Khách không nhận hàng làm "3 tại chỗ"
Chia sẻ về chuyện thích ứng và sống chung an toàn với dịch như thế nào trong thời gian tới, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Công ty CP may 10, cho biết việc thực hiện sản xuất "3 tại chỗ" không chỉ khiến năng suất giảm, doanh thu giảm, chi phí tăng cao, mà còn khiến doanh nghiệp mất khách hàng.
Cụ thể, một số khách hàng của May 10 không chấp nhận việc hàng được làm ra bởi mô hình "3 tại chỗ", vì với họ đó là vi phạm nhân quyền của người lao động. Số còn lại vì quá cần hàng nên buộc phải chấp nhận. Thậm chí, có khách hàng còn yêu cầu doanh nghiệp báo cáo tỷ lệ tiêm vaccine trên tổng số người lao động, nếu tỷ lệ tiêm cao mới tiếp tục đặt hàng.
Đồng ý với chia sẻ này, ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, đánh giá việc duy trì sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ" phải hết sức thận trọng. Đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu hàng vào những thị trường có tiêu chuẩn cao về lao động, như Mỹ hay EU thì càng phải chú ý hơn.
Thực tế cho đến nay, hầu hết các doanh nghiệp tại nhiều tỉnh/thành áp dụng phương án sản xuất "3 tại chỗ" hay một cung đường hai điểm đến đều cảm thấy đuối, và mong sớm được trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh, để nắm cơ hội lấy về những đơn hàng cuối năm, mùa mua sắm lớn tại nhiều quốc gia.
Ông Vũ Tú Thành cho rằng áp lực với Việt Nam là rất lớn, nhiều đối tác nước ngoài đều kỳ vọng sự phục hồi của trở lại của Việt Nam.
"Nhiều doanh nghiệp Mỹ cũng kiến nghị Chính phủ Mỹ tăng cường hỗ trợ cho Việt Nam, vì Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh chuỗi cung cho thị trường này", ông Thành nhấn mạnh.
Ông nói thêm nếu Việt Nam không đảm bảo kỳ vọng của các thị trường trọng yếu như Mỹ, thì họ sẽ buộc phải chuyển hướng thị trường. "Việt Nam buộc phải tính đến tái mở cửa nền kinh tế, không phải sắp tới mà ngay từ bây giờ", ông Thành nhận định.
Kích hoạt y tế cơ sở tại doanh nghiệp
Không chỉ đuối sức với 3 tại chỗ mà các doanh nghiệp đang khó khăn khi đối tác không chấp nhận sản phẩm sản xuất theo cách này.
Cho đến thời điểm này, các doanh nghiệp đã xác định tâm thế sống chung an toàn với dịch. Bên cạnh chiến lược vaccine thì việc kích hoạt y tế cơ sở tại các doanh nghiệp là điều rất cần được quan tâm, để mỗi doanh nghiệp có thể trở thành một pháo đài chống dịch và đảm bảo sản xuất kinh doanh.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch hội da giày túi xách Việt Nam, cho rằng bản chất của doanh nghiệp là không có kiến thức chuyên môn về y tế, nên để mở lại sản xuất, kinh doanh cần đội ngũ y tế tập huấn cho doanh nghiệp để xây dựng y tế tại chỗ. Khi doanh nghiệp có đầy đủ kiến thức, có trang bị cơ sở vật chất cơ bản, thì có thể chủ động ứng phó trong mọi trường hợp.
Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Viết Lượng, Chính uỷ Học viện quân Y, cho rằng đại dịch Covid -19 cho thấy y tế cơ sở, y tế dự phòng, chăm sóc sức khoẻ chủ động là hết sức quan trọng. Đầu tư cho y tế xí nghiệp, y tế cơ sở rẻ hơn đầu tư cho y tế chuyên sâu. Nếu không làm tốt thì chúng ta tiếp tục quá tải không chỉ trong dịch bệnh.
"Doanh nghiệp cần chủ động nói ra mong muốn của mình. Tôi nghĩ các đơn vị y tế sẽ sẵn sàng hỗ trợ, đưa ra các quy trình chuẩn, cài đặt những hệ thống bảo đảm an toàn", PGS.TS Nguyễn Viết Lượng đánh giá.
Tất nhiên việc xây dựng, vận hành y tế cơ sở, y tế doanh nghiệp phải được sự chấp thuận của nhà nước. Về việc này, ông Thân Đức Việt chia sẻ hiện nay May 10 đã trang bị cơ sở y tế khá đầy đủ, và mong được phương án chủ động điều chị F0 tại doanh nghiệp.
"Hiện nay chúng ta đã có F0 được chữa trị tại nhà, thì cũng nên có F0 được chữa trị tại tổ chức, doanh nghiệp", ông Việt nhấn mạnh.