Ngày 10-2 vừa qua, 2 tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới là Moody’s và Standard & Poor’s (S&P) lần đầu tiên thực hiện việc xếp hạng tín nhiệm dành cho ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Theo kết quả công bố, Sacombank được xếp hạng triển vọng ổn định. ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông TRẦN XUÂN HUY (ảnh), Tổng giám đốc Sacombank về kết quả đánh giá này.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, tại sao Sacombank mời Moody’s và S&P đánh giá xếp hạng tín nhiệm?
![]() |
-Ông TRẦN XUÂN HUY: - Moody’s và S&P nằm trong số 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn và uy tín nhất thế giới. Đây là lần đầu tiên Sacombank mời 2 tổ chức này đánh giá xếp hạng tín nhiệm, góp phần thể hiện một cách mạnh mẽ và nhất quán cam kết của Sacombank đối với cộng đồng nhà đầu tư trong và ngoài nước về sự minh bạch thông tin tài chính, cũng như những nỗ lực trong việc duy trì và tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động, quản trị rủi ro tốt, hướng đến chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Kết quả đánh giá của 2 tổ chức này sẽ giúp Sacombank có cái nhìn khách quan hơn về hoạt động kinh doanh, giúp chúng tôi nhận rõ được những điểm mạnh và điểm cần khắc phục, để từ đó có những giải pháp điều chỉnh trong chiến lược dài hạn của ngân hàng.
Việc được xếp hạng tín nhiệm sẽ góp phần thể hiện đầy đủ hình ảnh ngân hàng Việt Nam trên bản đồ tài chính thế giới, giúp cộng đồng đầu tư tài chính quốc tế có thêm tham chiếu tin cậy trong hoạt động giao dịch với ngân hàng Việt Nam.
Xa hơn nữa, nó sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam khơi thông kênh tiếp cận nguồn vốn tư bản nước ngoài thông qua việc từng bước cải thiện thứ hạng tín nhiệm của mình.
- Ông có thể chia sẻ thêm về đánh giá này?
- Việc được 2 tổ chức này đánh giá là “triển vọng ổn định” đã góp phần khẳng định Sacombank đang duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững và tiếp tục phát triển ổn định trước những thách thức và biến động của nền kinh tế toàn cầu.
Các nhận định và mức xếp hạng của 2 tổ chức này căn cứ vào vị thế kinh doanh, năng lực tài chính, khả năng sinh lời, các chỉ số về thanh khoản, quản trị rủi ro tín dụng và an toàn vốn của Sacombank trong mối tương quan với môi trường kinh tế Việt Nam nói chung và ngành ngân hàng nói riêng.
- Trong các tiêu chí trên, đâu là thế mạnh của Sacombank?
- Theo đánh giá của Moody’s, thế mạnh của Sacombank là chất lượng của thị phần mà chúng tôi đang nắm giữ với tư cách là ngân hàng lớn thứ 6 về tổng tài sản và có mạng lưới điểm giao dịch, ATM hàng đầu ở Việt Nam.
Có thể nói, qua 20 năm hình thành và phát triển, mạng lưới là một trong những thành tựu chúng tôi rất tự hào. Phát triển mạng lưới luôn là 1 trong 4 giải pháp chiến lược trọng tâm xuyên suốt của Sacombank. Chính nhờ nhận thức sớm tầm quan trọng của mạng lưới và phát triển đồng bộ nên hệ thống mạng lưới của Sacombank đã sớm phát huy hiệu quả.
Hiện nay, Sacombank là đơn vị có kinh nghiệm và ưu thế trên thị trường bán lẻ với mạng lưới 408 điểm giao dịch tại 47/63 tỉnh, thành tại Việt Nam và các nước Lào, Campuchia.
Tương tự Moody’s, S&P cũng cho rằng mạng lưới rộng khắp, sản phẩm đa dạng với định hướng nhóm khách hàng mục tiêu rõ ràng, ban lãnh đạo có tư tưởng cấp tiến là những yếu tố quan trọng để Sacombank có được vị thế kinh doanh vững vàng.
- Được biết, S&P đánh giá tỷ lệ cho vay trên huy động của Sacombank đạt 76%. Ông đánh giá thế nào về hoạt động huy động của Sacombank?
- Việc tính toán tỷ lệ này được thực hiện theo phương pháp riêng của S&P tại thời điểm 30-9-2011, trong đó họ tập trung vào nguồn vốn tiền gửi truyền thống, bao gồm tiền gửi thanh toán, tiết kiệm và chứng chỉ tiền gửi. Tuy vậy, S&P vẫn nhận định tỷ lệ này tốt hơn so với bình quân của ngành.
Chúng tôi cho rằng đây là một dấu hiệu tích cực, cho thấy khả năng đa dạng hóa nguồn vốn huy động của Sacombank, vì ngoài nguồn vốn tiền gửi Sacombank là một trong số các ngân hàng tư nhân có thế mạnh về việc kêu gọi nguồn vốn tài trợ thương mại ngắn hạn, các khoản vay quốc tế trung, dài hạn và các khoản vay vốn thứ cấp.
![]() |
Trụ sở chính Sacombank được xem quy mô nhất hiện nay. |
Ngoài việc phát huy tốt ưu thế về mạng lưới, Sacombank còn có những chiến lược định hướng dài hạn cho thị trường bán lẻ, tập trung vào các nhóm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sacombank rất chú trọng việc cải tiến quy trình kinh doanh và tăng cường xây dựng các sản phẩm - dịch vụ mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.
Ở từng địa phương khác nhau, chúng tôi thường xuyên thực hiện việc nghiên cứu thị trường để triển khai các sản phẩm dịch vụ đa dạng, nhiều tiện ích, phù hợp với đặc thù của từng địa bàn; chăm sóc và phục vụ khách hàng tận tình... Từ định hướng đó, kết quả huy động của Sacombank luôn ổn định và tạo được niềm tin với khách hàng từng địa phương.
- Hai tổ chức này có khuyến cáo về vốn và lợi tức của Sacombank còn yếu?
- Theo Moody’s, khả năng sinh lời của Sacombank là có thể chấp nhận được trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Còn S&P dự báo tỷ lệ vốn được điều chỉnh rủi ro của Sacombank ở mức 4% theo phương pháp tính toán riêng của S&P và sẽ không thay đổi trong vòng 12-18 tháng tới.
Đánh giá này xuất phát từ việc S&P cho rằng môi trường kinh doanh hiện nay của Việt Nam còn nhiều thách thức, dễ phát sinh rủi ro trong lĩnh vực tín dụng. Tuy nhiên, S&P cũng tin tưởng Sacombank sẽ trung hòa được các yếu tố khách quan bên ngoài, bởi họ cho rằng “chiến lược kinh doanh phòng thủ của Sacombank nhằm cơ cấu hợp lý bảng cân đối kế toán và giảm thiểu bất ổn từ bên ngoài” sẽ được phát huy tốt.
Đánh giá này được dựa vào tính thanh khoản ổn định, sự an toàn trong hoạt động kinh doanh và những kinh nghiệm kiểm soát tín dụng chặt chẽ đã được Sacombank thể hiện trong những năm qua.
- Ông có thể thông tin về tình hình thanh khoản hiện nay của Sacombank?
- Tình trạng thanh khoản của Sacombank được S&P đánh giá ở mức hợp lý, thể hiện qua việc chúng tôi đang sở hữu một khối lượng “tài sản có” có tính thanh khoản cao như tiền mặt, tiền gửi liên ngân hàng và trái phiếu chính phủ đủ để bù đắp cho các khoản vay ngắn hạn.
Đây chính là định hướng của Sacombank trong giai đoạn hiện nay nhằm tập trung ổn định thanh khoản, tạo điều kiện phát triển kinh doanh trong tương lai.
- Xin cảm ơn ông.