Những tháng ngày dịch giã quá khủng khiếp vừa qua, cùng sự ra đi của đấng sinh thành, là cuốn phim tua chậm, có khi hướng về phía tương lai mù mịt trống trải, có khi chiếu đi chiếu lại trong tâm trí của Anh Thư, Anh Thùy, Anh Quốc ngay cả trong giấc ngủ. Mấy ngày này, cuốn phim đó lại tua về tháng 7, tháng 8, rõ rệt hơn bao giờ hết.
“Hình ảnh cả nhà ngồi ăn cơm trong phòng trọ lúc bình yên, hình ảnh mẹ chuyển bệnh nặng không thở được, tiếng còi xe cấp cứu dồn dập đầu hẻm, hình ảnh bác lúc chạy lại đầu dãy trọ mắt đỏ hoe thông báo cha mất… cứ hiện về, như mới hôm qua thôi. Em vẫn chưa tin được, chỉ trong vòng 1 tháng, 3 chị em mồ côi cả cha lẫn mẹ”, Thư kể, rồi bật khóc.
Con hẻm vào nhà trọ chị em Thư sống ở 2009/8A Phạm Thế Hiển, phường 6, quận 8 với những dãy trọ nghèo nối dài, từ hẻm này sang hẻm kia. Cuối dãy trọ chừng 5 căn là tổ ấm hơn 10 năm qua gia đình Thư sinh sống. Bỗng chốc cơn bão Covid-19 quét qua. Tấm bảng “Khu trọ có F0”, những sợi dây giăng 2 màu đỏ trắng trong hẻm mấy tháng trước không còn nữa, nhưng ở đây dây đã giăng mắc trong lòng trẻ mồ côi như ba chị em Thư không biết khi nào gỡ hết.
Thư kể, sau khi ba mất một thời gian vì đột quỵ thì em và mẹ có triệu chứng mắc Covid-19. Vì nhà trọ nhỏ, Thư và mẹ ở dưới, còn hai em chưa nhiễm virus là Thùy, Quốc ở trên gác. “Tụi em không nghĩ tới tình huống xấu nhất, vì mẹ đã tiêm 1 mũi vaccine. Tới khi mẹ mệt không ăn được, tụt oxy, em gọi điện cho bác, nhờ gọi xe cấp cứu và xếp cho mẹ mấy bộ đồ đi bệnh viện. Xe cấp cứu vừa tới đầu hẻm, tụi em đỡ mẹ lên ghế bố, tập thở vì oxy tuột nhanh quá thì mẹ… không thở nữa. Biết là vậy, mọi người vẫn cho mẹ lên xe cấp cứu đi một đoạn. Đi chỉ để đi, cầu mong một phép màu. Mà không có phép màu nào cả… Em gái ngồi trên gác nhìn mẹ đi như vậy, nó khóc một mình trên đó”.
Bác Trần Thanh Hoàng (bác ruột của Thư, 53 tuổi) kể: “Tội nghiệp đám nhỏ! Ba nó làm thợ hồ mất hồi tháng 7, mẹ làm thợ may mất tháng 8, là khoảng thời gian dịch bùng ghê lắm. Khu vực này là vùng đỏ, một ngày mất hơn chục người. Xung quanh đây có rất nhiều đứa nhỏ mồ côi sau đợt dịch”.
Bác Hoàng kể thêm, trong gia đình mình, còn có thêm 2 người nữa cũng qua đời vì Covid-19. “Không bao giờ gia đình chúng tôi nghĩ có ngày phải đối mặt với biến cố tang thương liên tiếp như vậy. Các em nằm xuống không có người thân bên cạnh”, bác Hoàng thở dài, nhìn lên di ảnh hai người em.
Bé Anh Thùy nãy giờ vẫn ngồi ở góc nhà, nhìn lên bàn thờ tạm, nước mắt lăn dài. “Bình thường, giờ này ba đi làm sắp về nè. Ba sẽ mua cá nấu canh chua cho em ăn”, Thùy bất chợt nói. Cây nhang trên bàn thờ vừa gần hết, Thư đốt thêm nén nhang cho cha mẹ được ấm lòng, rồi quay lại vỗ về em: “Chút nữa chị nấu canh chua y như ba nấu cho em ăn nha”. Thư bảo, ngày trước dù đi làm xa hay gần, cha cũng nấu đồ ăn trưa, ăn tối cho mấy chị em, và rằng món canh chua ba làm là số một.
Nói xong, Thư òa khóc. “Có những chiều mưa như trút nước, cha chạy xe về nhà ướt đẫm mà vẫn không quên mua đồ nấu canh chua. Cả cha và mẹ tới lúc mất không trăn trối gì. Hồi trước, mẹ suốt ngày kêu em bớt ăn để sau còn lấy chồng, giờ muốn có người nói vầy cũng không còn ai…”, Thư nhớ lại, nước mắt ướt đầm cả khẩu trang.
“Cơn bão” Covid-19 nghiệt ngã đã biến những tổ ấm thiếu vắng đấng sinh thành. Nơi từng rất yên vui, giờ không còn chút hơi ấm nào nữa, chỉ còn lại những đứa trẻ đang ngày qua ngày vật lộn với đớn đau mất mát và gồng gánh tự mưu sinh.
Chúng tôi rời căn nhà trọ của chị em Thư, những câu thơ trong bài Mất mẹ của tác giả Xuân Tâm cứ hiển hiện: “Quanh tôi ai cũng khóc/ Im lặng tôi sầu thôi/ Mặc dòng nước mắt chảy/ Là bớt khổ đi rồi/ Thuở nhỏ tôi không tin/ Người thân yêu sẽ mất/ Hôm đó tôi thẫn thờ/ Và nghi ngờ trời đất… Tôi biết tôi mất mẹ/ Là mất cả bầu trời”.