Nhưng muốn mobile money phát triển một cách hiệu quả vẫn còn nhiều thách thức với các doanh nghiệp (DN) viễn thông.
Chính phủ ủng hộ
Mobile money ra đời từ năm 2001 và Philippines quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai. Dịch vụ này cho phép những người không có tài khoản NH gửi, rút, chuyển tiền bằng điện thoại của mình và thanh toán các hóa đơn, mua hàng hóa tại cửa hàng. Tiếp theo đó đã có rất nhiều nước triển khai dịch vụ này, trong đó Kenya là một điển hình thành công thường được nhắc đến.
Năm 2011, mobile money cũng đã từng được khuyến cáo áp dụng tại Việt Nam, khi khoảng 70% dân số chưa có điều kiện tiếp cận các dịch vụ NH nhưng đã có hơn 112 triệu thuê bao di động. Song sau đó, phát triển dịch vụ mobile money ít được đề cập, trong khi đó các dịch vụ TTKDTM khác như mobile banking và ví điện tử đã có những bước phát triển vượt bậc. Cho đến tháng 9-2018, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) mới đặt vấn đề và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép DN viễn thông cung cấp dịch vụ mobile money.
Ảnh minh họa.
Mặc dù đề xuất này được đưa ra khá trễ, nhưng Chính phủ rất ủng hộ vấn đề này. Ngay đầu năm 2019, Chính phủ đã đồng ý việc thí điểm sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán các khoản nhỏ lẻ. Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 3-2019, Chính phủ chỉ đạo Bộ TT-TT cùng NHNN xây dựng phương án cho DN viễn thông thí điểm mobile money.
Và vào đầu tháng 11 này, khi NHNN công bố dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101/2012 về TTKDTM, những quy định đầu tiên về dịch vụ mobile money đã được xác lập. Dự thảo xác định tiền di động là tiền điện tử, do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán kinh doanh dịch vụ viễn thông phát hành, và định danh khách hàng thông qua cơ sở dữ liệu thuê bao di động. Các DN cung ứng dịch vụ bưu chính công ích được cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản NH, nếu đáp ứng được 6 điều kiện quy định tại Nghị định và được NHNN chấp thuận bằng văn bản.
Cửa mở nhưng quan trọng là chính sách
Cửa mở nhưng quan trọng là chính sách
Trên thế giới hiện có khoảng 92 nước đã triển khai mobile money, với khoảng 272 DN tham gia và có gần 866 triệu tài khoản đã đăng ký dịch vụ (riêng năm 2018 số tài khoản tăng 20%). Giá trị giao dịch hàng ngày thông qua mobile money trên thế giới đạt khoảng 1,3 tỷ USD. Ở khu vực châu Á, năm 2018 đã có 60 triệu tài khoản mới, giá trị giao dịch cũng đã tăng gấp đôi 2017.
Ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) cho rằng, sự ra đời của mobile money sẽ góp phần rất tích cực để đẩy mạnh thanh toán điện tử tại Việt Nam. Hiện cả nước có khoảng 130 triệu thuê bao, cao hơn nhiều so với số lượng tài khoản NH. Khi các DN viễn thông cung cấp dịch vụ mobile money, sẽ hỗ trợ đưa TTKDTM đến tận vùng sâu vùng xa. Dịch vụ này có thể ứng dụng vào chính thẻ sim để khách hàng không sử dụng điện thoại thông minh vẫn giao dịch được, khi đó TTKDTM sẽ trở nên bình dân và phổ cập hơn.
Cho đến nay đa số các ý kiến đều đồng tình Việt Nam hội tụ đủ các yếu tố tiềm năng để phát triển dịch vụ này. Song theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ NH, Đại học Quốc gia TPHCM (IBT), mức độ phát triển của mobile money không đồng đều giữa các quốc gia. Sự khác biệt về mức độ phát triển đến từ đặc điểm của mỗi quốc gia và đặc biệt là từ mô hình quản lý. Trên thế giới có 2 mô hình quản lý khác nhau.
Thứ nhất là mô hình nhà điều hành mạng di động (Mobile network operator - MNO), dịch vụ được điều hành và hoạt động độc lập với các tổ chức tài chính. Thứ hai là mô hình quản lý kiểu NH (Bank Led Model – BLM), các nhà cung cấp dịch vụ di động có nghĩa vụ phải làm việc với NH, và theo đó chịu sự giám sát từ trước của các cơ quan tài chính của một quốc gia, tuân thủ vấn đề định danh khách hàng (KYC), các yêu cầu chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố.
Thông thường, ngành viễn thông không muốn áp dụng mô hình BLM, vì mô hình này hạn chế quyền tự do đổi mới và mức độ cung cấp dịch vụ, làm gia tăng chi phí của dịch vụ, dẫn đến tỷ lệ người dân sử dụng thấp. Trên thực tế, Mexico áp dụng mô hình BLM chỉ có 11% dân số sử dụng dịch vụ mobile money, trong khi Kenya áp dụng mô hình MNO đạt tỷ lệ 72% dân số sử dụng.
NHNN vẫn quản chặt
NHNN vẫn quản chặt
Theo dự thảo của NHNN, DN viễn thông được cung ứng dịch vụ chuyển tiền, thu hộ và chi hộ không qua tài khoản tài khoản khách hàng, tức là không phải lệ thuộc vào NH. Và NHNN rất cởi mở với mô hình quản lý MNO cho mobile money. Tuy nhiên, NHNN lại kèm theo hàng loạt điều kiện kinh doanh chặt chẽ, đòi hỏi các DN phải đáp ứng về hạ tầng công nghệ và nhân sự, nghiệp vụ đảm bảo việc giao nhận, bảo quản tiền mặt; đảm bảo thanh khoản; phòng, chống rửa tiền; quản lý rủi ro và trích lập dự phòng và xử lý rủi ro và chịu sự giám sát quản lý của NHNN.
Những yêu cầu này cần thiết để đảm bảo an toàn bảo mật trong thanh toán cũng đặt ra nhiều thách thức. Cụ thể, muốn cung cấp mobile money, các DN viễn thông phải đạt được các yêu cầu như phải định danh khách hàng sử dụng thuê bao di động chặt chẽ trên thực tế, chứ không phải trên pháp lý để có kho dữ liệu chính xác (điều này liên quan đến việc quản lý sim rác); phải áp dụng các phương pháp xác thực như NH để tránh mạo danh; phải có giải pháp bảo mật trong giao dịch chuyển tiền, thanh toán. Đặc biệt, nguồn nhân lực cũng phải phù hợp với yêu cầu cung cấp và khai thác dịch vụ tài chính có nhiều khác biệt so với dịch vụ viễn thông.
Sau khi xây dựng hàng loạt tiêu chí trên, mobile money lại chỉ được thực hiện các giao dịch nhỏ, và NHNN đã từng có ý định giới hạn trần thanh toán của các giao dịch khoảng 10 triệu đồng/tháng. Nếu áp dụng hạn mức này, mobile money còn chịu giới hạn chặt hơn cả ví điện tử. Về nguyên tắc, mobile money không được làm phát sinh lượng tiền tệ, số tiền mà công ty viễn thông nhận được khách hàng phải được nạp tương ứng theo tỷ lệ 1:1.
Tức người dân sẽ không thể mua thẻ cào 100.000 đồng với giá chỉ 96.000 đồng như lâu nay. Lợi ích giảm nhưng giao dịch chắc chắn sẽ phát sinh phí, vì khác với các nhà cung ứng ví điện tử, các DN viễn thông lớn đều là DN nhà nước, phải tránh kinh doanh lỗ. Đây sẽ là các rào cản trong việc phát triển mobile money.