Mở nút thắt cửa ngõ Tây Bắc

(ĐTTCO) - TPHCM phấn đấu đến cuối năm 2017 triển khai các dự án thuộc tuyến đường vành đai 2 và 3, tiến tới đưa vào sử dụng toàn tuyến 2 và một phần tuyến 3 trước năm 2020, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP. 

Phương án khả thi là tạo quỹ đất mới để thu hút đầu tư theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng. Trong đó hạ tầng giao thông cửa ngõ Tây Bắc là một trong những giải pháp thực hiện mục tiêu này.

Đất rộng, người thưa

TPHCM hiện có khoảng 13 triệu dân (trong đó 8,5 triệu dân thường trú), được xem là “siêu đô thị” nhưng dân số lại phân bố không đồng đều. Thí dụ, huyện Cần Giờ  và Củ Chi chiếm  khoảng 50% diện tích TP nhưng 2 huyện này chỉ khoảng hơn 1 triệu dân, còn lại 12 triệu dân tập trung ở các quận huyện khác, tạo áp lực rất lớn về hạ tầng đô thị. Trong khi đó, phần lớn diện tích đất tại Cần Giờ thuộc khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn được bảo vệ nghiêm ngặt.
Chính vì thế quỹ đất TP hướng đến chủ yếu hướng Tây Bắc, trong đó Củ Chi chiếm diện tích đáng kể. Chỉ cách trung tâm TPHCM chưa đến 30km, nhưng khu vực Tây Bắc còn khá hoang vắng, đất đai phần lớn là thuần nông. 

Tại buổi làm việc với TPHCM vừa qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, cho rằng dù là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước nhưng hạ tầng giao thông của TPHCM còn nhiều hạn chế. Tiến độ thi công các dự án vành đai, metro quá chậm, làm ảnh hưởng đến tổng quan hạ tầng giao thông toàn vùng. Hạ tầng giao thông TP khó khăn là rào cản rất lớn đối với sự phát triển của TP. 

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm, với khoảng cách 30km từ trung tâm TP đến Củ Chi di chuyển mất hơn 1 giờ là quá chậm. Do đó TP quyết tâm kêu gọi đầu tư, tập trung hạ tầng giao thông để khơi thông vùng đất này. Củ Chi là vùng đất giàu tiềm năng, nhưng đất rộng, người thưa chưa phát huy hết tiềm năng du lịch, phát triển nông nghiệp sạch, chưa tạo sự kết nối tốt với các tỉnh bạn như Bình Dương, Long An…

Khơi thông vướng mắc

Một trong những dự án trọng điểm nhằm tháo gỡ nút thắt cho cửa ngõ Tây Bắc đang được thi công hối hả ngày đêm là nút giao thông An Sương (quận 12). Công trình xây dựng nút giao thông An Sương gồm hầm chui đôi cho các loại xe lưu thông  theo hướng từ đường Trường Chinh đi Quốc lộ 22 và ngược lại.
Mỗi hầm rộng 9-9,5m cho 2 làn xe , kể cả xe siêu trường, siêu trọng lưu thông  với vận tốc 50km/giờ. Tổng mức kinh phí đầu tư 514 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào tháng 8-2018, sau 20 tháng thi công. Việc xây dựng công trình này sẽ làm thông thoáng trục đường huyết mạch từ TPHCM đi các tỉnh miền Đông, miền Tây và ngược lại, cũng như từ trung tâm TP về Củ Chi.
Mở nút thắt cửa ngõ Tây Bắc ảnh 1 Tỉnh lộ 9 (Củ Chi) đang được thi công mở rộng. Ảnh: Tr.Giang 
Một dự án giao thông quan trọng khác là đầu tư nâng cấp, mở rộng Tỉnh lộ 9 (đoạn từ cầu Rạch Tra đến Tỉnh lộ 8) huyện Củ Chi theo hình thức PPP (đối tác công tư), cũng đang được triển khai. Thời gian qua, dọc Tỉnh lộ 9 hàng chục cây cầu đã được xây mới, nhưng nhiều đoạn đường chỉ rộng 5-6m thường xuyên bị ách tắc giao thông.
Do vậy dự án này có  tổng chiều dài tuyến đường nâng cấp khoảng 5,76km, thuộc công trình cấp II, tốc độ thiết kế 60km/giờ, dự kiến thời gian thi công trong 2 năm 2017-2019, sẽ giải tỏa ách tắc này. Nhà đầu tư đề xuất tổng mức đầu tư 1.047 tỷ đồng. Trong đó chi phí xây lắp 515 tỷ đồng, bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 371 tỷ đồng. Nếu tính cả lãi vay trong thời gian xây dựng tạm tính 121 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư dự án vào khoảng hơn 1.168 tỷ đồng.

Việc TP đầu tư nhiều dự án hạ tầng nhằm tháo gỡ nút thắt về giao thông sẽ góp phần thay đổi diện mạo vùng đất Tây Bắc. Lãnh đạo TP cho rằng quỹ đất để phát triển kinh tế- xã hội của TP ngày càng hạn hẹp, đắt đỏ, các vùng đất Tây Bắc nói riêng và những nơi khác chưa được khai thác đúng tiềm năng do hạ tầng giao thông kém, đã gây lãng phí rất lớn trong thời gian qua. Chính vì vậy TP sẽ tạo cơ chế để kêu gọi các nguồn lực tham gia.

Các tin khác