Chủ resort tự giặt giũ, lau dọn phòng
Ông Trần Văn Bình, Việt kiều Đan Mạch về Bình Thuận đầu tư du lịch tại Mũi Né từ hơn 10 năm nay với cơ ngơi là một resort ven biển Mũi Né gần 100 phòng đạt tiêu chuẩn 3 sao.
Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, cơ sở du lịch của ông lúc nào cũng đạt công suất phòng từ 75% đến 90%. Vào những ngày cuối tuần thì không còn phòng để bán cho du khách. Các dịp lễ lớn, khách đặt kín phòng từ cả 2 tháng trước. Thế nhưng, resort của ông Bình đóng cửa im lìm suốt 3 tháng nay. Để gồng gánh, ông Bình và người thân phải trực tiếp chăm sóc cây xanh, bảo trì trang thiết bị, máy móc và thậm chí là giặt giũ, lau dọn phòng ốc.
“Mấy hôm trước cơ sở của tôi còn duy trì 3 công nhân bảo trì. Nhưng kể từ khi TP.Phan Thiết áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 để phòng chống Covid-19 đến nay, các nhân viên này không di chuyển qua chốt được nữa. Vậy là vợ chồng tôi phải tự làm tất cả để bảo trì cơ sở du lịch của mình”, ông Bình nói.
Theo ông Bình, các resort ở Mũi Né đều nằm sát biển nên thiết bị gần hơi nước biển hư hỏng rất nhanh, nhất là máy móc khi không vận hành.
Theo các nhà đầu tư du lịch, resort được đầu tư càng lớn thì thiệt hại càng nhiều |
Theo ông Trần Văn Bình, hiện nay hàng trăm DN du lịch của Bình Thuận nói chung, Mũi Né nói riêng đang đứng bên bờ vực phá sản. “Những DN đa ngành, họ chỉ tham gia một phần làm du lịch còn có tiền bỏ ra chống đỡ, duy trì cơ sở du lịch của mình chờ cơ hội. Nhưng số này rất ít, nhiều DN du lịch của Bình Thuận hiện nay chủ yếu vay vốn từ ngân hàng để kinh doanh. Mở mắt ra là phải trả lãi ngân hàng rồi, trong khi không làm gì ra tiền”, ông Bình ngao ngán.
Theo nhà đầu tư này, việc ngân hàng hỗ trợ lãi suất hiện nay không đáng kể, chỉ giúp DN cầm cự, kéo dài thêm chút đỉnh. Nhưng đợt dịch lần này tàn phá nặng nề quá. Không chỉ ở trong nước, mà cả các quốc gia có nền y học hiện đại, là thị trường truyền thống của du lịch Mũi Né như châu Âu, Mỹ cũng bị Covid-19 càn quét.
“Đến thời điểm này, DN nào tồn tại được trong lĩnh vực du lịch đã là quá tốt rồi, nhưng ít lắm”, ông Bình nhận xét.
Còn ông Phạm Quang Hậu, Giám đốc điều hành Sonata Resort & Spa (TP.Phan Thiết), cho biết cơ sở du lịch của ông được chủ đầu tư duy trì một nhóm nhân viên vừa bảo trì thiết bị, vừa chăm sóc cây xanh và kiêm luôn sửa chữa cơ sở vật chất.
“Một tháng như vậy mất hàng trăm triệu đồng mhưng điều chúng tôi lo nhất là việc duy trì này cầm cự đến khi nào. Trong khi dịch bệnh ở các nơi vốn là thị trường khách lớn như TP.HCM, Bình Dương, Hà Nội vẫn đang rất phức tạp”, ông Hậu lo lắng.
Hỗ trợ không thấm tháp gì
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Bình Thuận nhận định, hiện nay ngành du lịch đang thí điểm mở cửa đón khách trên đảo Phú Quốc (Kiên Giang) nhưng với cách làm hết sức thận trọng. Phú Quốc thì có thể làm thí điểm vì vị trí địa lý phù hợp, nhưng Mũi Né thì không thể, cho dù Mũi Né là vùng xanh. Du lịch là ngành nghề tổng hợp và nhạy cảm với diễn biến của dịch bệnh. Chỉ cần nghe tin ở đâu đó có ca nhiễm mới là lập tức các booking sẽ bị hủy tour ngay. Cái này ai làm du lịch đều biết cả, nên không thể mạo hiểm mở cửa ở Mũi Né.
Theo ông Khoa, điều quan trọng nhất lúc này là tỉ lệ bao phủ vắc xin cho người dân, trong đó ngành du lịch phải được ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động.
Còn Chủ tịch Hiệp hội du lịch Bình Thuận cho rằng, để giúp các DN du lịch vượt qua khó khăn của đại dịch, nhà nước đã có Thông tư 03, mới nhất là Thông tư 14 cho kéo dài, giãn nợ cho các DN. Tuy nhiên, so với những khó khăn của ngành du lịch và các DN chịu ảnh hưởng nặng nề từ của dịch Covid-19, thì không thấm thía gì.
“Mọi giải pháp lúc này sao cho DN ở Mũi Né có thể cầm cự được, đừng để họ phải giải thể hay phá sản là đã tốt rồi. Chưa thể nghĩ ngay đến kế hoạch phục hồi vì dịch bệnh còn rất phức tạp, dù có mở cửa cũng không có khách”, ông Khoa nói.
Ông Trần Ngọc Thêm, chủ đầu tư, người sáng lập Hoàng Ngọc Resort (Mũi Né, Bình Thuận), cho biết mỗi tháng DN du lịch của ông phải bỏ ra 400 triệu đồng để nuôi nhân viên, đó là chưa kể tiền điện, nước và chi phí bảo trì.
“Một resort có diện tích khoảng 2 ha thì cả tiền đất và tiền đầu tư xây dựng hàng nghìn tỉ đồng. Nếu vay vốn ngân hàng để xây dựng resort đó, thì việc trả lãi ngân hàng lúc này đã là một gánh nặng rồi. Giải cứu các DN du lịch lúc này theo tôi vượt khỏi tầm tay của chính quyền địa phương. Muốn giải quyết được, đòi hỏi Chính phủ phải có chính sách ở tầm vĩ mô và ưu tiên cho các DN làm du lịch thì mới có cơ hội hồi sinh du lịch sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát”, ông Thêm nói.