Ít người có thể hiểu việc coi bản thân mình là một mô hình kinh doanh. Do đó, các tác giả Tim Clark, Alexander Osterwalder, Yves Pigneur đã viết cuốn sách “Mô hình kinh doanh cá nhân” (dịch giả Bùi Thị Thu Trang, NXB Công Thương) nhằm đưa ra ý tưởng hết sức mới mẻ: Tại sao chúng ta không thể áp dụng bức vẽ trong cuốn Tạo lập mô hình kinh doanh đang được ứng dụng rộng rãi trong giới kinh doanh vào các trường hợp cá nhân?
Thông qua cuốn sách, các tác giả cùng với 328 cá nhân khác thuộc mọi tầng lớp xã hội khác nhau trên thế giới đã phát hiện ra rằng mô hình tạo lập mô hình kinh doanh nổi tiếng kia cũng phát huy hiệu quả và tác dụng không kém khi được sử dụng làm “mô hình kinh doanh cá nhân”.
Nhất quán với phương pháp trực quan của mình cũng như với cấu trúc quen thuộc của mô hình, các tác giả đã soạn ra một loạt bài tập trực quan đơn giản và có trình tự nhằm giúp độc giả suy ngẫm về: Tôi là ai? Đâu là những bước thăng trầm trong cuộc đời tôi cho đến thời điểm này? Tôi đã sử dụng thời gian của mình như thế nào? Đâu là mục đích trong cuộc sống và sự nghiệp của tôi? Làm thế nào để có thể tìm được một hoạt động phù hợp với tính cách, sở thích và sở trường của tôi?
Sau đó điều chỉnh: Tôi có thể nhìn nhận công việc tương lai của mình khác với bây giờ ra sao? Tôi có thể thiết kế một mô hình kinh doanh cá nhân như thế nào để giúp tôi thực hiện được niềm đam mê thực thụ của mình? Liệu tôi có thể thu hẹp khoảng cách giữa mô hình hiện tại và mô hình lý tưởng của mình hay không? Và cuối cùng sẽ là hành động: Làm sao để biết mô hình mới của tôi có hiệu quả không? Tôi nên thử những ý tưởng của mình với ai trước? Làm thế nào để tôi được tiến cử với những người mới và để chứng tỏ cho họ thấy rằng tôi mang lại giá trị cho họ? Tôi cần biết điều gì từ các khách hàng và đối tác tiềm năng của mình?
Theo định nghĩa, “mô hình kinh doanh là logic để một công ty tự duy trì về mặt tài chính. Nói một cách đơn giản, đó là logic “kiếm cơm” của một doanh nghiệp”. Cuốn sách đã tóm tắt lại khung mô hình kinh doanh bao gồm 9 thành tố áp dụng cho mô hình cá nhân: Những nguồn lực chính (con người bạn/những gì bạn có); những hoạt động chính (những việc bạn làm); khách hàng (người mà bạn hỗ trợ); giá trị cung cấp (sự hỗ trợ của bạn); các kênh liên lạc (cách họ biết đến bạn và cách bạn thực hiện dịch vụ của mình); các mối quan hệ khách hàng (cách thức tương tác của bạn); các đối tác chính (người giúp đỡ bạn); doanh thu và lợi ích (những gì bạn nhận về); các khoản chi phí (những gì bạn phải bỏ ra).
Những phương pháp và kỹ thuật được nêu lên trong cuốn sách này sẽ giúp mở rộng nhãn quan của độc giả về chính bản thân mình.