Từ Ấn Độ đến Indonesia, nhiều chính phủ ở khu vực châu Á đang ủng hộ xây dựng hàng trăm thành phố thông minh, sử dụng công nghệ như nhận diện khuôn mặt, trí tuệ nhân tạo (AI) và các dữ liệu trong các dịch vụ công cộng, an sinh xã hội để cải thiện quản lý rác thải, bảo tồn năng lượng, giải quyết tắc nghẽn giao thông và giảm thiểu các nguy cơ liên quan đến biến đổi khí hậu.
Forest City - được tiếp thị là một thành phố mang tính biểu tượng như Singapore - khá đắt đỏ so với người dân Malaysia
Tuy nhiên, phát biểu tại một hội thảo về đô thị ở Penang (Malaysia) ngày 17-10, Trợ lý Tổng Thư ký LHQ Armida Salsiah Alisjahbana kêu gọi chính quyền cần giải quyết các lo ngại về quyền riêng tư và bảo vệ những người dễ bị tổn thương. Việc gia tăng sử dụng dữ liệu và các hệ thống như phần mềm nhận diện khuôn mặt cũng đang gây nhiều lo ngại liên quan đến an ninh, quyền riêng tư và sự bình đẳng.
Bên cạnh đó, theo Colin Fernandes, chuyên gia tại Trung tâm Sẵn sàng cho thảm họa toàn cầu thuộc Hội Chữ thập đỏ Mỹ, các cư dân nghèo hơn và những người không dùng công nghệ có thể bị “gạt ra ngoài lề”. Phần lớn các thành phố thông minh đang nằm trong các dự án đều không được thiết kế để trở thành nơi ở của làn sóng di cư từ nông thôn lên thành thị.
Theo chuyên gia này, việc thu thập thông tin thường “bỏ quên” những người không có chỗ ở chính thức, và họ chính là những người dễ bị tổn thương nhất khi xảy ra thảm họa và biến đổi khí hậu. Họ là những người cần được hưởng các lợi ích từ an ninh xã hội và các hỗ trợ khác.
Một chuyên gia về thành phố thông minh của Chính phủ Singapore, ông Lim Teng Leng, cho biết các giải pháp dựa trên công nghệ cũng không phải “thuốc chữa bách bệnh” cho các vấn đề của đô thị, mà thường gây ra nhiều vấn đề buộc chúng ta phải giải quyết.