Cá linh non đầu mùa theo nước nổi lên đồng kiếm ăn, sinh trưởng, sau bốn tháng, giờ nó đã to hơn ngón tay cái. Nước giựt, cá linh cũng theo con nước ngược ra sông tìm đường về thượng nguồn duy trì nòi giống. Đó là mùa cá ra sông được ngư dân chờ đợi mỗi năm, cuối mùa nước nổi.
Ngọn gió bấc bắt đầu thổi mạnh. Từng cơn gió lạnh tát sầm sập vào xóm ghe du cư của cánh vạn chài neo đậu cạnh đập nước Tha La ở ấp Cây Chăm, xã Vĩnh Tế, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Với những người chuyên sống nghề hạ bạc (nghề đánh bắt cá trên sông nước), đó là dấu hiệu sắp hết mùa nước ngập.
Xóm ghe du cư của gia đình ông Lê Văn Thứ, neo đậu bên bờ kênh Tha La, cặp tuyến dân cư vượt lũ ấp Cây Chăm, xã Vĩnh Tế.
Hơn 40 năm kinh nghiệm đặt dớn (một loại lưới bắt cá) cá linh, ông Lê Văn Thứ, 64 tuổi ở xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang đã quá quen với quy luật tự nhiên của mùa nước nổi xứ mình. Ông nói, sau Tết Đoan Ngọ (mồng 5 tháng 5 âm lịch), nước trên các con sông, rạch bắt đầu xoay, chuyển từ mầu xanh sang mầu đỏ gạch. Nước lũ từ thượng nguồn sông Mê Công cuồn cuộn đổ về đầu nguồn châu thổ Cửu Long, tràn qua mấy con đê, suốt mấy tháng trời mới đạt đỉnh.
Tới khi ngọn gió bấc thổi liu riu, xào xạt mấy tấm ni-lông cũ kỹ buổi hừng đông là ông Thứ biết nước lũ đầu nguồn chựng lại. Gió thổi mạnh hơn, từng cơn rát lạnh như cây kim đâm vào da thịt cũng là lúc nước từ đồng rút ngược ra sông, rạch để đổ ra cửa biển. Ông Thứ quả quyết: “Trúng, thất gì là nhờ vào đợt đánh bắt mùa cá ra sông, cuối mùa nước nổi này”.
Ba anh em ruột trong gia đình đã ba đời theo nghề hạ bạc (từ trái qua: Cẩm Hồng và chồng (áo đỏ) cùng 2 anh ruột Tùng, anh Kình) trong mùa nước nổi năm nay.
Chỉ tay về hướng cánh đồng nước nổi thuộc xã biên giới Nhơn Hưng, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang, ông Thứ nói, đó là “ngư trường” của cả gia đình ông đang đánh bắt. Đã ba năm qua, cứ tới rằm tháng 7 khi con nước “nhảy” khỏi bờ, là ông Thứ lại cùng các con rời khỏi quê nhà, dong ghe ngược dòng lên đầu nguồn đặt dớn.
Anh Lê Văn Tùng, 42 tuổi, con trai trưởng ông Thứ, cầm lái chiếc vỏ lãi đưa chúng tôi trải nghiệm mưu sinh trên đồng lũ. Dọc bờ kênh Tha La, những chiếc vó gạt liên tục thả tấm lưới to chìm nghỉm xuống nước hứng luồng cá ngược dòng, rồi cất lên, thu hoạch. Trên đồng tấp nập xuồng, ghe giăng lưới, đặt lọp, lú, dớn...
Anh Tùng đang đi kiểm tra những đường dớn lưới cá linh trên đồng ngập lũ.
Vung cánh tay quét một vòng tròn rộng lớn về phía đồng xa, anh Tùng chỉ cho chúng tôi những luồng dớn cá linh của cha mình và bốn anh em ruột. Theo anh Tùng, mỗi luồng dớn lưới dài cỡ 200m, có 10 chiếc rọ (bụng lưới hình tròn), mỗi rọ cách nhau 200m, có hai miệng túi chứa cá. Cộng hết chiều dài các đường dớn lưới của cả nhà anh hơn sáu cây số với khoảng 300 chiếc rọ và 600 túi cá. Mỗi ngày, cả nhà anh phải thức từ ba giờ sáng để lên đồng đổ dớn và phải mướn thêm người làm, tới trưa đứng bóng mới xong.
“Riêng của vợ chồng tui được 32 chiếc rọ của ba đường dớn, mỗi ngày thu hoạch được từ 60 đến 80kg cá các loại, bán được cỡ 600.000 đến 1 triệu đồng. Đó là chưa kể phần dớn của mấy anh em hùn vốn làm chung”, anh Tùng nói.
Cá linh đổ dớn được xuồng chở về cặp bến ghe để phân loại trước khi bán cho thương lái.
Anh Lê Văn Kình, em ruột anh Tùng cho hay, nhà mình đã ba đời sống bằng nghề hạ bạc. Từ thời ông nội, rồi tới cha anh là ông Lê Văn Thứ, còn năm anh em ruột trong nhà thì đã bốn người nối nghiệp ông, cha.
Xòe bàn tay thô ráp, Kình cho hay, ước mơ lớn nhất đời mình là có chỗ ở tại quê nhà Thạnh Mỹ Tây, được mua suất nền tái định cư ưu đãi cho người nghèo. Không hộ khẩu vì cảnh sống trên ghe, nên vợ chồng Kình phải “gửi” đứa con bảy tuổi nhờ hộ khẩu người quen ở quê nhà cho đi học...
“Năm nay 38 tuổi, tui đã có “thâm niên” 20 năm theo cha trong những cuộc mưu sinh trên sông nước. Lấy vợ được 14 năm thì vợ chồng ra ở riêng trên ghe tới tận bây giờ”, Kình thổ lộ.
Xòe bàn tay thô ráp, Kình cho hay, ước mơ lớn nhất đời mình là có chỗ ở tại quê nhà Thạnh Mỹ Tây, được mua suất nền tái định cư ưu đãi cho người nghèo. Không hộ khẩu vì cảnh sống trên ghe, nên vợ chồng Kình phải “gửi” đứa con bảy tuổi nhờ hộ khẩu người quen ở quê nhà cho đi học...
Sau hơn nửa ngày trời lặn ngụp trong dòng nước, từng túi cá to được đổ lên xuồng, được phân loại, chuẩn bị bán cho bạn hàng. Mặt trời lên thẳng đỉnh đầu, anh Tùng nói, thời điểm này mới kết thúc một ngày đổ dớn. Anh cho biết, năm nay nước nổi không nhiều, chỗ sâu nhất trên đồng chưa tới hai thước nước, dưới mức báo động III. Bởi vậy, năm nay cá, tôm cũng ít hơn mọi năm.
Các xuồng đi đổ dớn đồng xa lần lượt về cập bến cạnh đập nước Tha La. Xóm nhỏ ven biên trở nên chộn rộn. Những gia đình trên tuyến dân cư vượt lũ ấp Cây Chăm cũng tới ngó coi cá hôm nay trúng, thất thế nào, có cá gì ngon thì mua về nấu cơm chiều.
“Cá linh to hơn ngón tay cái, bán cho lái thu mua tại chỗ được 17.000 đồng/kg; cá chạch vừa vừa cỡ ngón tay người lớn có giá 140.000 đồng/kg; cá tạp cân bán làm mồi chế biến thức ăn chăn nuôi có giá 5.000 đồng/kg”, anh Tùng giải thích.
Nước trên đồng giựt mạnh, đường dớn lưới cá linh của anh Tùng lộ rõ hẳn lên trên mặt nước.
Cá về tới bến là cánh đàn ông coi như hoàn thành nhiệm vụ. Cả ông Thứ, anh Tùng, anh Kình xúm lại quán cà-phê cóc ven đường giải khát. Chuyện còn lại như lựa cá, bán cá, thu tiền đều do mấy bà vợ đảm đương. Ông Thứ nói, nghề dớn của gia đình mình chỉ làm một mùa, mà phải dành dụm, chi tiêu ăn cả một năm trời. Mà mùa nước nổi chỉ đánh bắt được bốn tháng liền, là phải xếp dớn lên ghe, chờ con nước tới. Mỗi mùa nước nổi, làm lụng ròng rã, các con ông, người tằn tiện, tích góp nhiều nhất được 50 triệu đồng, người ít hơn thì dư hai, ba chục triệu đồng. Thu nhập chính của họ đều kiếm từ những cuộc mưu sinh trong mùa nước nổi nên phải chi tiêu tiết kiệm.
Nhìn đồng nước giựt nhanh, ông Thứ quả quyết, từ con nước 25 tháng 10 (âm lịch) và con nước mồng 10 tháng 11 (âm lịch) là vô chính vụ mùa cá ra sông. Cao điểm nhất là những ngày đêm nước kém như mồng 10 và 25, lo chuẩn bị sức mà canh đổ dớn. Khi đồng cạn nước, ông dời dớn xuống sông, rạch đón những luồng cá cuối mùa chạy lũ. Lúc này con cá linh từ sông, rạch nhỏ chạy ra sông lớn, rồi ngược dòng về thượng nguồn sông mẹ Mê Công “làm nhiệm vụ” duy trì nòi giống.
Ông Thứ nói, nghề dớn của gia đình mình chỉ làm một mùa, mà phải dành dụm, chi tiêu ăn cả một năm trời. Mà mùa nước nổi chỉ đánh bắt được bốn tháng liền, là phải xếp dớn lên ghe, chờ con nước tới. Mỗi mùa nước nổi, làm lụng ròng rã, các con ông, người tằn tiện, tích góp nhiều nhất được 50 triệu đồng, người ít hơn thì dư hai, ba chục triệu đồng. Thu nhập chính của họ đều kiếm từ những cuộc mưu sinh trong mùa nước nổi nên phải chi tiêu tiết kiệm.
“Trước những năm 2000, làm một mùa ăn một năm là có thiệt, mà ăn dư dả nữa là đằng khác. Hồi đó, cá linh tính bằng giạ, đong bằng thùng 20 lít như đong lúa, chứ không phải cân ký như bây giờ. Tới mùa cá ra sông thì cả xóm sáng đèn, người ta đổ hết ra sông, ra đồng đổ dớn cá linh, cất vó. Có nhà nhiều nhân lực, làm giỏi bắt được tới vài chục, vài trăm giạ cá linh. Số thì bán lấy tiền, rồi làm cá khô, ủ mắm, ăn quanh năm không hết”, ông Thứ nhớ lại.
Ông Thứ nói, những năm gần đây do ảnh hưởng của các đập thủy điện thượng nguồn sông Mê Công nước lũ về đồng bằng châu thổ Cửu Long mỗi năm mỗi ít và thất thường. Rồi những con đê ngăn lũ cho những cánh đồng lúa vụ ba mọc lên ngày một nhiều hơn nên tôm cá theo con nước về không có nơi sinh sôi, nảy nở. Những cuộc mưu sinh của hàng chục nghìn người làm nghề hạ bạc như ông cũng thất thường như con nước nổi xứ này.