Mỗi năm cả nước có hơn 100.000 người đi làm việc tại nước ngoài, gửi hàng tỷ đôla kiều hối về cho đất nước. Bình quân, xuất khẩu lao động giúp giải quyết việc làm khoảng 10% tổng số lao động. Nhưng con số này sẽ còn tăng lên nếu chúng ta nắm bắt được những “cơ hội vàng” khi hàng loạt thị trường “mở cửa” với lao động Việt Nam.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị truyền thông về xuất khẩu lao động do Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao đông-Thương binh và Xã hội) và Tạp chí Lao động và Xã hội tổ chức ngày 4/10 tại Quảng Ninh.
“Mở cửa” những thị trường thu nhập cao
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết tính chung từ năm 2006 đến nay, Việt Nam đã đưa được hơn 1 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài. Xuất khẩu lao động đã và đang đóng góp quan trọng vào công tác giải quyết việc làm hàng năm, bình quân khoảng 10% tổng số lao động.
Cùng với số lượng, chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng không ngừng được nâng cao, ngành nghề đưa đi được mở rộng; trong đó có nhiều ngành nghề mới như điều dưỡng, hộ lý, lao động trong một số lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lao động có tay nghề, kỹ thuật cao.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, các thị trường chính của Việt Nam tiếp tục được củng cố và tăng cường, đặc biệt là thị trường khu vực Đông Bắc Á, Trung Đông, Malaysia và gần đây một số thị trường châu Âu cũng có những tín hiệu tích cực về việc tiếp nhận lao động Việt Nam.
Nửa đầu năm 2019, công tác phát triển thị trường lao động ngoài nước, ký kết các Hiệp định và thỏa thuận song phương có nhiều điểm sáng. Trong đó, thị trường Đài Loan (Trung Quốc) đã nghiên cứu xây dựng phương án gia hạn hoặc ký hợp đồng với chủ sử dụng mới dành cho lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng, được gia hạn hoặc chuyển chủ mới để không phải về Việt Nam.
Cũng trong tháng Sáu và tháng Bảy vừa qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã triển khai nhiều hoạt động ký kết liên quan tới lĩnh vực xuất khẩu lao động, điển hình là Bản ghi nhớ hợp tác chương trình dành cho các lao động đạt được chứng chỉ tay nghề của Nhật Bản. Việc ký kết cũng nhằm loại trừ các cơ quan trung gian xấu, các hoạt động trái pháp luật… liên quan đến việc đưa lao động có kỹ năng sang Nhật Bản.
Một số thị trường khác như Brunei, Singapore, Saudi Arabia cũng đang được mở rộng. Các quốc gia phát triển có thu nhập cao như Australia, Mỹ, Canada, Phần Lan và Italy cũng là mục tiêu xuất khẩu lao động Việt Nam hướng đến.
Dự báo về xu hướng xuất khẩu lao động từ nay đến cuối năm 2019, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lao động truyền thống, tiếp nhận lao động Việt Nam với quy mô lớn nhất, chiếm trên 90% tổng số lao động đi trong thời gian qua. Trong đó, Nhật Bản đang là thị trường tiềm năng nhất hiện nay. Nhật Bản không chỉ có tiền lương khá mà còn là thị trường phát triển khoa học-kỹ thuật và công nghệ cùng kỹ năng lao động cao. Yêu cầu về kỹ năng càng khắt khe thì mức thu nhập đối với người lao động sẽ càng hấp dẫn.
Đâu là "chìa khoá"?
Trong thời gian gần đây, hàng loạt các quốc gia có thu nhập cao đang “mở cửa” với lao động Việt Nam. Đây là những “cơ hội vàng” để có việc làm tốt, thu nhập hấp dẫn. Thế nhưng, lao động Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng những yêu cầu tuyển dụng của các thị trường mới hay chưa?
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Cảnh Toàn-Trường Đại học Thăng Long, cho biết hiện nay tỷ lệ xuất khẩu lao động có tay nghề chỉ chiếm khoảng 20-30%. Lao động đi nước ngoài chủ yếu làm các công việc giản đơn, phổ thông ở các thị trường có thu nhập thấp.
Tính bình quân chung, thu nhập sau khi trừ chi phí sinh hoạt của lao động Việt Nam tại các thị trường thu nhập thấp, sử dụng lao động giản đơn (Malaysia) khoảng từ 3-4 triệu đồng/tháng; từ 7-12 triệu đồng tại thị trường có thu nhập trung bình (Trung Đông, Đông Âu) và từ 15-20 triệu đồng ở những thị trường thu nhập cao (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan).
Ví von tiếng Anh là “chìa khoá” để mở “kho báu” khi đi làm việc ở nước ngoài, thế nhưng Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Cảnh Toàn thẳng thắn chỉ ra rằng đây lại là một điểm yếu của lao động Việt Nam. Các ứng viên Việt Nam có điểm trung bình IELTS là 5,78 điểm, thuộc nhóm trung bình thấp, đứng sau Malaysia (6,64 điểm), Philippines (6,53 điểm) và xấp xỉ Indonesia (5,79 điểm)
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh-Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam, cũng cho rằng lao động yếu về ngoại ngữ, ý thức chấp hành kỷ luật, quy định về lao động còn kém. Nhiều chủ sử dụng đánh giá lao động Việt Nam làm việc chăm chỉ nhưng lại không theo quy trình.
“Hiện nay, thời gian doanh nghiệp phải đào tạo lao động trước khi đi làm việc nước ngoài dài hơn các quốc gia khác. Thế nhưng việc đào tạo đang đem lại hiệu quả rõ rệt. Chẳng hạn như thị trường Nhật Bản, yêu cầu đào tạo lao động trước khi đưa đi cao, khi lao động sang làm việc ở Nhật Bản ý thức kỷ luật tốt, thích nghi nhanh với môi trường làm việc, hạn chế được tính trạng bỏ trốn,” ông Quỳnh cho hay.
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cũng thừa nhận một thực tế nhiều doanh nghiệp khó khăn trong chủ động tuyển chọn nguồn nhân lực chất lượng. Khi đối tác yêu cầu tuyển dụng trong thời gian ngắn, doanh nghiệp không thể tìm kiếm được lao động.
“Quy định về tuyển chọn lao động sẽ được sửa đổi theo hướng bổ sung quy định doanh nghiệp có thể liên kết với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục thường xuyên để chủ động bổ túc, nâng cao kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với yêu cầu của từng thị trường lao động,” ông Nguyễn Gia Liêm nói.
Hầu hết các thị trường yêu cầu về kỹ năng, kỷ luật lao động càng cao sẽ có mức thu nhập hấp dẫn, điều kiện và môi trường làm việc tốt. Do đó, muốn đưa ngày càng nhiều người lao động đến những thị trường tốt thì bắt buộc phải nâng cao chất lượng lao động.
“Hiện nay, lao động đi làm việc ở nước ngoài mang về từ 2,5-3 triệu USD kiều hối, nếu nâng cao được chất lượng lao động, đưa lao động đi được những thị trường phát triển thì con số này sẽ còn cao hơn,” Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Cảnh Toàn nhấn mạnh.