Mô hình đô thị đa trung tâm tạo sức sống mới cho nhiều khu vực

(ĐTTCO) - Ngày 15-4-2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 463/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm cụ thể hóa phát triển vùng Đông Nam Bộ thành vùng năng động, đi đầu trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Hàng trăm ngàn tỷ đồng phát triển hạ tầng giao thông đưa bất động sản khu Đông TP.HCM “tăng tốc”.
Hàng trăm ngàn tỷ đồng phát triển hạ tầng giao thông đưa bất động sản khu Đông TP.HCM “tăng tốc”.

Với tầm nhìn, tư duy  quy hoạch mới sẽ tạo bước đột phá như thế nào cho các khu vực ngoài khu vực trung tâm của TPHCM cũng như các địa phương lân cận. ĐTTC đã có cuộc trao đổi cùng PGS. TS NGUYỄN MINH HÒA- Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển TPHCM

Quy hoạch chiến lược

PV: - Ông đánh giá thế nào về Quy hoạch vùng Đông Nam bộ vừa được Thủ tướng Chính phủ thông qua?

PGS-TS NGUYỄN MINH HÒA: - Theo Quyết định, quy hoạch vùng Đông Nam Bộ với phạm vi ranh giới về hành chính gồm: Toàn bộ lãnh thổ đất liền, các đảo, quần đảo, lòng đất, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc địa phận 6 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh.

So với quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập vùng kinh tế trọng điểm phía Nam năm 1997 thì quyết định lần này có sự thay đổi rất đáng kể, nếu trước năm 2015 một quan điểm chung có tính nhất quán là TP.HCM đóng vai trò là hạt nhân phát triển của toàn vùng Đông Nam Bộ, các tỉnh khác được coi là phần vệ tinh quay xung quanh, chịu sự chi phối của TP.HCM thì quan điểm mới nhất là vùng Đông Nam Bộ sẽ phát triển theo hướng đa trung tâm, hình thành nên các cực tăng trưởng độc lập vừa đối trọng vừa hợp tác phát triển.

Để thực hiện được điều này Đảng, Chính phủ quyết tâm đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật như: đường, cầu, cảng (hàng không, biển). Có thể nói chưa bao giờ quyết tâm xây dựng một hệ thống hạ tầng hiện đại, đa cấp hoàn chỉnh lại mạnh mẽ như hiện nay. Đó được coi là động lực đầu tiên và quan trọng nhất, bởi giao thông là huyết mạch cơ thể đô thị, nếu cứ tắc nghẽn, lòng vòng, chậm chạp như hiện nay thì không có nhà đầu tư nào đến, hàng hoá làm ra được khi đến địa chỉ cần thì giá cả bị đội lên. Do vậy mà phải hoàn thiện hệ thống giao thông nội vùng và liên vùng theo hướng hiện đại ở mức tốt nhất thông qua 8 dự án trọng điểm, cấp bách với tổng vốn đầu tư khoảng 81.225 tỷ đồng.

 Xây dựng cầu Cát Lái nằm trong dự án phát triển đô thị quốc gia và nhận được nhiều đánh giá tích cực với ý nghĩa cải thiện vấn đề giao thông tại TP.HCM và Đồng Nai.

Trong đó, phải kể đến là 3 dự án vành đai 2, 3; đặc biệt, vành đai 3 sẽ làm cầu Nhơn Trạch nối TPHCM qua Đồng Nai với kinh phí hơn 1.800 tỷ đồng. Cầu nối này cách vị trí dự kiến xây cầu Cát Lái khoảng 5km, dự kiến khởi công giữa năm 2023. Đây được xem là trục giao thông chiến lược, tạo hành lang đô thị, công nghiệp cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ngoài ra, việc mở rộng 5 tuyến quốc lộ hướng tâm tại các cửa ngõ TPHCM ở các hướng phía Bắc, Tây - Bắc, Tây - Nam, phía Nam, phía Đông và đầu mối giao thông kết nối tới sân bay Tân Sơn Nhất; cảng Cát Lái - KCN Phú Hữu sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới. Đồng thời, tập trung nguồn lực hoàn thiện cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với quy mô 6 - 8 làn xe; xây dựng cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành dài 69 km, quy mô 6 - 8 làn xe; TP.HCM - Mộc Bài quy mô 4 - 6 làn xe; Bến Lức - Long Thành quy mô 6 - 8 làn xe; nạo vét 5 luồng hàng hải (luồng sông Sài Gòn - Vũng Tàu; sông Soài Rạp; sông Đồng Nai; sông Đồng Tranh - Tắc Bài - Tắc Cua - Gò Gia; luồng sông Dừa - Tắc Dinh Cậu; sông Sài Gòn); xây 41 bến cảng…

- Sự liên kết vùng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật sẽ có tác động rất lớn cho việc hình thành và phát triển các đô thị mới thưa ông?

- Đúng vậy! Cùng với việc xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại là sự ra đời một loạt các trung tâm mới có qui mô vùng, trong đó phải kể đến các đô thị mới như đô thị Sân Bay Long Thành, đô thị Củ Chi, đô thị lấn biển Cần Giờ… Nhờ có các dự án hạ tầng kỹ thuật mà nhiều vùng đất được coi là có tiềm năng nhưng không phát triển được nay có cơ hội bừng sáng, trong số đó phải kể đến các phường Cát Lái, Thạnh Mỹ Lợi, Phú Hữu (TP.Thủ Đức) và khu đất đối diện bên kia dải sông Nhơn Trạch - Đồng Nai.

Khi không có cầu nối từ TP.HCM qua Nhơn Trạch, người dân di chuyển qua lại bằng phà Cát Lái. Hiện mỗi ngày có hơn 50 ngàn lượt khách qua lại phà Cát Lái và lượng khách này có thể lên đến 80 - 90 ngàn lượt/ngày vào các ngày lễ, Tết. Nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hoá rất lớn mà thời gian qua phà chậm, số lượng ít và đặc biệt là không chuyên chở được xe tải, xe siêu trường siêu trọng. Chính vì thế, mặc dù đất rộng, nhưng không có các KCN, nhà máy, cơ sở sản xuất có tầm cỡ xuất hiện nơi đây.

Cây cầu “đánh thức” cả vùng đất

- Một trong các dự án hạ tầng giao thông được người dân quan tâm để tạo sự phát triển cho TPHCM về hướng Đông là cầu Cát Lái. Ông đánh giá như thế nào?

- Với vùng Đông Nam Bộ, dự án Xây dựng cầu Cát Lái không chỉ có vai trò quan trọng trong việc tạo động lực cần có để phát triển đô thị mới Nhơn Trạch mà nó còn góp phần trong việc kết nối các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Dự án Xây dựng cầu Cát Lái sẽ có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM, Đồng Nai nói riêng và của cả khu vực nói chung, bởi 2 địa phương có vai trò kết nối giao thông giữa các địa phương trọng điểm về kinh tế như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Lâm Đồng, Bình Thuận… Trong quy hoạch mạng lưới giao thông kết nối cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành, cầu Cát Lái cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành tuyến kết nối thứ 2 từ sân bay này với đô thị lớn nhất cả nước là TP.HCM thông qua tuyến đường 25C Nhơn Trạch.

Ý thức được vai trò đặc biệt của cầu Cát Lái, tháng 8 -2019, Thủ tướng Chính phủ đã giao tỉnh Đồng Nai và TP.HCM triển khai thực hiện dự án Xây dựng cầu Cát Lái thay thế phà Cát Lái. Hiện nay, các đơn vị chức năng của TP.HCM và tỉnh Đồng Nai đã tiến hành công tác khảo sát, lập các phương án thiết kế, chọn địa điểm và dự kiến khởi công giữa năm 2023.

Cầu Cát Lái có tổng mức đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng. Việc xây cầu Cát Lái không chỉ giúp người dân thoát cảnh "qua sông lụy phà" mà còn giúp kích thích phát triển kinh tế, xã hội ở khu vực, giải quyết bài toán “khát đất” của cả TP.HCM lẫn Đồng Nai. Nó sẽ tạo ra một hiệu ứng phát triển dây chuyền của 3 tỉnh thành là TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Một khi Nhơn Trạch khởi phát thì sẽ tạo ra một cú hích cho vùng đất phía bên kia cầu Cát Lái như các phường Cát Lái, Thạnh Mỹ Lợi, Phú Hữu, Long Trường phát triển, chắc chắn một loạt các dự án nhà ở, khu công nghiệp, bến cảng và các công trình công cộng sẽ mọc lên.

Khu vực này không chỉ hưởng lợi từ cầu Cát Lái mà còn từ hai dự án cấp quốc gia là vành đai 2 và vành đai 3. Đường vành đai 2 hoàn thành sẽ đưa đến sự thay đổi rất lớn cho toàn bộ bức tranh giao thông vận tải của TP.HCM. Khi đường vanh đai khép kín sẽ nối tất cả các quận lại với nhau vì nó đi qua TP.Thủ Đức (Quận 2, Quận 9, Thủ Đức), Gò Vấp, Bình Tân, Bình Chánh, Quận 7...

Đường vành đai 3 dài hơn 76,34 km đi qua 4 tỉnh, thành là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, có vốn đầu tư khoảng 75.378 tỉ đồng với quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80km/h. Dự án sẽ khởi công vào Quý 4/2023 và hoàn thành vào năm 2026. Khi đường vành đai 3 hoàn tất thì về cơ bản giao thông liên vùng của TP.HCM với các tỉnh lân cận được giải quyết, toàn bộ các đường cao tốc được liên thông với nhau tạo nên một mạng lưới giao thông đa cấp, liên hoàn đồng nghĩa với tạo ra một nền tảng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đủ để miền Đông Nam Bộ tăng tốc. 

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác