm kéo giảm chi phí đi vay đang tăng vọt - yếu tố các quốc gia bị khủng hoảng tàn phá cho là đã ngăn cản họ tự đứng dậy trên đôi chân của mình.

Các tin khác