Mất chỗ dựa, nhà băng khốn đốn khi 'ông lớn' thoái vốn

(ĐTTCO) - Việc các tổng công ty, tập đoàn tuyên bố thoái vốn khỏi các ngân hàng thương mại (NHTM) với giá khởi điểm cao hơn thị giá, khiến cho cổ đông và nhà đầu tư (NĐT) ngỡ ngàng.
Mất chỗ dựa, nhà băng khốn đốn khi 'ông lớn' thoái vốn

Phía ngược lại, lãnh đạo các NH bị thoái vốn cũng đang lo lắng, bởi một khi các “ông lớn” này thoái ra các NH sẽ bị “hụt hẫng” vì không còn nhận được ưu đãi.

PGB có bị “thổi” giá?

Ngày 1-3, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) phát đi thông báo về việc Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) cấp giấy chứng nhận chào bán ra công chúng 120 triệu cổ phần (CP) tại NHTMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank, mã CK: PGB) mà tập đoàn này đang nắm giữ, theo hình thức đấu giá công khai tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE).

Số CP này tương đương với 40% của PGB, với mức giá khởi điểm là 21.300 đồng, tương ứng giá trị chào bán ở mức 2.556 tỷ đồng. So với thị giá của PGB thời điểm đó là 17.000 đồng, mức giá khởi điểm chào bán cao hơn 25%.

Vậy nhưng, sau khi thông tin được công bố ra công chúng, PGB có chuỗi tăng giá khá ấn tượng và hiện đang giao dịch ở mức giá khoảng 22.000 đồng, tương đương với mức giá khởi điểm mà Petrolimex mang ra chào bán ngày 7-4 sắp tới.

PGB là một trong những NH có vốn điều lệ không thay đổi trong nhiều năm qua, giữ nguyên ở mức 3.000 tỷ đồng. Trước đây vào năm 2018, PGB từng có kế hoạch sáp nhập vào VietinBank nhưng không thành. Sau đó, HDBank có thỏa thuận sáp nhập với PGB nhưng kế hoạch bị hủy bỏ vào 2021.

Do hoạt động với quy mô khiêm tốn nên kết quả kinh doanh của PGB cũng khá “nhỏ bé” so với mặt bằng chung. Lũy kế cả năm 2022, lợi nhuận trước thuế PGB đạt 506 tỷ đồng, tăng 54% so với năm ngoái và vượt 24% kế hoạch năm là 406 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của PGB đạt gần 49.000 tỷ đồng.

PGB cũng đang chịu áp lực nợ xấu khá lớn. Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng dư nợ VAMC của PGB lên đến 951 tỷ đồng, trong đó đã trích lập và thu hồi 350 tỷ đồng, khoản còn lại sẽ dự kiến trích lập và thu hồi trong vòng 3 năm, nhưng với tình cảnh khó khăn như hiện nay thì mục tiêu này xem ra rất khó khăn.

Cũng tại thời điểm cuối năm 2022, dư nợ cho nhóm doanh nghiệp bất động sản là 2.000 tỷ đồng, dư nợ xây dựng 3.000 tỷ đồng. Đây là những con số đáng báo động với NH có vốn điều lệ chỉ 3.000 tỷ đồng như PGB.

Kế hoạch thoái vốn của Petrolimex có thể khiến PGB gặp bất lợi nhưng CP vẫn tạo sóng, cho thấy mã CP này đang bị “thổi” giá, bởi mức giá hiện tại nhỉnh hơn so với các mã NH có quy mô và thế mạnh lớn gấp nhiều lần. Đơn cử, VPB hiện đang giao dịch ở mức giá hơn 20.000 đồng, MBB hơn 18.000 đồng, HDB hơn 18.000 đồng, OCB hơn 16.000 đồng, SHB hơn 10.000 đồng… thì PGB giao dịch với giá 22.000 đồng là điều bất thường.

Theo giới phân tích, nhiều khả năng PGB được kéo lên để làm đẹp báo cáo và sâu xa hơn là tránh tác động đến NH đứng ra nhận chuyển giao bắt buộc với PGB. Cuối tuần vừa qua, một lãnh đạo cao cấp của NHTMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank, mã CK: MSB), xác nhận đang chuẩn bị phương án sáp nhập thêm một NH để trình ĐHCĐ thông qua và NHNN phê duyệt theo gợi ý của cơ quan này. Dù không công bố tên NH được MSB nhận chuyển giao, nhưng nhiều người cho rằng đó là PGB.

LPB đưa giá khởi điểm quá cao

Trước đó 1 tháng, NHNN đã có văn bản chấp thuận đề nghị của NHTMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, mã CK: LPB), về việc chuyển nhượng hơn 140,5 triệu CP LPB do Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) sở hữu. Cùng với thông báo từ NHNN, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng cung cấp thông tin về phiên đấu giá số CP này vào ngày 21-4, với giá khởi điểm 22.908 đồng.

Tại thời điểm công bố thông tin, mã CP LPB đang giao dịch ở mức giá dưới 15.000 đồng. Điều này đồng nghĩa với giá khởi điểm mà VNPost mang ra chào bán cao hơn 55% so với thị giá. Tuy nhiên, không như trường hợp PGB, mã LPB gần như không biến động sau thông tin này, và hiện đang giao dịch ở mức giá hơn 15.000 đồng.

Theo giới phân tích, hiện tượng đi ngang của LPB sau thông tin này mang lại yếu tố tích cực là điều khá dễ hiểu, bởi VNPost có lịch sử “mang đến lại mang về” khi thoái vốn khỏi NH này. Dẫn chứng thời điểm đầu năm 2022, VNPost từng thực hiện bán đấu giá gần 122,2 triệu CP LPB với giá khởi điểm 28.930 đồng, tương đương hơn 3.500 tỷ đồng cho toàn bộ lô. Tuy nhiên, phiên đấu giá đã thất bại thảm hại khi chỉ có 7 NĐT cá nhân trong nước mua thành công chỉ vỏn vẹn 800 CP, với giá đấu bình quân 29.483 đồng.

Với LPB, rủi ro nợ xấu cũng là yếu tố khiến cổ đông lo lắng. Theo báo cáo tài chính quý IV-2022, tỷ lệ nợ xấu tăng 6 điểm cơ bản so với quý trước và 13 điểm cơ bản so với cùng kỳ lên 1,5% vào cuối 2022. Trong cả 2022, LPB đã sử dụng dự phòng để xử lý 1.400 tỷ đồng nợ xấu (tăng 237%), tương ứng với tỷ lệ 0,6% trên dư nợ cho vay.

LPB hiện không đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và hạn chế cấp tín dụng cho các doanh bất động sản, nhưng theo dự báo của giới phân tích, chi phí dự phòng của NH vẫn sẽ cao trong giai đoạn 2023-2024 với lần lượt là 3.000 tỷ đồng và 3.200 tỷ đồng, tương ứng với 1,2% dư nợ cho vay.

Mất đặc ân từ “ông lớn”

Một vấn đề được nhiều NĐT quan tâm, sau khi thoái hết vốn Petrolimex có rút hết tiền gởi tại PGB khi tập đoàn này không hề có cam kết sẽ không rút tiền. Tại thời điểm 31-12-2022, Petrolimex và các công ty con, công ty liên kết đang có tổng cộng gần 3.156 tỷ đồng tiền gửi tại PGB. Con số này tương đương hơn 10% tổng tiền gửi khách hàng của NH này.

Cụ thể, Petrolimex gửi 1.637 tỷ đồng, bao gồm 1.037 tỷ đồng tiền gửi thanh toán và 600 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn. Các công ty con và công ty liên kết có 217 tỷ đồng tiền gửi thanh toán và hơn 1.302 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn…

Tương tự, sau khi VNPost thoái vốn, các phòng giao dịch (PGD) bưu điện của LPB sẽ không được nhận tiền gửi tiết kiệm và phải có biện pháp chi trả hết tiền gửi tiết kiệm của khách hàng đã nhận trước đó, cũng như các PGD bưu điện sẽ đóng cửa sau khi các khoản tiền gửi được chi trả.

Theo dữ liệu năm 2021, ngoài 76 chi nhánh và 480 PGD thông thường, LPB vận hành đến 613 PGD bưu điện. Đây có thể xem là con số rất lớn và các PGD bưu điện này cũng được coi một trong những lợi thế cạnh tranh lớn nhất của LPB.

Việc cổ đông lớn là các tập đoàn, tổng công ty thoái vốn thường là tin tốt cho các NH lớn. Thế nhưng, đối với những NH nhỏ như PGB hay LPB thì đây lại là tin không vui, bởi ngoài vai trò là cổ đông lớn, các “ông lớn” này cũng được coi là chỗ dựa về tài chính, khách hàng và thương hiệu của các NH.

Các tin khác