Miền Trung sạt lở từ rừng xuống biển

(ĐTTCO) - Nạn phá rừng để trồng keo lá tràm, san ủi chân đồi núi để lấy đất, làm nhà ở diễn ra từ nhiều năm qua tại khu vực các tỉnh miền Trung. Tình trạng này là nguyên nhân khiến nhiều nơi bị sạt lở từ rừng xuống biển, bị lũ quét.
Nhiều ngôi nhà sắp bị sông Gò Chàm (xã Phước An, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) "nuốt chửng". Ảnh: NGỌC OAI
Nhiều ngôi nhà sắp bị sông Gò Chàm (xã Phước An, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) "nuốt chửng". Ảnh: NGỌC OAI

Nơm nớp núi sạt, lũ quét

Dọc tuyến ĐT 626 từ thị trấn Di Lăng (huyện Sơn Hà) qua huyện Tây Trà đến dãy Eo Chim (huyện Trà Bồng) của tỉnh Quảng Ngãi là những mảng xanh nham nhở xen lẫn trong những bản làng nằm vắt vẻo lưng núi. Tại đoạn qua sông Tang, con đường ĐT 626 cắt ngang chân núi nên cả một đoạn đường chằng chịt vết sạt lở.

Ông Dương Đình Cường, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Di Lăng, cho biết: “Thị trấn có 3 khu vực nguy cơ sạt lở cao là khu dân cư làng Bồ, đồi Gu và núi Van Cà Vãi. Riêng sạt lở ở đồi Gu và núi Van Cà Vãi, chúng tôi đã triển khai các giải pháp để khắc phục tạm thời nhưng sạt lở vẫn tiếp diễn phức tạp".

Ngược lên xã Sơn Long (Sơn Tây, Quảng Ngãi), đường Trường Sơn Đông đã cắt ngang dãy núi Pa Ray, nguy cơ sạt lở chực chờ. Đi sâu theo đường Trường Sơn Đông qua phía tỉnh Kon Tum, hai bên đường những mảng sườn núi chờ chực đổ ập xuống, đe dọa nhiều bản làng nhỏ của người H’rê. Mấy tháng qua, tại khu vực núi Cà Mon (thôn Nước Lăng, xã Ba Xa, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) cũng xảy ra nhiều vết nứt kéo dài.

Dưới chân dãy núi này là 25 hộ dân với khoảng 90 nhân khẩu thấp thỏm, lo lắng bởi nạn sạt lở khi vào mùa mưa. Ông Phạm Văn Vôn, Chủ tịch UBND xã Ba Xa, cho biết, để tránh thảm họa, địa phương đã kiến nghị cấp trên sớm đầu tư khu tái định cư để di dời 25 hộ dân, trong đó có 11 hộ dưới chân núi Cà Mon.

Trong khi đó, ở vùng rẻo cao huyện An Lão (tỉnh Bình Định), người dân luôn nơm nớp bởi 3 loại thiên tai vào mùa mưa: bão - ngập lũ - sạt lở đất. Còn ngay tại TP Quy Nhơn (Bình Định), những năm trở lại đây thường xuyên xảy ra các vụ sạt lở, ngập lụt.

Quanh các núi Bà Hỏa, Vũng Chua, đèo Quy Hòa là các khu vực có nguy cơ sạt lở rất cao. Sau góc núi Bà Hỏa, một số hộ dân thuộc tổ 3, khu vực 1 (phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) vô cùng lo lắng vì một mảng núi đang bị bung lở có thể đổ ập xuống khu dân cư bất cứ lúc nào.

Sông biển bị lở, xâm thực

Không chỉ núi sạt, lũ quét mà nhiều sông suối, cửa biển khu vực miền Trung cũng đối diện tình trạng bị lở, xâm thực. Đôi bờ sông Đá (đoạn qua xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) nạn sạt lở đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng, nhiều đoạn đã “ăn” sâu vào các vùng ruộng sản xuất của người dân khoảng 5m, có những hàm ếch sâu từ 2-5m.

Theo UBND xã Hành Nhân, bờ sông Đá bị sạt kéo dài khoảng 3km, cuốn trôi nhiều đất đai sản xuất cũng như đe dọa đến đời sống 215 hộ dân với khoảng 1.000 nhân khẩu. Tương tự, bờ sông Re (xã Ba Ngạc, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) cũng đang bị sạt, đe dọa trực tiếp đến hơn 20 hộ dân và nhiều công trình như trạm y tế, UBND xã Ba Ngạc.

Ông Phan Văn Tuốt (thôn Krên, xã Ba Ngạc) cho biết: “Trước đây, bờ sông nằm cách xa nhà dân hàng trăm mét, nhưng nay nó đã tiến sâu vào sát nhà chỉ còn cách 2m. Chúng tôi khiêng đá về xây kè nhưng sau mỗi mùa mưa là tan hoang. Nếu chính quyền không có giải pháp thì tới đây đất đai, nhà cửa sẽ bị cuốn trôi hết”.

Dọc các sông lớn ở khu vực Bình Định, Phú Yên như sông La Tinh, Kôn, Hà Thanh, Ngân Sơn, Ba… nạn sạt lở cũng tiếp diễn bởi trên sông ngày càng mọc thêm nhiều mỏ khai thác cát.

Không chỉ ven các sông mà ở ven các bờ biển từ Quảng Nam đến Phú Yên cũng liên tục bị xâm thực khiến cho nhiều làng mạc, công trình bị tàn phá. Ven biển huyện Tuy An (Phú Yên), chính quyền thống kê có khoảng 8 điểm xâm thực bờ sông, bờ biển. Khu vực làng biển Gành Đỏ (phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, Phú Yên) cũng xảy ra tình trạng sạt lở, xâm thực tàn phá khu dân cư và các biệt thự xây sát biển. Bờ biển xã Mỹ Thắng (huyện Phù Mỹ, Bình Định) cũng liên tục bị triều cường uy hiếp, gây sạt lở vào mỗi mùa mưa lũ.

Mưa là lo chạy

Ở Bắc miền Trung, với bà con bản Hòa Sơn (xã Tà Cạ, huyện rẻo cao Kỳ Sơn, Nghệ An), mỗi khi có mưa lớn lại mang cảm giác nơm nớp, bất an. Trận lũ quét kinh hoàng đầu tháng 10-2022 đã “ám” vào đời sống người dân nơi đây. Bà con càng không an tâm khi trong bản có nhiều nhà tạm bợ.

Gần 1 năm sau trận lũ quét, đến nay vẫn còn 16 hộ phải làm nhà tạm ở vị trí cũ; 16 hộ làm nhà tạm ở vị trí khác vì vị trí cũ bị đất đá bồi lấp và 14 hộ đang phải đi ở nhờ. Ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, cho biết, nguy cơ sạt lở tại bản Hòa Sơn nói riêng và xã Tà Cạ nói chung vẫn sẽ tiếp tục xảy ra khi có mưa lớn kéo dài. Ngoài ra, hiện nay quả núi phía sau khu dân cư ở khối 4 và khối 5 (thị trấn Mường Xén) xuất hiện vết nứt dài đến tận phía sau nhà dân.

Những năm trước đây, người dân bản Phà Kháo (xã Mai Sơn, huyện Tương Dương, Nghệ An) phải sống trong cảnh thường xuyên bị sạt lở đất đe dọa nên tỉnh Nghệ An và huyện Tương Dương xây dựng khu tái định cư với kinh phí 21 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Kha Văn Chân, Phó Chủ tịch UBND xã Mai Sơn, cho biết, khu tái định cư Phà Kháo cũng sạt lở nên UBND huyện Tương Dương đã có chủ trương khắc phục, nhưng hiện nay vẫn chưa thấy triển khai. “Mấy ngày nay có mưa to, mà mưa to kéo dài thì lo lắm”, ông Chân chia sẻ.

Các tin khác