Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri nêu ý kiến về đề án sáp nhập 3 quận (2, 9 và Thủ Đức) thành một đơn vị hành chính cấp quận, với tên dự kiến là TP Thủ Đức. Cử tri đánh giá, chủ trương TPHCM lập đề án thành lập TP Thủ Đức là phù hợp với yêu cầu phát triển của TPHCM và cả nước. Chủ trương còn thể hiện tầm nhìn, chiến lược và trách nhiệm về sự phát triển của TPHCM, vì cả nước, cùng cả nước.
Do đó, người dân trông chờ vào sự đổi mới, phát triển từ chủ trương này, nhất là việc hình thành, phát triển khu đô thị sáng tạo dựa trên đổi mới, sáng tạo và phát triển kinh tế gắn với nâng cao chất lượng sống của người dân. Tuy nhiên, cử tri Trần Thị Quới (phường Bình Khánh) đề xuất cần có các giải pháp thực hiện hợp tình, hợp lý, như về sắp xếp số lượng cán bộ, công chức dôi dư. Cùng với đó là nghiên cứu đặt tên đơn vị hành chính mới sau khi sáp nhập tương xứng với sự đổi mới, kỳ vọng phát triển. Cụ thể hơn, cử tri Lê Thị Bạch Tuyết (phường Bình Trưng Tây) đề xuất lấy tên là thành phố Thủ Thiêm.
Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê trả lời các ý kiến của cử tri quận 2, TPHCM. Ảnh: KIỀU PHONG
Cử tri Nguyễn Hải Triều (phường Thạnh Mỹ Lợi) chia sẻ thêm, người dân trông chờ về việc sau khi sáp nhập sẽ có sự tập trung hơn về nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề dân sinh. Do đó, cử tri Triều đề xuất các ĐBQH có ý kiến để khi Quốc hội xem xét, thông qua đề án sẽ trao cơ chế tạo thuận lợi cho đơn vị hành chính mới hoạt động thuận lợi. Cùng với đó là chú trọng lựa chọn cán bộ quản lý đơn vị hành chính mới sau khi sáp nhập. Yêu cầu đặt ra là đội ngũ cán bộ, công chức phải có tư duy đổi mới, công tâm, tích cực và mẫn cán với công việc, để đáp ứng tốt yêu cầu quản lý cũng như phục vụ người dân tốt hơn.
Thay mặt tổ ĐB trả lời cử tri, ĐB Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, sáp nhập 3 quận thành một đơn vị hành chính mới là chủ đề nhận được nhiều ý kiến quan tâm của cử tri. Trước các ý kiến xác đáng của cử tri, tổ ĐBQH sẽ ghi nhận và chuyển tải đầy đủ đến đơn vị liên quan để hoàn chỉnh đề án. Theo ĐB Phan Nguyễn Như Khuê, lãnh đạo TPHCM mong muốn nhận được sự góp ý về đề án nhằm làm rõ hơn về phương pháp, cách làm để khi sắp xếp sẽ giải quyết thấu đáo những việc còn tồn tại, đồng thời tạo điều kiện để đơn vị hành chính mới sau khi sáp nhập có sự phát triển như mong muốn.
Trả lời các ý kiến của cử tri liên quan đến thực hiện quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, ĐB Phan Nguyễn Như Khuê thông tin, Thanh tra Chính phủ đã có nội dung báo cáo đầy đủ với Chính phủ để thực hiện kết luận và tổ chức gặp gỡ, đối thoại với người dân. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên kế hoạch chưa thực hiện được. Vấn đề Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã kéo dài nhiều năm.
Trong nhiệm kỳ này, tổ ĐBQH và Đoàn ĐBQH TPHCM nỗ lực hoàn thành hết trách nhiệm để chuyển tải đầy đủ thông tin, phản ánh của cử tri đến các cơ quan liên quan. Mong muốn là Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ sớm hình thành và phát triển, mang theo đó là sự an dân về một đô thị phát triển tương lai. Song, nhiều vấn đề, nội dung cần phải xem xét một cách thấu đáo để đưa ra giải pháp một cách tốt nhất nên tiến độ giải quyết chưa đạt được sự mong mỏi của cử tri.
Liên quan đến những ý kiến khác, ĐB Phan Nguyễn Như Khuê khẳng định, tổ ĐBQH ghi nhận ý kiến cử tri và nỗ lực tối đa để chuyển tải tại kỳ họp Quốc hội sắp tới; đồng thời đề nghị Quận ủy, UBND quận 2 quan tâm những vụ việc thuộc thẩm quyền và có phương án giải quyết thỏa đáng, phù hợp với quy định của pháp luật.
Cùng ngày, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tổ chức giám sát tình hình thực hiện Luật Thi hành án dân sự (THADS) và việc thực hiện chính sách pháp luật về tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân tại UBND TPHCM.
Về thực hiện Luật THADS, Cục trưởng Cục THADS TPHCM Vũ Quốc Doanh cho biết, từ 1-10-2015 đến 30-6-2020, tại TPHCM tổng số việc phải thi hành là hơn 351.500 việc, với số tiền trên 193.000 tỷ đồng. Hơn 300.000 việc với số tiền trên 108.500 tỷ đồng đã được giải quyết xong. Tuy nhiên, trong công tác THADS gặp nhiều vướng mắc, như quy định về ủy thác THA là phải xử lý xong tài sản ở địa phương này rồi mới ủy thác cho địa phương khác. Trong khi, các vụ án tham nhũng, tài sản phải THA nằm rải rác ở nhiều địa phương, quy định như vậy sẽ kéo dài thời gian THA. Nếu không kịp thời THA thì sau một thời gian tài sản sẽ mất đi hoặc giảm giá trị. Vì thế, ông Vũ Quốc Doanh kiến nghị sửa đổi quy định này để tăng cường thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu kiến nghị Bộ Tư pháp trình cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định và hướng dẫn cụ thể tiêu chí xác định “vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương” cần UBND cấp tỉnh, cấp huyện chỉ đạo tổ chức cưỡng chế THA theo quy định. Nếu không quy định cụ thể sẽ dẫn đến việc tùy tiện, hoặc đùn đẩy trách nhiệm, gây khó cho công tác THADS.
Trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, theo Thanh tra TPHCM, từ 1-1-2016 đến 30-6-2020 toàn TP đã tiếp hơn 239.000 lượt công dân; tiếp nhận hơn 23.600 đơn khiếu nại, tố cáo, trong đó có hơn 6.000 đơn khiếu nại, 900 đơn tố cáo đúng thẩm quyền. UBND TPHCM kiến nghị xây dựng quy định chế tài cụ thể đối với từng hành vi vi phạm Luật Tiếp công dân và có quy định cụ thể về cơ chế từ chối tiếp công dân. Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu, để kéo giảm được đơn thư khiếu nại, tố cáo thì trước tiên cần phải xây dựng quy định của pháp luật. Trong đó cần ưu tiên hoàn thiện pháp luật ở nhóm quy hoạch, xây dựng, đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng cần thống nhất và ổn định nhiều chục năm.
Theo ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM, UBND TPHCM nên có nghiên cứu khoa học, lý giải nguyên nhân vì sao kinh tế - xã hội phát triển, đời sống người dân ngày một khá hơn, nhưng đơn thư khiếu nại, tố cáo vẫn còn nhiều. UBND TPHCM cần quan tâm, bố trí đủ cán bộ có đủ năng lực, tâm huyết đảm đương công tác tiếp công dân.