Phải dựa vào chính sách tài khóa - tiền tệ
Liên quan đến sự hỗ trợ của chính sách tài khóa và tiền tệ, số liệu do TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV đưa ra cho thấy, các quốc gia phát triển thường chi 16% GDP, gồm chính sách tài khóa khoảng 10% GDP và gói chính sách tiền tệ vào khoảng 6% để hỗ trợ người dân và DN.
Các nước mới nổi như Việt Nam bình quân hỗ trợ 7,7% GDP. Còn thực chi của Việt Nam trong năm 2020 chỉ khoảng 2,94% GDP, năm 2021 thậm chí dưới 1% GDP.
Do vậy, TS. Cấn Văn Lực đã kiến nghị về việc xem xét ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo, với tổng giá trị bổ sung khoảng gần 40.000 tỷ đồng, tương đương 0,62% GDP năm 2020, chưa kể giá trị các gói hỗ trợ hiện tại có thể còn gia tăng khi được điều chỉnh, gia hạn.
Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) Jacques Morisset cũng cho rằng, Việt Nam cần hướng sang chính sách tài khóa nhiều hơn, vì công cụ này chưa được Chính phủ sử dụng nhiều nhưng lại có thể giúp kích cầu trong ngắn hạn và cung trong dài hạn, cũng như dư địa tài khóa trong hiện tại và ngắn hạn đều có thể thực hiện.
Nhìn về vai trò của chính sách tài khóa TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng thời gian qua chính sách tài khóa cũng đã có rất nhiều cố gắng, góp phần vào quá trình chống dịch thông qua các khoản ngân sách chi y tế rất lớn, bên cạnh đó là chính sách trợ cấp cho người thất nghiệp, miễn thuế, giảm thuế…
Tuy nhiên, điều này cũng không thể đáp ứng toàn bộ. Hiện đứng trước yêu cầu mở cửa nền kinh tế, Nhà nước cần phải có nhiều tiền để đáp ứng những nhu cầu hỗ trợ cho nền kinh tế phát triển.
Vậy giải pháp để có nhiều tiền là gì? Theo TS. Trương Văn Phước, cần phải chấp nhận một mức bội chi ngân sách trên GDP cao hơn trong bối cảnh Việt Nam vẫn có dư địa tốt trong chính sách tài khóa, để phục vụ cho chống dịch và hỗ trợ nền kinh tế.
Cụ thể là trần nợ công quy định ở mức 65% GDP, nhưng chỉ mới đạt khoảng 57-58% GDP. Đây là dư địa để có thể tiếp tục huy động vốn phục vụ cho quá trình vừa chống dịch vừa hỗ trợ cho DN và người dân.
Cũng theo TS. Trương Văn Phước, các nước đều có khoản ngân sách tương đối lớn so với GDP để cứu trợ cho nền kinh tế, đặc biệt là để phục hồi nền kinh tế. Việt Nam trong bối cảnh bình thường không thể sử dụng 10-20% ngân sách so với GDP để cứu trợ, nhưng trong trường hợp đặc biệt này cũng nên dành ra một ngân sách tương đối lớn hơn, qua việc chấp nhận bội chi ngân sách cao hơn và nợ công lớn hơn trong tỷ lệ Quốc hội cho phép để có thể hỗ trợ DN.
Trong một tọa đàm gần đây, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel cũng đề nghị về việc xem xét tăng quy mô các gói hỗ trợ DN trong bối cảnh tỷ lệ nợ công trên GDP năm 2021 thấp hơn mức trần cho phép, thặng dư ngân sách nhà nước 83.000 tỷ đồng, lạm phát khoảng 3,1%...
Một số giải pháp nữa cũng liên quan đến chính sách tài khóa có thể sử dụng cũng được nhiều chuyên gia đề cập gần đây là Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Quỹ này hiện đang có nguồn kết dư gần 90.000 tỷ đồng, dự kiến sắp tới sẽ chi khoảng 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Số dư còn lại của Quỹ đang được nhiều chuyên gia khuyến nghị sử dụng để hỗ trợ tái đào tạo lao động bị mất việc làm do Covid-19 thời gian qua.
Cấp bù lãi suất từ chính sách tài khóa
Cấp bù lãi suất từ chính sách tài khóa
Đáng chú ý, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ngay trong kỳ họp tháng 10 các giải pháp về cấp bù lãi suất cho NH để giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho DN và giải pháp hỗ trợ dựa trên chi phí lao động.
Theo thông tin ban đầu từ NHNN, dự kiến gói này khoảng 3.000 tỷ đồng, tức quy mô cấp bù cho dư nợ khoảng 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ người dân, DN trong thời gian tới. Đây là một số điểm trên chính sách tài khóa đang được DN kỳ vọng sớm triển khai để tiếp sức phục hồi, phát triển.
Trong phần bội chi ngân sách nêu trên, TS. Phước cho rằng nên bao gồm cả việc cấp bù lãi suất cho DN vay NH để có thể giúp họ vượt qua khó khăn trong quá trình phục hồi kinh tế. Nền kinh tế đang có dư nợ vay gần 10 triệu tỷ đồng.
Có thể cấp bù 10-20% trong tổng dư nợ đó, ưu tiên ưu đãi cho những ngành nghề nào có những tác động nặng nề bởi dịch, để tái phục hồi nền kinh tế. Theo đó, việc cấp bù có thể thực hiện theo hướng NH tạm ứng trước và khấu trừ vào thuế thu nhập DN hàng năm.
Tháo gỡ những điều kiện vay vốn từ thể chế tín dụng
Lãi suất thấp xuống, ngân sách cấp bù, người vay tiền trả lãi suất cũng ít hơn. Đó là giúp cho DN và người dân vượt qua đại dịch. |
Tuy nhiên, dịch bùng phát từ tháng 4 đến nay càng khiến một lượng lớn khách hàng của NH rơi vào cảnh đình đốn sản xuất kinh doanh nên việc điều chỉnh thời hạn cơ cấu là phù hợp.
Nhưng cũng phải thấy rằng, DN đang khó khăn và gượng dậy, dù được cơ cấu nợ nhưng muốn vay vẫn phải đáp ứng về điều kiện tình hình tài chính, phương án sản xuất kinh doanh, tài chính. Điều này đồng nghĩa cơ hội vay vốn của DN để phục hồi sẽ khó khăn nếu như không nới các điều kiện tiếp cận vốn.
Do vậy cần có những quy định rất phù hợp với thời đại dịch để có thể tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn vay của NH thực tế hơn. Bởi theo các DN, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, dòng tiền như oxy đối với họ.
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), cho biết hiện rất nhiều DN đã đuối sức, thậm chí kiệt quệ. Do đó, DN rất cần được tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất thấp để giảm chi phí, tái đầu tư sản xuất kinh doanh. Việc hỗ trợ lãi suất cần phải được thông qua một cơ chế và điều kiện vay dễ dàng hơn để các DN có thể tiếp cận được vốn.
Nói như TS. Trương Văn Phước, NHNN cần phải có những quy định cụ thể về điều kiện thực tế thời đại dịch, để DN vay tiền phục hồi sản xuất. Chẳng hạn cho vay tín chấp là một trong các vấn đề quan trọng trong điều kiện thực tế thời đại dịch. Cần phải tạo ra một cơ chế cho những DN thiếu tài sản đảm bảo.
Cơ chế cho vay tín chấp thực thi theo hướng Nhà nước, các bộ ban ngành và chính quyền địa phương cùng tổ chức, ngồi lại để thẩm định hiệu quả của phương án vay, gỡ các điều kiện tiếp cận vốn cho DN. Đây là điều kiện tối quan trọng trong tái mở cửa của nền kinh tế.
Về phía NHNN phải tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ để mặt bằng lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay thấp xuống, vì những động thái vừa rồi không phải là công cụ từ chính sách tiền tệ mà chỉ là công cụ hỗ trợ.
Mặc dù thời gian qua, lãi suất có giảm nhưng trong bối cảnh này cần điều hành lãi suất thấp xuống một bước nữa. Lãi suất thấp xuống, ngân sách cấp bù, người vay tiền trả lãi suất cũng rất ít. Đó là giúp cho DN và người dân. Chính sách tiền tệ cần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và phòng ngừa lạm phát, nhưng trong bối cảnh này phải tạo ra những bước đột phá về mặt chính sách để hỗ trợ nền kinh tế..
Cần phải chấp nhận một mức bội chi ngân sách trên GDP cao hơn trong bối cảnh Việt Nam vẫn có dư địa tốt trong chính sách tài khóa, để phục vụ cho chống dịch và hỗ trợ nền kinh tế. |