Chỉ vài ngày sau khi xuất hiện thông tin Google, Facebook muốn hợp tác hoặc mua lại Công ty Điện thoại Internet (VoIP) Skype, đột nhiên gã khổng lồ Microsoft nhảy vào tung ra một núi tiền 8,56 tỷ USD thôn tính luôn Skype.
Skype là thương vụ lớn nhất từ trước đến nay của Microsoft, bỏ xa cuộc sáp nhập Công ty Quảng cáo aQuantive trị giá 6 tỷ USD năm 2007. Ngược dòng thời gian, dường như Microsoft không được “mát tay” với những vụ thôn tính. Năm 2008, Microsoft mua Công ty Công nghệ di động Danger với giá khoảng nửa tỷ USD, kết quả cho ra đời điện thoại KIN thất bại thảm hại. Tương tự, Microsoft không thể “lắp ráp” aQuantive vào cỗ máy chung nên cuối cùng đã phải bán lại bộ phận này, tiếp tục ngậm ngùi nhìn quảng cáo trực tuyến èo uột. Những năm gần đây, có vẻ Microsoft đã rút kinh nghiệm, tránh xa những vụ thôn tính hao tiền tốn của tương tự và chỉ theo đuổi những công ty nhỏ, dễ quản lý hơn. Quý I-2011, doanh thu Microsoft tăng 13%, đạt 16,43 tỷ USD, lãi ròng tăng 31%, lên 5,23 tỷ USD.
![]() |
Sự kết hợp Microsoft-Skype, liệu có thành công? |
Microsoft đã có Windows Live Messenger cung cấp miễn phí nhắn tin, voice và video-chat, phục vụ khoảng 330 triệu người dùng mỗi tháng. Với đối tượng doanh nghiệp, Microsoft có Lync 2010 và đang lên kế hoạch kết hợp Kinect vào Lync để tạo thêm hiệu ứng. Trong lúc đó, Skype khai trương năm 2003 nhanh chóng chiếm được cảm tình của người sử dụng vì tiện ích điện thoại internet giá rẻ (VoIP). Hai năm sau, sàn đấu giá trực tuyến eBay đã chi 3,1 tỷ USD mua Skype. Năm 2009, eBay bán phần lớn cổ phần cho một nhóm đầu tư tư nhân với giá 1,9 tỷ USD. Năm ngoái, Skype tuy đạt doanh thu 860 triệu USD nhưng vẫn lỗ 7 triệu USD và mang nợ dài hạn 686 triệu USD. Số lượng người dùng Skype chỉ bằng 1/3 Windows Live Messenger. Vậy tại sao Microsoft chịu chi một số tiền gấp cả chục lần doanh thu Skype để được sở hữu công ty này?
Skype tuy nhỏ hơn nhưng chất lượng thoại và hình ảnh được cho là tốt hơn Windows Live Messenger. Các dịch vụ online của Skype cũng miễn phí. Tuy nhiên, Skype thu phí dịch vụ kết nối điện thoại trực tuyến với điện thoại truyền thống ở cả 2 chiều đến và đi. Đây là yếu tố hái ra tiền vì có khoảng 8 triệu người dùng Skype sẵn sàng trả tiền cho dịch vụ kết nối với điện thoại truyền thống trong trường hợp người thân, đối tác, bạn bè của họ không thể online cùng lúc. Hệ thống điện thoại Skype toàn cầu sẽ góp phần mở rộng Messenger/Lync.
Trên website Microsoft, gã khổng lồ đánh giá Skype là người tiên phong trong việc kết nối gia đình, bạn bè, đồng nghiệp trên toàn thế giới, truyền tải trên 207 tỷ phút voice và video-chat trong năm 2010. Skype sẽ hỗ trợ tốt cho các thiết bị của Microsoft như Xbox, Kinect, Windows Phone… và Microsoft sẽ kết nối người dùng Skype với Lync, Outlook, XboxLive và các cộng đồng mạng khác. “Chúng ta sẽ cùng nhau tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi người có thể dễ dàng duy trì liên lạc với gia đình, bạn bè, khách hàng, đồng nghiệp ở bất cứ nơi nào trên thế giới” - Giám đốc điều hành Microsoft Steve Ballmer tuyên bố.
Thật ra, mua Skype với giá 8,5 tỷ USD có vẻ quá đắt vì Skype tuy phổ biến nhưng vẫn chật vật tìm kiếm lợi nhuận, chưa kể đang mang nợ. Hơn nữa, Microsoft hoàn toàn có thể tự xây dựng nền tảng điện thoại (tương tự những gì Google đang làm với Google Voice) với chi phí thấp hơn nhiều. Có lẽ nguyên nhân thực sự là gã khổng lồ quyết định dùng núi tiền để mau chóng chặn đứng con đường Google hay Facebook đến với Skype. Do đó, người dùng VoIP có lý do để lo ngại, vì từ trước đến nay Microsoft đã chứng minh họ luôn tìm cách tận thu trên các sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu Microsoft.