Không dễ như kỳ vọng
“Dư địa mobile money không phải không còn, nhưng đó là mảnh đất cằn cỗi, sỏi đá, mảnh đất màu mỡ NH đã cày xới hết”. Đây là chia sẻ của bà Phạm Minh Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone sau 6 tháng được chấp thuận triển khai thí điểm dịch vụ mobile money.
Số liệu từ Vụ Thanh toán, NHNN cho thấy, cuối tháng 3 cả nước có hơn 1,1 triệu khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ mobile money. Trong đó, chiếm hơn 60% tổng số khách hàng là người ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.
Số lượng đơn vị chấp nhận thanh toán đạt hơn 12.800 điểm, trong đó chủ yếu là cung ứng dịch vụ thiết yếu như điện, nước, giáo dục…
Tổng số lượng giao dịch đạt hơn 8,5 triệu giao dịch, nhưng tổng giá trị chỉ hơn 370 tỷ đồng. Nếu đặt con số 1,1 triệu khách hàng trong gần 124 triệu thuê bao di dộng trên cả nước, tỷ lệ khách hàng mở mobile money rất nhỏ, chưa tới 1%.
Còn nhớ, tại hội thảo vào năm 2019, các nhà mạng kỳ vọng nếu được cấp phép, chỉ “qua 1 đêm” tất cả người dân sử dụng dịch vụ di động đều có thể tham gia thanh toán không dùng tiền mặt, vì ở đâu có sóng, ở đó người dân có thể sử dụng được dịch vụ mobile money.
Đồng thời, Bộ Thông tin - Truyền thông cũng từng nhận định, nếu sớm cấp phép cho mobile money sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tới 0,5%. Thực tế, các nhà mạng rất hào hứng với dịch vụ này. Năm 2019, 3 nhà mạng lớn là Viettel, VinaPhone và MobiFone đăng ký thêm ngành nghề kinh doanh “trung gian thanh toán”, đã nộp hồ sơ xin cấp phép thí điểm triển khai mobile money. Song giữa kỳ vọng và thực tế phát triển mobile money không phải là con đường “trải đầy hoa hồng”.
Sau khi được cấp phép (tháng 11-2021), qua 6 tháng thí điểm 3 nhà mạng trên đều gặp khó khăn. Chẳng hạn, yêu cầu sử dụng thông tin thuê bao di động được định danh để mở tài khoản mobile money trong bối cảnh đang đổi chứng minh nhân dân sang căn cước công dân, dẫn đến nhiều sai lệch thông tin, đã làm mất khoảng 30-50% lượng khách hàng đăng ký mobile money.
Hạn mức thấp là rào cản tiếp theo. Các nhà mạng đề xuất mức tối đa 30 triệu đồng/tháng/tài khoản mobile money, song trong đề án thí điểm lần đầu tiên NHNN chỉ đề xuất 5 triệu đồng/tháng, sau đó chốt lại với hạn mức 10 triệu đồng/tháng/tài khoản cho tổng các giao dịch rút tiền, chuyển tiền và thanh toán. Hay điểm kinh doanh của các nhà mạng rất nhiều, nhưng trở thành đại lý mobile money phải đáp ứng điều kiện là có tư cách pháp nhân…
Cạnh tranh gay gắt
Muốn tham gia cuộc chơi phải tuân thủ nguyên tắc của cuộc chơi. Song bên cạnh nguyên tắc phải thừa nhận thời điểm vàng để phát triển dịch vụ này đã qua đi. Tính đến ngày 30-3, thế giới có 316 tổ chức cung cấp dịch vụ mobile money cho khoảng 98 quốc gia. Hiện có khoảng 1,3 tỷ tài khoản mobile money hoạt động, tổng trị giá giao dịch gần 10.000 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng 31% hàng năm.
Những con số này rất hấp dẫn, nhưng thị phần tập trung chủ yếu ở các nước chưa phát triển thị trường tài chính ở châu Á, châu Phi và Nam Mỹ. Và các quốc gia đó thúc đẩy mobile money từ 10-20 năm trước trong điều kiện hạ tầng công kém, tài chính toàn diện thấp.
Còn ở Việt Nam, nhà mạng có lợi thế chỉ cần có mạng di động có thể sử dụng mobile money. Nhưng nay điều này bị thu hẹp khi nhu cầu sử dụng điện thoại thông minh cũng như 4G, wifi ngày càng gia tăng trong xã hội, kể cả ở vùng sâu vùng xa.
Cùng lúc, hệ thống tài chính Việt Nam có ý thức mạnh mẽ trong vấn đề chuyển đổi số. Các NHTM chạy đua phát triển dịch vụ NHS. Trong bối cảnh dịch Covid-19, các ứng dụng NHS đã đẩy mạnh tiếp cận người dân khắp các vùng miền, kể cả vùng sâu vùng xa, với dịch vụ hiện đại và đa dạng.
Bên cạnh đó, VĐT đang “làm mưa, làm gió” thị trường thanh toán. Hiện Việt Nam có khoảng 43 VĐT và tổ chức trung gian thanh toán không phải NH được chính thức cấp phép hoạt động. Con số này đã tăng gấp 7 lần so với năm 2015. Ngoài các thương hiệu gạo cội như MoMo, VNPAY, ShopeePay, ViettelPay, ZaloPay, Moca, Payoo… nhiều fintech mới và cả các tập đoàn lớn cũng tham gia như VinID (thuộc VinGroup), SenPay (thuộc FPT), eM (đã được Alibaba mua cổ phần và đang tích hợp vào Lazada), SmartPay, G-Pay…
Trong đó, nhóm đứng đầu có sự phát triển thần tốc. Năm 2021, MoMo đã có thêm 11 triệu khách hàng đăng ký sử dụng mới và hàng chục ngàn DN tham gia hệ sinh thái, nâng tổng người dùng ví này lên tới 31 triệu khách hàng.
Sự phát triển này đầy hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư. Mới đây nhất vào tháng 12-2021, MoMo đã hoàn thành vòng gọi vốn thứ 5 (Series E) với số tiền đầu tư trị giá khoảng 200 triệu USD từ các nhà đầu tư toàn cầu, gồm Mizuho, Ward Ferry, Goodwater Capital và Kora Management.
Đáng chú ý, định hướng của VĐT này là mở rộng và tăng cường các dịch vụ của mình tại các thành phố cấp 2, cấp 3 cũng như các vùng nông thôn. Xu hướng của VĐT đang theo đuổi là phát triển thành siêu ứng dụng để chiếm lĩnh thị trường. Với sự phát triển đó, các NHTM cũng hòa vào dòng chảy, liên kết với VĐT hay phát triển VĐT của riêng mình để phát triển dịch vụ.
Với sự phát triển mạnh mẽ của NHS, VĐT cộng với các quy định quá chặt chẽ, mobile money dự kiến vẫn còn chịu sự cạnh tranh gay gắt. Hơn nữa, thay đổi hành vi chi tiêu và sử dụng tiền của người dân là cũng là việc khó khăn, nhất là đối với các khoản nhỏ lẻ. Vì thế, cho đến hiện tại, mobile money vẫn còn khá mờ nhạt trên thị trường thanh toán trong khi VĐT vẫn là điểm sáng đáng chú ý.
Dư địa thị trường vẫn còn rất lớn, nhưng với xuất phát điểm như vậy, liệu mobile money có trở thành đối thủ cạnh tranh VĐT là điều thị trường đang theo dõi. |