Người dân thủ đô Hà Nội và dư luận xã hội đang rất quan tâm cũng như không khỏi băn khoăn trước việc UBND TP Hà Nội vừa ban hành văn bản về tăng cường công tác quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo trên địa bàn, trong đó có một nội dung đáng chú ý là vận động tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó và dần tiến tới việc không bán thịt chó tại các quận nội thành sau 3-4 năm nữa.
Theo đại diện Cục Thú y Hà Nội, việc vận động người dân từ bỏ việc ăn thịt chó được đưa ra nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm từ chó, mèo sang người như bệnh dại, bệnh tả, bệnh xoắn khuẩn... Hơn nữa, việc kinh doanh, giết mổ và sử dụng thịt chó, mèo lâu nay trên địa bàn thành phố đang gây ra những phản cảm đối với người nước ngoài tới tham quan, sinh sống, làm việc tại Hà Nội, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của một thủ đô văn minh, hiện đại.
Còn nhớ vào những năm 1995 - 2000, Hà Nội trở nên nổi tiếng với phố thịt chó Nhật Tân với hàng hàng chục quán thịt chó nằm dọc bờ đê sông Hồng từ sáng tới khuya lúc nào cũng nghi ngút khói thơm lừng mùi chả chó và đông nghịt khách tới ăn nhậu. Lâu hơn ít nữa, Hà Nội từng có một chợ Âm phủ (chợ 19-12) trên phố Hai Bà Trưng nức tiếng chuyên kinh doanh thịt chó.
Thậm chí, thịt chó cũng đã vào không ít những tác phẩm văn chương được đưa vào sách giáo khoa mà tiêu biểu nhất là chuyện ngắn “Trẻ con không được ăn thịt chó” của cố nhà văn Nam Cao. Không chỉ có vậy, với suy nghĩ của rất nhiều người việc ăn thịt chó không chỉ còn là một món khoái khẩu mà còn là dịp để “giải đen” nhất là vào dịp cuối tháng, hết năm. Cho tới việc ở nhiều nơi, ăn thịt chó còn là phong tục mỗi dịp ma chay, đám giỗ, đám hỏi. Nói như vậy để thấy rằng lâu nay việc ăn thịt chó của người dân đã trở thành một thói quen, thậm chí là nét đặc trưng về truyền thống ẩm thực Việt Nam.
Trở lại với thực tại, hiện nay phố Nhật Tân, hay chợ Âm phủ đã trở thành dĩ vãng khi vắng bóng hàng quán kinh doanh thịt chó. Việc ăn thịt chó của người dân Hà Nội và nhiều địa phương khác cũng đã giảm đi nhiều. Tuy nhiên, tại nhiều chợ của Hà Nội, thậm chí một số đường phố vẫn tồn tại không ít các cửa hàng bán... “mộc tồn”. Do đó, việc chính quyền TP Hà Nội đưa ra chủ trương vận động người dân không ăn và tiến tới không bán thịt chó để giữ nét văn minh, thanh lịch của thủ đô cũng như bảo vệ sức khỏe người dân đang làm nảy sinh rất nhiều ý kiến tranh luận khác nhau từ phía người dân, cho tới các học giả, nhà nghiên cứu văn hóa - xã hội.
Không ít ý kiến cho rằng, thịt chó đã trở thành món ăn, nét ẩm thực gắn liền với đời sống người dân, thậm chí là nét văn hóa, truyền thống nên không dễ gì để từ bỏ và cũng chẳng có lý do gì để không ăn thịt chó cả. Hơn nữa, con chó cũng như nhiều con vật khác được con người nuôi như gà, heo, trâu, bò... nên việc giết mổ, làm thịt để ăn cũng chẳng có gì sai trái, hay không văn minh cả vì lâu nay việc nó vẫn thế. Nếu vận động người dân không ăn và cấm bán thịt chó thì tại sao không vận động người dân không ăn, không giết mổ và cấm bán thịt trâu, bò khi “con trâu là đầu cơ nghiệp” (!?).
Nhiều ý kiến khác, trong đó phần lớn là giới trẻ lại bày tỏ thái độ ủng hộ việc không ăn, cấm giết mổ và buôn bán thịt chó vì theo họ, con chó là vật nuôi rất thân thiết, thông minh và trung thành với con người nên việc giết mổ chó để ăn thịt rất phản cảm và ghê rợn. Cùng với đó, việc giết mổ chó, mèo để ăn thịt tiềm ẩn nhiều mầm mống bệnh tật rất lớn lây lan đối với cộng đồng.
Trong khi đó, nhu cầu về thực phẩm ở Việt Nam hoàn toàn không thiếu các loại thực phẩm khác từ vật nuôi như trâu, bò, heo, gà, thủy hải sản. Dưới góc độ xã hội, do nhu cầu tiêu thụ chó cao, hay nói cách khác là vẫn còn nhiều người ăn thịt chó nên nạn bắt trộm chó xảy ra tràn lan ở nhiều nơi, gây ra nhiều sự việc đau xót, từ đánh chửi nhau, hành hung, giết người tới thương tật, tù tội. Hơn nữa, nhiều nơi trên thế giới từng có một thời gian người dân ăn thịt chó nhưng nay đã có các quy định pháp luật cấm giết mổ và ăn thịt chó như Hàn Quốc, Mỹ, Đài Loan, Philippines.
Thống kê của cơ quan chức năng, Việt Nam là một trong những nước ăn thịt chó nhiều nhất thế giới (với khoảng 5 triệu con bị làm thịt và tiêu thụ mỗi năm). Do đó, đòi hỏi các các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động sâu rộng để người dân từ bỏ được ăn thịt chó, tiến tới có các quy định pháp luật cụ thể về việc cấm giết mổ và kinh doanh thịt chó, mèo. Bởi lẽ, xung quanh việc được và mất, lợi và hại thì chắc chắn không ăn, không giết mổ, mua bán thịt chó sẽ đem lại nhiều vấn đề tích cực hơn cho đời sống xã hội.